Cấm ghi âm, ghi hình ngụy trang là hạn chế vai trò báo chí

10/04/2017 08:08 GMT+7

Dự thảo Nghị định quy định điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị hạn chế về đối tượng sử dụng... cũng đồng nghĩa với việc hạn chế quyền của báo chí.

Ông Hà Minh Huệ, nguyên Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo VN, nhận định dự thảo Nghị định quy định điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị hạn chế về đối tượng sử dụng, cũng đồng nghĩa với việc hạn chế quyền của báo chí.
Theo ông Huệ, luật Báo chí và văn bản hướng dẫn của Chính phủ cho phép phóng viên, nhà báo được sử dụng các phương tiện để tác nghiệp khai thác thông tin, gồm cả báo viết, báo hình và báo nói để phục vụ độc giả nhưng không đề cập đến việc sử dụng phương tiện tác nghiệp công khai hay ngụy trang. “Hoạt động báo chí có nhiều vụ việc, đặc biệt là các vụ việc liên quan đến phản ánh tiêu cực, nếu nhà báo sử dụng các biện pháp công khai thì sẽ gặp nhiều khó khăn”, ông Huệ nói và đề nghị Bộ Công an chỉnh lý dự thảo để đảm bảo phương pháp, phương tiện hành nghề của báo chí, đồng thời để không “vênh” với hệ thống luật pháp hiện hành.
Đồng tình với quan điểm trên, PGS-TS Nguyễn Văn Dững, Trưởng khoa Báo chí Học viện Báo chí - Tuyên truyền, cho rằng về bản chất các sản phẩm công nghệ số (các thiết bị ghi âm ghi hình, định vị...) là những sản phẩm của xã hội phụ thuộc vào trình độ văn minh của người sử dụng. “Báo chí sử dụng các công nghệ đó để phản ánh nguyện vọng của người dân, giúp làm lành mạnh hóa các quan hệ xã hội là điều rất tốt. Nếu cấm báo chí sử dụng cái đó thì rõ ràng đi ngược lại với sự phát triển, hạn chế vai trò của báo chí”, PGS-TS Nguyễn Văn Dững phân tích.

tin liên quan

Ai mới được ghi âm, ghi hình ngụy trang?
Theo dự thảo Nghị định quy định điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị vừa công bố, chỉ cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội mới được sử dụng.  
Bên cạnh đó, PGS-TS Nguyễn Văn Dững cũng cho rằng cơ quan soạn thảo đưa ra điều khoản chỉ có một số ít cơ quan chuyên trách sử dụng thiết bị ngụy trang là mang tính độc quyền. “Nếu vì mục đích an ninh quốc phòng thì các cơ quan chức năng phải sử dụng những thiết bị chuyên dụng riêng và họ phải có những trình độ đặc biệt để quản lý. Còn theo điều khoản trong dự thảo đã cấm một cách “đại trà” và để cho một số ít cơ quan được sử dụng thì tôi thấy không ổn trong cách thức quản lý”, ông Dững nói.
Nội dung vượt quá phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
Trong khi đó, luật sư (LS) Nguyễn Minh Tâm, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó tổng thư ký Liên đoàn Luật sư VN, phân tích: Hình thức, tên gọi và nội dung các điều khoản trong nghị định chứa đựng những mâu thuẫn, không bảo đảm tính thống nhất của một văn bản pháp luật. Tên gọi của nghị định là “Quy định điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị”.
Nghị định đã xác định rõ “Phạm vi điều chỉnh” (điều 1) và “Đối tượng áp dụng” (điều 2) là “hoạt động kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị”, tức là chỉ điều chỉnh hoạt động của các chủ thể kinh doanh mà không điều chỉnh việc sử dụng các thiết bị phần mềm này. Nhưng trong nội dung nghị định lại quy định, hạn chế hoặc cấm cá nhân công dân sử dụng các thiết bị này trong sinh hoạt đời sống. Cụ thể: khoản 4 điều 4 nghị định quy định: “Chỉ cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội được sử dụng thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị phục vụ cho hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng”. “Như vậy, nội dung của nghị định đã vượt quá phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng cũng như tên gọi của nghị định. Mâu thuẫn này đã không bảo đảm nguyên tắc thống nhất của một văn bản pháp luật”, LS Tâm nói.
Về nội dung nghị định cũng đã không tuân thủ nguyên tắc của Hiến pháp năm 2013 quy định quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật (điều 14 Hiến pháp 2013). Việc sử dụng các thiết bị ghi âm, ghi hình... trong các máy điện thoại thông minh để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt, đời sống hoặc thực hiện những mục đích tốt đẹp trong việc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, góp phần xây dựng đất nước là thuộc về quyền con người, quyền công dân theo tinh thần của Hiến pháp và quyền của chủ sở hữu tài sản theo quy định của bộ luật Dân sự. Nếu công dân nào sử dụng các phương tiện này với mục đích xấu, làm ảnh hưởng hoặc xâm hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội thì luật pháp đã có các chế tài áp dụng xử lý, tùy theo tính chất của hành vi vi phạm. “Quy định cấm công dân không được sử dụng các thiết bị đó với mục đích lành mạnh, hợp pháp là một quy định vi hiến. Đặc biệt, đối với đội ngũ nhà báo tác nghiệp báo chí, các LS hành nghề LS thì việc thu thập thông tin, tài liệu theo quy định của luật Báo chí, luật Luật sư, các bộ luật tố tụng hình sự, tố tụng dân sự... trong hành nghề sẽ bị cấm đoán bởi quy định đó. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động tác nghiệp của họ”, LS Tâm nói.
Trao đổi với Thanh Niên chiều qua, một lãnh đạo Vụ Pháp luật hình sự - hành chính Bộ Tư pháp cho biết đã nhận được các phản ánh về dự thảo nghị định do Bộ Công an soạn thảo. Theo vị này, quy định tại dự thảo nói trên không chỉ tác động đến hoạt động báo chí mà còn cả quyền của người dân. Tuy nhiên, vị này từ chối đưa ra những nhận định cụ thể mà cho rằng cần có thêm thời gian để nắm bắt thông tin và đánh giá trong việc thẩm định, cho ý kiến về dự thảo nghị định này vào thời gian tới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.