Camera phá án: Phá án ‘thần tốc’ băng cướp giật đường phố

05/07/2016 05:54 GMT+7

Một phần nhờ công sức lưu trữ hồ sơ nghi phạm, một phần nhờ camera, trinh sát của Đội CSĐT tội phạm về TTXH, Công an Q.1 (TP.HCM) đã phá án “thần tốc” khiến tội phạm trở tay không kịp.

Cảnh sát hình sự dỏm
Trong lúc Công an TP.HCM ra quân truy quét trộm cắp, cướp giật thì hàng loạt vụ cưỡng đoạt tài sản du khách vẫn xảy ra gây hoang mang người nước ngoài tại TP.HCM. Thủ đoạn của băng nhóm tội phạm này là hằng ngày đi xe gắn máy rảo các tuyến đường ở quận 2, 7, Bình Thạnh, chặn xe người nước ngoài, tự xưng là cảnh sát hình sự yêu cầu (giao dịch bằng tiếng Anh) kiểm tra giấy tờ, rồi cưỡng đoạt tài sản...
Trắng trợn nhất là vụ anh Thomas Robert Conlett (20 tuổi, quốc tịch Anh) bị cưỡng đoạt giữa ban ngày. Lúc đó khoảng 14 giờ ngày 23.5, anh Thomas chạy xe gắn máy chở bạn là Jack Joseph Graham (19 tuổi) từ Q.1 đến vòng xoay Hàng Xanh (Q.Bình Thạnh) bị một thanh niên đi xe Wave chặn đầu xe, tự xưng cảnh sát hình sự yêu cầu kiểm tra giấy tờ. Anh Thomas chưa hiểu chuyện gì thì tên này rút một khẩu súng ngắn (?) chĩa vào bụng uy hiếp và nói "vi phạm giao thông, nộp tiền phạt". Do nạn nhân không mang theo tiền mặt, nên tên này chở anh Thomas đến buồng ATM gần đó, buộc rút 8 triệu đồng đưa cho hắn, rồi cướp luôn chiếc iPhone 5S tẩu thoát.
Trong lúc công an đang truy xét tên tội phạm nguy hiểm này thì liên tiếp các vụ cưỡng đoạt tài sản tương tự vẫn xảy ra ở Q.2, Q.Bình Thạnh. Cùng lúc này, cộng đồng người nước ngoài tại VN chia sẻ thủ đoạn cưỡng đoạt trên lên Facebook để du khách đề phòng cảnh giác. Nạn nhân miêu tả khá kỹ về mặt mũi, hình dáng thủ phạm; thậm chí đưa nhiều thông tin, hình ảnh về một thanh niên đáng ngờ hành nghề xe ôm ở khu phố Tây. Từ manh mối này, trinh sát của Công an Q.1 bí mật tiến hành rà soát, trích xuất hình ảnh rõ nét hơn về nghi phạm từ camera của người dân để phục vụ công tác điều tra.
So sánh hình ảnh từ camera của người dân và hình ảnh hồ sơ lưu trữ, trinh sát nhanh chóng xác định đó là Đặng Tuấn Thanh (tức Thanh “mập”, 21 tuổi, ngụ Tây Ninh, có 1 tiền án). Bằng thủ đoạn giả danh cảnh sát hình sự, hắn từng cưỡng đoạt tài sản của người nước ngoài tại trung tâm thành phố, bị Công an Q.1 bắt giữ cách đây vài năm. Sau khi được tha tù, hắn hành nghề xe ôm ở khu vực giao lộ Bùi Viện - Đỗ Quang Đẩu. Mặc dù thời gian đầu, hắn tỏ vẻ hoàn lương nhưng trinh sát vẫn đưa Thanh vào “sổ đen” - hồ sơ lưu trữ theo dõi của đội nên trinh sát biết khá rõ về hắn. Qua điều tra, trinh sát Công an Q.1 phát hiện hắn đang thuê nhà ở Q.9 tá túc nhưng khi đưa quân xuống bắt thì hắn đã dọn đi nơi khác.
