Các tỉnh thành phía nam căng mình chống dịch

20/07/2021 04:54 GMT+7

Hôm qua (19.7), 16 tỉnh, thành miền Tây Nam bộ, Đông Nam bộ thực hiện giãn cách trên toàn địa bàn theo Chỉ thị 16 đã tăng cường kiểm soát nhằm phòng ngừa dịch bệnh.

Trong ngày đầu thực hiện Chỉ thị 16, PV Thanh Niên ghi nhận lực lượng chức năng tăng cường xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; đồng thời cung ứng hàng hóa đáp ứng nhu cầu của người dân, để phòng, chống dịch trong 14 ngày sắp tới.

Xử phạt hàng trăm trường hợp vi phạm

Đồng Tháp đang là “điểm nóng” về dịch Covid-19 tại ĐBSCL, tính đến chiều 19.7, tỉnh có 1.405 ca mắc. Ghi nhận thực tế ngày 19.7, tại TP.Cao Lãnh, chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 trên đường Nguyễn Huệ (P.Mỹ Phú, TP.Cao Lãnh giáp ranh với H.Cao Lãnh), lực lượng kiểm soát buộc nhiều người dân và phương tiện quay đầu xe trở lại, không cho vào TP.Cao Lãnh với lý do không hợp lý như “mua thuốc nhức đầu”, hoặc từ H.Cao Lãnh đến TP.Cao Lãnh chỉ “để đi chợ”…
Ngoài ra, trong nội ô TP.Cao Lãnh, từng phường đều có lực lượng chốt chặn, ai đi ra ngoài mà không có lý do chính đáng đều bị xử lý. Trong ngày 19.7, cơ quan chức năng xử phạt 87 trường hợp vi phạm Chỉ thị 16, với số tiền hơn 300 triệu đồng, trong đó có 73 trường hợp đi ra ngoài khi không cần thiết.

Sáng 20.7: TP.HCM thêm 1.519 ca Covid-19, tổng cộng 36.344 bệnh nhân

Tương tự, tỉnh Vĩnh Long đã lập 9 chốt kiểm soát cấp tỉnh, 43 chốt kiểm soát cấp huyện và các tổ tuần tra lưu động với gần 1.000 cán bộ, chiến sĩ luân phiên trực 24/24, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Trong đó, TP.Cần Thơ xử lý nghiêm nhất. Ngày 19.7, riêng lực lượng chức năng Q.Ninh Kiều xử phạt 164 trường hợp vi phạm với số tiền 350 triệu đồng; nhắc nhở hơn 400 trường hợp vi phạm. Còn mấy ngày qua, Q.Ninh Kiều (đã thực hiện Chỉ thị 16 trước đó) xử phạt 388 trường hợp, với số tiền gần 1,6 tỉ đồng.

Nhân viên tiếp thị bị lập biên bản vì ra đường không cần thiết tại TP.Bà Rịa

ẢNH: NGUYỄN LONG

Trong khi đó, tại một số tỉnh Đông Nam bộ, người dân chấp hành Chỉ thị 16 nghiêm hơn. Từ 0 giờ ngày 19.7, các huyện, thị xã, thành phố trên toàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã đồng loạt ra quân nhắc nhở, xử lý những trường hợp vi phạm Chỉ thị 16. Ghi nhận trưa 19.7, tại ngã tư Điện Biên Phủ và Nguyễn Tất Thành (TP.Bà Rịa), tổ tuần tra xử phạt một thanh niên làm nghề tiếp thị lưu thông trên đường Điện Biên Phủ do ra đường không có lý do chính đáng. Trong ngày đầu, người dân TP.Bà Rịa, TP.Vũng Tàu, TX.Phú Mỹ và nhiều huyện đa số đều chấp hành tốt quy định ở nhà, các tuyến đường vắng người và phương tiện so với ngày thường.
Tương tự, tại Bình Phước, hầu hết người dân đều chấp hành nghiêm theo quy định. Ghi nhận của PV tại TP.Đồng Xoài, trên đường, hầu hết các phương tiện xe tải, shipper chở hàng hóa giao cho khách. Các cửa hàng tiện lợi, các cửa hàng Bách Hóa Xanh, siêu thị… số lượng người đến mua hàng giảm mạnh so với ngày bình thường. Việc xử phạt cũng được thực hiện nghiêm đối với một số trường hợp không đeo khẩu trang, ra đường không có lý do chính đáng ở TP.Đồng Xoài.

