Các luật gia quốc tế nhấn mạnh trách nhiệm của Mỹ đối với hậu quả của chất độc da cam rải xuống VN

09/03/2007 00:04 GMT+7

Nhóm luật gia là các giáo sư luật quốc tế thuộc các trường đại học danh tiếng ở Mỹ, Ấn Độ và châu u vừa kêu gọi các tổ chức luật gia quốc tế và các nước cũng như các luật gia trên thế giới ký tên vào Lời kêu gọi trong đó khẳng định Mỹ phải có trách nhiệm về mọi thiệt hại gây ra bởi chất độc da cam/đi-ô-xin mà Mỹ đã rải xuống Việt Nam trong chiến tranh.

Các luật gia quốc tế dẫn những số liệu thống kê cho biết trong vòng 10 năm, không quân Mỹ đã trút 72 triệu lít chất diệt cỏ lên diện tích gần 2 triệu ha rừng và ruộng lúa ở Việt Nam. Các chất diệt cỏ này gồm 41.635.000 lít chất độc da cam có chứa đi-ô-xin, một chất độc mạnh hơn triệu lần chất độc tự nhiên mạnh nhất được biết đến vào thời kỳ đó. 17 năm sau khi ngừng thả chất độc này, người ta vẫn còn tìm thấy đi-ô-xin tại vùng đất dùng để trồng cây ăn quả và rau.

Theo "Báo cáo Stellman", ước tính có 4,8 triệu nạn nhân người Việt Nam bị nhiễm chất độc đi-ô-xin, chưa kể các nạn nhân bị nhiễm độc sau này qua thực phẩm, do đó số nạn nhân của đi-ô-xin trong tương lai vẫn còn chưa thể xác định. Chất độc da cam gây ra tình trạng dị tật bẩm sinh, mắc các bệnh ngoài da, rối loạn chức năng gan, hỏng bộ máy niệu sinh dục, rối loạn thần kinh và rối loạn tâm thần. Năm 1966, Viện Y học Mỹ đã công nhận mối liên hệ giữa phơi nhiễm chất da cam và hàng chục căn bệnh khác như máu trắng, bệnh ung thư hệ thống hô hấp, ung thư tiền liệt tuyến, tiểu đường... Hơn 6.250 km2 đất ở miền Nam Việt Nam vẫn không thể trồng trọt được trong đó có nhiều rừng đước và cao su phải cần tới 100 năm mới hồi phục.

Các luật gia quốc tế nêu rõ theo điều 21 Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam, Mỹ phải góp phần xóa đi các vết thương chiến tranh và tái thiết nước Việt Nam nhưng sự cam kết này chưa được Mỹ thực hiện. Các luật gia về luật quốc tế dẫn Công ước Pa-ri năm 1993 khẳng định việc Mỹ sử dụng chất độc da cam phải được coi là vũ khí hóa học. Việc rải chất độc xuống một quốc gia là vi phạm chủ quyền của quốc gia đó và bất hợp pháp, trái với nhân quyền. Mỹ phải có trách nhiệm đền bù mọi thiệt hại.

Các tổ chức luật gia như Tổ chức Luật gia dân chủ quốc tế, Hội Luật gia các nước Rumania, Pháp, Hội Luật gia châu Mỹ, Hội Luật gia Ả Rập... và nhiều luật gia nổi tiếng của các nước Ấn Độ, Mỹ, Brazil, Hàn Quốc, Cuba, Anh, Nhật Bản... đã ký tên tham gia Lời kêu gọi của nhóm luật gia quốc tế nói trên.

TTXVN, 8.3

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.