Nhận định đây là tội phạm nguy hiểm, Ban Chỉ huy Công an Q.1 chỉ đạo trinh sát quyết bắt giữ cho bằng được nghi phạm trước khi hắn tiếp tục gây án. Nhưng các cuộc ra quân, rà soát nơi ở mới của hắn đều vô vọng. Đúng như lời cảnh báo của lãnh đạo Công an Q.1, khoảng 13 giờ 10 ngày 8.6, ông Lee Sie Zan (31 tuổi, quốc tịch Malaysia, lưu trú Q.7) lại bị một thanh niên cưỡng đoạt 1 máy tính bảng, 1 ĐTDĐ, 1 hộ chiếu với tổng trị giá 13 triệu đồng ở khu vực cầu Kênh Tẻ (Q.7). Bằng biện pháp nghiệp vụ, trinh sát, Công an Q.1 xác định được nơi trọ của Thanh nên phối hợp với Đội cảnh sát hình sự đặc nhiệm, Công an TP.HCM tiến hành bắt giữ. Trưa 9.6, khi lực lượng phối hợp ập vào phòng trọ ở P.Tân Hưng (Q.7) thì Thanh còn đang ngon giấc sau trận đập “đá”. Tại đây, công an thu giữ chiếc xe máy của Thanh sử dụng đi gây án, 9 túi xách, 2 gậy chụp hình, 2 đồng hồ đeo tay, 3 gói ma túy “đá”, 1 máy tính xách tay, 1 thẻ công an giả ghi dòng chữ tiếng Anh “Certificate Police Office On Drug Crime”.
Dàn cảnh “cướp” tiền giữa phố
Đó là vụ dàn cảnh đoạt tài sản xảy ra trên đường Bàn Cờ (Q.3) vào đầu năm 2016 được tung lên mạng gây phẫn nộ dư luận. Khoảng 8 giờ ngày 21.1, ông Đ.Đ.H (giám đốc một công ty bảo vệ trên đường Bàn Cờ, Q.3) để cọc tiền 39,7 triệu đồng trong túi quần, khi chạy gần đến công ty bị một thanh niên cúp đầu xe làm ông H. loạng choạng. Cùng lúc đó, hai tên khác trờ xe đến, móc cọc tiền trong túi nạn nhân. Ông H. bình tĩnh vứt xe, chụp lại cọc tiền, hai bên giằng co và ông hô hoán: “Cướp cướp”... nhưng vẫn bị xe của tên cướp kéo đi một đoạn dài 10 m. Đến trước hẻm 144 Bàn Cờ, ông H. quật ngã được tên ngồi sau thì bị một tên khác cho xe tông thẳng vào ông để giải vây cho đồng bọn, tẩu thoát. Theo nạn nhân, ông đã chụp lại được 26 triệu đồng, còn bị cướp 13,7 triệu đồng...
Điều đáng nói, hành vi cướp tiền táo tợn này được camera của người dân gần đó ghi lại tung lên mạng và lan truyền đến chóng mặt. Ngay sau đó, Công an TP.HCM phối hợp với công an quận, huyện truy xét nhóm tội phạm nói trên nhưng đều vô vọng. Rất may, băng nhóm này từng vào địa bàn Q.1 “săn mồi”, dù chưa gây án nhưng trinh sát của Công an Q.1 vẫn cẩn thận lưu hình ảnh, thông tin lý lịch, phương tiện sử dụng... của chúng vào “sổ đen” để theo dõi. Cho nên khi xem clip trên mạng, dù không thấy rõ mặt mũi do chúng bịt khẩu trang, nhưng nhìn vào dáng dấp, phương tiện... trinh sát Công an Q.1 dễ dàng nhận dạng ra băng của Thảo Q.4. Lập tức, Công an Q.1 tung trinh sát truy lùng băng nhóm Thảo và được biết sau khi gây án ở đường Bàn Cờ (Q.3), chúng mang tiền về một quán cà phê ở Q.8 chia nhau. Từ đó, Công an Q.1 phối hợp Công an Q.3 truy bắt.
Khoảng 13 giờ ngày 21.1, khi băng nhóm do Thảo cầm đầu “săn mồi” ở vòng xoay Nguyễn Thị Minh Khai - Lý Thái Tổ (Q.1 - Q.3) thì bị lực lượng phối hợp tổ chức vây bắt được 5 tên, 2 tên kịp thời tẩu thoát. “Đây là loại tội phạm chuyên nghiệp được đánh giá là khó truy bắt nhất so với tội phạm cướp giật, móc túi... Tên cầm đầu cố tình chọn lựa đồng bọn không quen biết nhau, tránh trường hợp khi bị bắt khai ra đồng phạm. Mỗi lần xuống đường bọn chúng đều phân chia nhiệm vụ cụ thể, nhóm cản địa đi nhiều xe lưu thông phía sau nhóm trực tiếp dàn cảnh, đoạt tiền, cách từ 500 m - 1 km nên trinh sát khó theo dõi, tiếp cận nghi phạm trực tiếp gây án”, một trinh sát của Công an TP.HCM nhận định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.