TP.HCM đóng cửa 197 chợ truyền thống do Covid-19, chỉ còn 40 chợ hoạt động

Chợ truyền thống vẫn hoạt động

Cũng vào hôm qua, người dân Kiên Giang thực hiện rất nghiêm túc. Các chợ truyền thống, siêu thị, cửa hàng tiện lợi đều rất vắng vẻ, người dân đi mua sắm rất ít.
Tại TP.Phú Quốc, trong sáng 19.7, Đội kiểm tra trật tự đô thị TP.Phú Quốc phối hợp Công an P.Dương Đông… giăng dây làm ranh giới giữa người bán hàng và người mua, hỗ trợ tiểu thương di dời các gian hàng vào bên trong, tạo sự thông thoáng cho chợ. Bà Nguyễn Thị Ngọc Hà (58 tuổi, kinh doanh hải sản chợ Dương Đông) chia sẻ: “Chúng ta phải cùng nhau thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội theo chỉ đạo của các cấp. Tất cả cũng vì bảo vệ sức khỏe cho chúng ta, chỉ 14 ngày thôi, không lâu lắm. Mong rằng sau 14 ngày giãn cách này, dịch bệnh sẽ được đẩy lùi”.
  Công an P.Dương Đông (TP.Phú Quốc, Kiên Giang) hỗ trợ tiểu thương chợ Dương Đông di dời gian hàng để tạo sự thông thoáng  ẢNH: HOÀNG TRUNG

Công an P.Dương Đông (TP.Phú Quốc, Kiên Giang) hỗ trợ tiểu thương chợ Dương Đông di dời gian hàng để tạo sự thông thoáng

ẢNH: HOÀNG TRUNG

Ông Nguyễn Lưu Trung, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, cho biết các chợ truyền thống, cửa hàng tiện lợi, hệ thống siêu thị, hộ kinh doanh mặt hàng thiết yếu vẫn hoạt động bình thường, đảm bảo cung ứng đầy đủ hàng hóa cho người dân. Do vậy, người dân không nên mua hàng với số lượng lớn, gây khan hiếm cục bộ, ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch trên địa bàn.
“Chúng tôi đã chỉ đạo Sở Công thương có bước chuẩn bị về nguồn cung đảm bảo yêu cầu của người dân. Kênh phân phối vẫn quyết tâm duy trì hoạt động của hệ thống siêu thị, chợ truyền thống. Chúng tôi đã phân cấp cho chủ tịch UBND cấp huyện, khả năng tới cấp xã nếu chợ truyền thống, chợ tự phát ở cấp xã đảm bảo an toàn phòng chống dịch thì vẫn duy trì hoạt động để kênh phân phối phong phú. Đồng thời siết chặt nếu siêu thị, chợ truyền thống nào không đảm bảo về an toàn phòng chống dịch thì bắt buộc phải dừng”, ông Trung nói.
Tại Đồng Tháp, theo bà Võ Phương Thủy, Phó giám đốc Sở Công thương, việc cung ứng hàng hóa thiết yếu trên địa bàn tỉnh vẫn đảm bảo. Sức mua có giảm, tình trạng tập trung mua hàng hóa đông người không còn. Cơ bản người dân mua tại chợ truyền thống vẫn 70%, mua sắm trực tuyến khoảng 30%. Qua kiểm tra, giám sát, đến chiều 19.7, tỉnh đã cho 49/182 chợ ngưng hoạt động do không đảm bảo công tác phòng, chống dịch; 7/52 cửa hàng bán lẻ phải tạm thời đóng cửa. Kể cả các chợ truyền thống, siêu thị tại Vĩnh Long cũng hoạt động, lượng hàng hóa dồi dào nhưng rất vắng người mua.

Chủ tịch TP.HCM gửi tâm thư, nêu 8 giải pháp trọng tâm kiểm soát Covid-19

Lên phương án ứng phó dịch

Chiều 19.7, trả lời Thanh Niên, ông Dương Tấn Hiển, Phó chủ tịch thường trực UBND TP.Cần Thơ, cho biết thành phố đã có văn bản triển khai thực hiện Chỉ thị 16 đến tất cả quận, huyện. Riêng với các địa phương đã thực hiện Chỉ thị 16 trước đó là Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng sẽ tiếp tục kéo dài thời gian giãn cách theo Chỉ thị 16 đến ngày 2.8 như 6 địa phương kể trên.
Lực lượng công an P.An Hòa (Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) kiểm tra các trường hợp người dân ra đường chiều 19.7 ẢNH: ĐÌNH TUYỂN

Lực lượng công an P.An Hòa (Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) kiểm tra các trường hợp người dân ra đường chiều 19.7

