Cần báo cáo rõ việc thực hiện kiến nghị sau giám sát

22/07/2021 07:40 GMT+7

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát cần phải được báo cáo rõ với Quốc hội.

Đừng để giám sát của Quốc hội như “lưỡi dao chặt xuống nước”

Ngày 21.7, tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội (QH) khóa XV, cho ý kiến về chương trình giám sát năm 2022 của QH, báo cáo về dự kiến chương trình giám sát năm 2022, Tổng thư ký QH Bùi Văn Cường cho biết, từ 127 vấn đề, Ủy ban Thường vụ QH đã lựa chọn 4 chuyên đề trình QH để chọn 2 chuyên đề giám sát tối cao, 2 chuyên đề còn lại sẽ giao Ủy ban Thường vụ QH giám sát.
Cụ thể, 4 chuyên đề gồm: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi luật Quy hoạch được ban hành; Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1.7.2016 đến ngày 1.7.2021; và Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ QH về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021.
Thảo luận sau đó, nhiều đại biểu (ĐB) đề nghị QH cần cụ thể hơn phạm vi, vấn đề giám sát, nhất là với các chuyên đề về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; hay giải quyết khiếu nại, tố cáo. Nhiều ĐB nhắc lại câu chuyện về hiệu quả “hậu giám sát”, như ĐB Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) nhận định: Sau khi QH giám sát thì các báo cáo hậu giám sát rất ít, nên ĐB không biết giám sát xong thì đơn vị, địa phương thực hiện yêu cầu, kiến nghị của đoàn giám sát như thế nào. ĐB Ngân kiến nghị cần sớm xây dựng quy chế và quy trình cho ĐBQH và tổ ĐBQH thực hiện giám sát.
Đồng tình với ĐB Ngân, ĐB Vũ Trọng Kim (đoàn Nam Định) cho rằng, chương trình giám sát giao các cơ quan theo dõi, báo cáo lại QH vấn đề hậu giám sát. Theo ông Kim, cần báo cáo rõ các địa phương, đối tượng được giám sát đã làm được gì, nếu không sẽ như “lưỡi dao chặt xuống nước, sau khi lưỡi dao rút lên, nước ép lại như cũ thì không ăn thua gì”.
“Việc thực hiện các kiến nghị giám sát phải hết sức lưu ý. Các ngành và kể cả Chính phủ cũng phải báo cáo đã thực hiện thế nào, hay trả lời kiến nghị đó có phù hợp không thì phải nói cho rõ”, ĐB Kim nói.
Trong khi đó, ĐB Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) đề nghị thay 2 chuyên đề giám sát về tiết kiệm, chống lãng phí và sắp xếp đơn vị hành chính bằng 2 chuyên đề mà ông cho là nhân dân đang bức xúc và cấp bách hơn cả, là việc thực hiện luân chuyển cán bộ; và thực hiện chính sách pháp luật về tài sản công trong các đơn vị nhà nước. Dẫn ví dụ một phó chủ tịch phường tại Khánh Hòa đã nhận thức rất ấu trĩ khi xử phạt một người dân vì cho rằng bánh mì không phải thực phẩm thiết yếu; rồi việc ông Trần Văn Nam, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, trúng cử ĐBQH nhưng không được công nhận tư cách ĐB do có những sai phạm nhiều năm trước đó, ông Vân cho rằng “công tác triển khai tổ chức nhân sự có lúc tùy tiện, thiếu nhất quán, không chọn đúng người”.
Về tài sản công, ông Vân cho hay, thời gian qua vi phạm nhiều nhưng rất ít giám sát.

Đề nghị đẩy nhanh sửa luật Đất đai

Chiều cùng ngày, QH thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021. Nội dung về dự án luật Đất đai sửa đổi nhận được sự quan tâm đặc biệt của nhiều ĐB. Theo tờ trình của Chính phủ, dự án luật Đất đai sẽ được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5.2022) và kỳ họp thứ 4 (tháng 10.2022), để thông qua tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5.2023).
ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang) nêu, luật Đất đai đã được đưa vào chương trình của QH khóa XIV nhiều năm trước, song cũng nhiều lần xin lùi thời gian để Chính phủ nghiên cứu thêm và đến giờ phút này vẫn chưa được sửa đổi. Theo ĐB Bé, lịch dự kiến là đến giữa năm 2023, dự án luật này mới được thông qua và đầu năm 2024 mới có hiệu lực thi hành, sau đó phải chờ văn bản hướng dẫn, dẫn tới có thể kéo dài đến cuối nhiệm kỳ luật mới đi vào cuộc sống. Vì thế, ĐB Bé đề nghị đưa dự án luật này vào kỳ họp cuối của năm 2021, để tiến độ hoàn thành việc sửa đổi luật sớm hơn.
ĐB Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình) nêu thực trạng thị trường bất động sản hiện tăng giá rất kinh khủng, song bất động sản du lịch lại đang đi xuống. Lý do là hiện tất cả địa phương, nhiều công trình của doanh nghiệp đã giải tỏa, đền bù rồi nhưng vướng về luật Đất đai, luật Đấu thầu nên không xử lý được. “Nếu chúng ta kéo dài đến kỳ họp thứ 4 mới thông qua luật Đất đai, sẽ có hàng trăm nghìn tỉ đồng ứ đọng và doanh nghiệp sẽ lâm vào tình trạng rất nguy hiểm. Tôi đề nghị QH cần đưa ra nghị quyết tập trung vào vấn đề này để giải tỏa vấn đề bức xúc trong địa phương, doanh nghiệp, người dân”, ĐB Thân đề xuất.

Kiện toàn nhân sự lãnh đạo các cơ quan Quốc hội khóa XV

Sáng 21.7, Quốc hội (QH) khóa XV đã biểu quyết thông qua các nghị quyết bầu Tổng thư ký QH; Chủ tịch Hội đồng Dân tộc và 9 Chủ nhiệm Ủy ban của QH; Tổng kiểm toán Nhà nước. Theo đó, ông Bùi Văn Cường, Tổng thư ký QH, tiếp tục được bầu làm Tổng thư ký QH khóa XV.
Trong 9 chủ nhiệm các ủy ban QH vừa được bầu, có 7 người đang giữ các chức danh này ở khóa XIV tái đắc cử ở khóa XV.
Ngoài ra, ông Y Thanh Hà Niê Kđăm, Bí thư Đảng ủy Khối doanh nghiệp T.Ư, được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Dân tộc. Ông Trần Sỹ Thanh tái đắc cử Tổng kiểm toán Nhà nước nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.