Các tôn giáo tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
10/08/2019 06:35 GMT+7

“Ở VN có 43 tổ chức tôn giáo được pháp luật công nhận nhưng bàn thờ Tổ quốc chỉ có một. Chúng ta quyết đoàn kết, phụng sự nhân dân, Tổ quốc”.

Đó là gửi gắm của Thủ tướng tại buổi gặp mặt, biểu dương chức sắc, chức việc tôn giáo có đóng góp tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Buổi gặp mặt, biểu dương tổ chức hôm qua (9.8) tại TP.Đà Nẵng. Báo cáo tại buổi gặp mặt, ông Vũ Chiến Thắng, Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ, cho biết tính đến tháng 8.2019, nhà nước đã công nhận và cấp đăng ký hoạt động cho 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo với hơn 26 triệu tín đồ, gần 56.000 chức sắc, 145.721 chức việc; có hơn 3.000 di tích gắn với cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, một số di tích được UNESCO công nhận là di sản thế giới... Các tôn giáo đã tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; góp phần bồi đắp và làm phong phú các giá trị truyền thống, văn hóa, nhân văn, hướng thiện, có ảnh hưởng tích cực đến đời sống xã hội...

Chung một định hướng “sống tốt đời đẹp đạo”

Thủ tướng thăm hỏi và tặng quà các chức sắc, chức việc tôn giáo

Ảnh: Hoàng Sơn

Theo ông Vũ Chiến Thắng, đường lối, phương châm có khác nhau nhưng các tôn giáo đã chung một định hướng là sống tốt đời đẹp đạo, gắn bó, đồng hành cùng với dân tộc, với đất nước. Các tôn giáo tích cực tham gia, cùng chính quyền và MTTQ các cấp xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế xã hội; đặc biệt là cùng chung tay với nhà nước chăm lo cho người có công với nước, cứu trợ thiên tai, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn...
Mục sư Trần Thanh Truyện, Hội trưởng Giáo hội Cơ đốc Phục lâm VN, cho biết: “Đây là lần thứ hai Thủ tướng gặp mặt chức sắc các tôn giáo. Đây là điểm son mà tôi nghĩ rằng không phải quốc gia nào trên thế giới cũng tập hợp được các lãnh đạo các tổ chức tôn giáo... Điều đó cho thấy Thủ tướng và Chính phủ rất quan tâm và muốn nghe các tôn giáo nói”. Ông Truyện đề xuất nếu Chính phủ cho phép các cơ sở tôn giáo được dùng phần đất hiện có để liên kết với các bệnh viện hoặc mở các bệnh viện, phòng khám theo luật y tế, sẽ góp phần xã hội hóa y tế một cách hiệu quả...
Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Giáo hội Phật giáo VN, kiến nghị Ban Tôn giáo Chính phủ và các ban, bộ ngành T.Ư cần tiếp tục giúp đỡ Giáo hội Phật giáo VN trong các hoạt động đối ngoại đa phương, các hoạt động đối ngoại nhân dân...

Tạo mọi điều kiện cho các tôn giáo hoạt động

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự đóng góp của các tôn giáo ở VN trong thời gian qua, kể cả trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đất nước. “Tôi tâm đắc với ý kiến của một vị chức sắc rằng ở VN có 43 tổ chức tôn giáo được pháp luật công nhận nhưng bàn thờ Tổ quốc chỉ có một. Chúng ta quyết đoàn kết, phụng sự nhân dân, Tổ quốc. Đó là ý kiến tâm huyết và rất có ý nghĩa đối với dân tộc, đất nước ta trong giai đoạn vừa qua và giai đoạn đến đầy thách thức, khó khăn”, Thủ tướng nói và đánh giá đại đa số chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo đều có tinh thần yêu nước, đoàn kết gắn bó với dân tộc, thực hiện tốt vai trò, nghĩa vụ, trách nhiệm công dân. Với những giáo lý nhân văn, bác ái của mình, các tôn giáo ở VN đã cụ thể hóa thành những hành động thiết thực...
Theo Thủ tướng, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động tôn giáo, công tác tôn giáo cũng đang phải đối diện với những khó khăn, thách thức, như: hành lang pháp lý chưa hoàn thiện, thiếu đồng bộ, cơ chế, chính sách vẫn còn chồng chéo và có bất cập; việc triển khai thực hiện một số nội dung của luật Tín ngưỡng, tôn giáo còn lúng túng, thiếu thống nhất trong xử lý; chưa khơi thông và phát huy hết nguồn lực của tôn giáo để đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước... Trong đời sống xã hội vẫn còn một số hiện tượng tín ngưỡng mới, tà đạo hoạt động mê tín dị đoan, trục lợi, trái thuần phong mỹ tục, ảnh hưởng đến sức khỏe, thời gian, tiền bạc của nhân dân...
Từ đó, Thủ tướng đề nghị và mong muốn chức sắc, chức việc, lãnh đạo các tổ chức tôn giáo tiếp tục đồng hành với Chính phủ và chính quyền các cấp. “Nguyên tắc chung là phải nhìn nhận và giải quyết các vấn đề liên quan đến tôn giáo trên tinh thần thượng tôn pháp luật và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tôn giáo của mọi người dân. Tạo mọi điều kiện cho các tôn giáo hoạt động theo quy định của pháp luật”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh: “Không để các hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo mê tín dị đoan, trục lợi gây bức xúc trong xã hội, chia rẽ nhân dân, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo. Nêu cao tinh thần cảnh giác, không để các thế lực lợi dụng chống phá ta về “dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo”, cản trở VN trong hội nhập và hợp tác quốc tế”.
 
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.