ẢNH: ĐÌNH TUYỂN

Về công tác cách ly tập trung, điều trị bệnh nhân (BN) Covid-19, TP.Cần Thơ vừa có quyết định thành lập thêm 2 khu cách ly tập trung tại ký túc xá Trường ĐH Cần Thơ và ký túc xá Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ, có thể đảm bảo cách ly 850 người. Trước đó, để ứng phó với tình hình dịch bệnh phức tạp, số ca mắc Covid-19 tăng mỗi ngày, UBND TP.Cần Thơ đã kích hoạt bệnh viện dã chiến (BVDC) quy mô 100 giường. Ngoài ra, BVDC khác quy mô 800 giường đang hoàn thiện nhân sự, cơ sở vật chất và một đơn vị hồi sức tích cực 200 giường đang được lên kế hoạch xây dựng.
Theo ông Văn Công Minh, Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Long, hiện tại 6 khu cách ly tập trung của tỉnh và các khu cách ly tập trung cấp huyện có sức chứa hơn 5.000 người. Tỉnh đang chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân lực thêm để nâng công suất và bố trí các khu cách ly có thể chứa được 10.000 người, đề phòng cho các tình huống xấu.
“Tỉnh đang kích hoạt thêm 3 BVDC điều trị BN Covid-19 và chuyển đổi một số cơ sở y tế thành BV điều trị BN Covid-19. Hiện công suất điều trị của tỉnh đạt đến 1.000 BN”, ông Minh thông tin và cũng kiến nghị Bộ Y tế hỗ trợ tỉnh thêm trang thiết bị, nhân lực, năng lực xét nghiệm và nguồn ô xy điều trị BN Covid-19.
Đối với công tác phòng chống dịch, tỉnh Đồng Tháp đã cơ bản chuẩn bị đảm bảo các trang thiết bị, sinh phẩm hóa chất và cơ số thuốc điều trị bệnh Covid-19… Đến chiều 19.7, toàn tỉnh đã có 6 máy PCR xét nghiệm 3.000 mẫu đơn/ngày. Sáng cùng ngày, ông Lê Quốc Phong, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, đã đến kiểm tra việc chuẩn bị khu điều trị dã chiến F0 tại Nhà tập võ (Sở VH-TT-DL Đồng Tháp) có sức chứa 170 giường và khu điều trị F0 tại Khu du lịch Mỹ Trà (TP.Cao Lãnh) có sức chứa hơn 200 giường. Đây là một trong những khu điều trị F0 được tỉnh Đồng Tháp sẵn sàng cho công tác điều trị F0 có thể lên đến hàng ngàn ca như dự báo của đoàn công tác Bộ Y tế.

Nữ bác sĩ bệnh viện dã chiến Covid-19: Nhớ con lắm nhưng Tổ quốc đang cần…

Cả nước tăng 4.195 ca bệnh Covid-19, thêm 80 bệnh nhân tử vong

Ngày 19.7, cả nước có thêm 4.195 ca bệnh Covid-19. Trong đó, 4.175 ca ghi nhận trong nước, gồm: tại TP.HCM 3.074 ca; Bình Dương 503 ca; Đồng Nai 154 ca; Đồng Tháp 53 ca; Hà Nội 44 ca; Vĩnh Long và Phú Yên mỗi tỉnh 41 ca; Long An 37 ca; Khánh Hòa 34 ca; Bến Tre 30 ca; Bà Rịa-Vũng Tàu 28 ca; Sóc Trăng và Bình Thuận mỗi nơi 19 ca; Quảng Ngãi 17 ca; Cần Thơ 15 ca; Quảng Nam 11 ca; An Giang, Trà Vinh và Kiên Giang mỗi địa phương 8 ca; Bình Phước 6 ca; Bắc Ninh, Hưng Yên và Ninh Thuận mỗi tỉnh 4 ca; Lào Cai, Vĩnh Phúc, Hậu Giang và Bình Định mỗi tỉnh 2 ca; Thái Bình, Gia Lai, Đắk Nông, Hải Phòng và Ninh Bình mỗi địa phương có 1 ca.
Theo Bộ Y tế, hầu hết các ca bệnh mới trong ngày ghi nhận trong các khu cách ly, phong tỏa; 497 ca phát hiện trong cộng đồng. Số lượng ca mắc mới ngày 19.7 đã giảm so với ngày 18.7 (5.926 ca). Trong đó, TP.HCM giảm hơn 1.500 ca (3.074 ca so với 4.692).
Cùng ngày 19.7, có thêm 380 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh và 80 ca tử vong (các ca tử vong đều liên quan đến bệnh nền, phần lớn ở người cao tuổi).
Liên Châu - Lê Hiệp
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.