Cải cách chính sách tiền lương: Lương công chức, viên chức sẽ ra sao?

Lê Hiệp
Lê Hiệp
03/05/2018 10:14 GMT+7

Đề án cải cách chính sách tiền lương dự kiến trình Hội nghị T.Ư 7 trong những ngày tới đây đề ra nhiều điểm mới trong chế độ lương, phụ cấp đối với công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

Hệ thống bảng lương mới
Thay đổi lớn nhất trong nội dung cải cách của đề án này là ban hành hệ thống bảng lương mới đối với khu vực công theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo trên cơ sở điều chỉnh tăng mức lương thấp nhất và mở rộng quan hệ tiền lương tiệm cận với khu vực thị trường. Bên cạnh đó, hệ thống bảng lương mới sẽ được quy định bằng số tiền tuyệt đối thay vì quy định hệ số lương nhân với mức lương cơ sở.
Đáng chú ý, thay vì 7 bảng lương như hiện tại, hệ thống bảng lương mới sẽ rút gọn chỉ còn 5 bảng lương, gồm: 2 bảng lương cho công chức, viên chức và 3 bảng lương đối với lực lượng vũ trang.
Cụ thể, sẽ có 1 bảng lương chức vụ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo (bầu cử và bổ nhiệm) trong hệ thống chính trị từ T.Ư đến cấp xã; 1 bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo.
3 bảng lương đối với lực lượng vũ trang, gồm: 1 bảng lương sĩ quan quân đội, sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ công an (theo chức vụ, chức danh và cấp bậc quân hàm/cấp hàm); 1 bảng lương quân nhân chuyên nghiệp, chuyên môn kỹ thuật công an; và 1 bảng lương công nhân quốc phòng, công nhân công an.
Như vậy, so với hệ thống bảng lương hiện hành, hệ thống bảng lương mới sẽ không còn bảng lương cho chuyên gia cao cấp; bảng lương của cán bộ chuyên trách ở xã, phường, thị trấn và bảng lương nhân viên thừa hành, phục vụ trong các cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp của nhà nước.
Đề án cũng chỉ rõ, đối với những công việc thừa hành, phục vụ (lái xe, tạp vụ...) sẽ thực hiện thống nhất chế độ hợp đồng lao động theo quy định của bộ luật Lao động, hoặc hợp đồng cung cấp dịch vụ, không áp dụng bảng lương công chức, viên chức như trước.
Đối với lực lượng vũ trang, đề án đã bổ sung thêm một bảng lương dành cho công nhân quốc phòng, công an nhân dân, thay vì áp dụng thang lương, bảng lương quy định trong các công ty nhà nước theo quy định hiện hành.
Thực hiện khoán quỹ lương
Chế độ tiền lương mới thực hiện từ 2021
Theo đề án, đối với khu vực công, chế độ tiền lương mới sẽ thực hiện từ năm 2021 gắn với lộ trình cải cách hành chính, tinh giản biên chế; đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập. Xác định mức tiền lương thấp nhất của khu vực công (là mức tiền lương của người làm công việc yêu cầu trình độ đào tạo trung cấp) từ năm 2021 không thấp hơn mức lương thấp nhất của khu vực doanh nghiệp.
Một điểm mới khác trong nội dung cải cách chính sách tiền lương theo đề án là sẽ thiết kế lại cơ cấu tiền lương mới, gồm: Mức lương cơ bản, chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương; các khoản phụ cấp, chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương; tiền thưởng, bằng khoảng 10% tổng quỹ lương.
Các chế độ phụ cấp hiện hành sẽ được sắp xếp lại, bảo đảm tổng quỹ phụ cấp chiếm tối đa 30% trong tổng quỹ lương.
Bên cạnh đó, đề án cũng đưa ra nhiều chính sách mới trong cơ chế tiền lương, như cho phép người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được sử dụng quỹ tiền lương và kinh phí chi thường xuyên được giao hằng năm để thuê chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt.
Mở rộng thí điểm cơ chế áp dụng đối với một số tỉnh, thành phố ở vùng động lực được chi thu nhập bình quân tăng thêm không quá 0,8 lần.
Đề án cũng đề xuất thực hiện khoán quỹ lương cho các cơ quan, đơn vị. Bãi bỏ hệ số tiền lương tăng thêm đối với cán bộ, công chức thuộc các cơ quan đang thực hiện cơ chế tài chính đặc thù khi thực hiện bảng lương mới.
Giảm can thiệp nhà nước vào chính sách tiền lương doanh nghiệp
Đối với khu vực doanh nghiệp, sẽ tiếp tục hoàn thiện chính sách về tiền lương tối thiểu vùng; bổ sung quy định mức lương tối thiểu vùng theo giờ; kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Hội đồng Tiền lương Quốc gia.
Đề án cũng chỉ rõ, mục tiêu thực hiện điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu vùng để đến năm 2020 đảm bảo mức sống tối thiểu. Giảm dần và tiến tới bãi bỏ sự can thiệp trực tiếp của nhà nước vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp.
Đáng chú ý, theo đề án này, doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp 100% vốn nhà nước) được tự chủ quyết định chính sách tiền lương (trong đó có thang, bảng lương, định mức lao động) và trả lương phù hợp với tổ chức sản xuất, tổ chức lao động, khả năng của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, tách bạch tiền lương của người đại diện vốn nhà nước với tiền lương của Ban điều hành; thực hiện nguyên tắc ai thuê, bổ nhiệm thì người đó đánh giá và trả lương. Từng bước tiến tới thuê Hội đồng thành viên độc lập và trả lương cho Hội đồng thành viên, kiểm soát viên từ lợi nhuận sau thuế.
Bãi bỏ các khoản chi ngoài lương từ ngân sách
Đề án cũng đưa ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp thực hiện việc cải cách chính sách tiền lương, trong đó bao gồm hoàn thiện xây dựng hệ thống vị trí việc làm để làm cơ sở trả lương theo chức vụ, chức danh và vị trí việc làm; sửa đổi, hoàn thiện pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức, lao động, doanh nghiệp, bảo hiểm xã hội và pháp luật có liên quan đến chính sách tiền lương; đẩy mạnh phân cấp, giao quyền tự chủ cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị; hoàn thiện cơ chế thỏa thuận về tiền lương trong doanh nghiệp thông qua việc thiết lập cơ chế đối thoại, thương lượng và thỏa thuận...
Đối với giải pháp tài chính được xác định là giải pháp đột phá, đề án đề xuất hàng năm ưu tiên dành khoảng 50% tăng thu dự toán và 70% tăng thu thực hiện của ngân sách địa phương, khoảng 40% tăng thu ngân sách trung ương cho cải cách tiền lương.
Nguồn cải cách tiền lương còn dư sau khi điều chỉnh mức lương cơ sở hằng năm phải tiếp tục sử dụng để thực hiện cải cách tiền lương sau năm 2020.
Bên cạnh đó, bãi bỏ các khoản chi ngoài lương của cán bộ, công chức, viên chức có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.