Các trường dạy nghề sẽ hạch toán như doanh nghiệp

18/04/2017 16:16 GMT+7

"Tự chủ không phải khoán trắng không có sự hỗ trợ của nhà nước mà khuyến khích và bắt buộc các trường hạch toán như DNNN...", Bộ trưởng LĐ-TB-XH lý giải khi nói về 1 trong 3 đột phá về đào tạo nghề sắp tới.

Trong phiên chất vấn sáng nay 18.4 với Bộ trưởng LĐ-TB-XH tại phiên họp của Ủy ban TVQH (có kết nối đến tất cả các đoàn ĐBQH ở các tỉnh, thành trong cả nước), các ĐB Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn), Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi)... đặt câu hỏi về chất lượng nguồn nhân lực thấp, khó đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hoá - hiện đại hoá và đề nghị tư lệnh ngành LĐ-TB-XH cho biết giải pháp khắc phục.
Theo Bộ trưởng LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung, sau khi nhận bàn giao lĩnh vực từ Bộ GD-ĐT ngày 1.1.2017, Bộ LĐ-TB-XH đã xây dựng, ban hành 37 văn bản khác nhau, trong đó có 4 nghị định và 8 quyết định của Thủ tướng.
Bộ cũng đề ra 10 nhóm giải pháp cơ bản để nâng cao chất lượng đào tạo nghề, chất lượng nguồn nhân lực, như xây dựng và ban hành chuẩn giáo dục nghề nghiệp, đổi mới cơ chế hoạt động bảo đảm tính cạnh tranh giữa các cơ sở đào tạo và giữa các thành phần kinh tế, đẩy mạnh xã hội hoá…. “Cùng với hoàn thiện thể chế, chúng tôi đã chọn 3 vấn đề có tính chất đột phá, nếu làm tốt chắc chắn lĩnh vực giáo dục nghề  nghiệp (GDNN) sẽ có những chuyển động nhất định”, Bộ trưởng Dung cho biết.
Đột phá thứ nhất, theo Bộ trưởng LĐ-TB-XH, là việc tăng cường tự chủ các cơ sở GDNN. "Tự chủ không phải khoán trắng không có sự hỗ trợ của nhà nước mà khuyến khích và bắt buộc các trường hạch toán như DNNN, hướng đến phát triển bền vững, giao quyền tự chủ, tự chọn ngành đào tạo, tự chủ bộ máy, mã ngành...", ông Dung lý giải.
Theo đó, sẽ từng bước chuyển giao dự toán ngân sách các cơ sở GDNN công lập như hiện nay sang phương thức đặt hàng, đấu thầu, giao nhiệm vụ đầu ra, không phân biệt công lập hay ngoài công lập. Theo Bộ trưởng, từ nay đến 2020 chỉ cấp ngân sách như 2017, nghĩa là hàng năm giảm 7% chi tiêu cho lĩnh vực GDNN.
Đột phá thứ hai là tăng cường sự tham gia của DN trong GDNN, tạo liên kết DN với các cơ sở đào tạo, triển khai mô hình như đào tạo kép của CHLB Đức, tăng cường trách nhiệm của DN. “Qua tổng kết các mô hình liên kết DN tham gia ngay từ đầu ký kết, giảng dạy, thực tập trả lương, có những trường đã cam kết chịu trách nhiệm việc làm cho SV, nếu không sẽ hoàn lại kinh phí” ;
Đột phá thứ 3 là chuẩn hoá quốc gia trong GDNN, đáp ứng chuẩn ASEAN và quốc tế. Bộ trưởng Dung bày tỏ, với quyết tâm chính trị, cách làm mới sẽ tạo ra chuyển động mới trong GDNN.
"Với các giải pháp nêu trên, Bộ trưởng khẳng định khi nào thì không còn tình trạng thất nghiệp?”, trước câu hỏi này của đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang), Bộ trưởng LĐ-TB-XH khẳng định: Kể cả ở Cộng hoà liên bang Đức, nơi đào tạo nghề được xem là tốt nhất trên thế giới, vẫn có tình trạng thất nghiệp, thiếu việc, làm việc không đúng với chuyên môn.
Từ nhìn nhận trên, ông Đào Ngọc Dung cho rằng, giảm thiểu tình trạng thất nghiệp không chỉ là nhiệm vụ của ngành LĐ-TB-XH mà là của tất cả các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.