Cà phê trên đường tàu: Đùa với tính mạng!

12/12/2017 05:41 GMT+7

Quán cà phê bày bán công khai trên đường ray tàu đoạn chạy qua đường Điện Biên Phủ (Q.Ba Đình, Hà Nội) đã bị lực lượng chức năng lập biên bản, yêu cầu đóng cửa.

Tuy nhiên, còn rất nhiều hiểm họa khác tiềm ẩn khi người dân vẫn vô tư bày bán hàng hóa trên đường ray tàu hỏa.
Thu hút khá nhiều khách du lịch nước ngoài và các bạn trẻ đến uống cà phê, chụp ảnh “check in”, quán cà phê tại ngõ 10 Điện Biên Phủ gây tò mò khi bày bàn ghế bán ngay trên đường ray, khách vừa uống vừa canh chừng nếu tàu tới sẽ... chạy! Chủ quán cà phê cho biết ngày thường khi không có tàu chạy qua mới kê bàn ghế để khách ngồi trên đường ray, vào dịp cuối tuần và giờ tàu chạy, bàn ghế được đưa vào trong nhà. Các tàu xuất phát từ ga Hà Nội đi qua Lê Duẩn, Khâm Thiên, cắt ngang Cửa Nam - Điện Biên Phủ là tàu đi các tỉnh phía bắc như Hải Dương, Hải Phòng, Lạng Sơn..., giờ tàu chạy là sáng sớm hoặc cuối chiều và tối.
Theo ông Phạm Nguyễn Chiến, Trưởng ban An ninh an toàn đường sắt, Tổng công ty đường sắt VN, sau khi nhận được thông tin, Công ty CP đường sắt Hà Hải - đơn vị được giao quản lý đoạn tuyến này, đã đến lập biên bản, nhắc nhở nhưng chủ quán không khắc phục, nên báo chính quyền địa phương. Sáng 11.12, lực lượng chức năng P.Điện Biên (Q.Ba Đình), CSGT đã kiểm tra, lập biên bản, yêu cầu chủ quán đóng cửa.
Trên thực tế, việc sử dụng đường sắt để buôn bán, thậm chí làm du lịch đã xuất hiện tại Đài Loan, Thái Lan... Như tại Đài Loan, người dân khu phố cổ Thập Phần đã cải biến chính đường sắt cũ tại đây làm hoạt động thả đèn trời, khách du lịch có cơ hội trải nghiệm về cuộc sống người dân xung quanh khu đường sắt. Tuy nhiên, hệ thống tàu ở đây là tàu chậm, phục vụ du lịch là chính.
Trước việc người dân VN liệu có thể tận dụng đường sắt làm du lịch hay không, theo ông Chiến, với các tuyến đường sắt, đường bộ đang khai thác, bất kỳ hành vi nào ảnh hưởng đến hành lang an toàn đều phạm luật. “Người dân thấy lạ vì tò mò, nhưng việc mở quán cà phê hay buôn bán trên đường ray rất nguy hiểm đến tính mạng, không thể gọi là nét văn hóa được”, ông Chiến nói.
Sống chung với tử thần
Thực tế, trường hợp quán cà phê trên đường ray không phải là cá biệt. “Xóm đường tàu” là cụm từ chỉ chung nhiều tuyến phố Hà Nội nơi đường sắt chạy qua giữa những dãy nhà san sát, mà có chỗ tường nhà chỉ cách tàu 1 - 2 m như: đường Lê Duẩn, Khâm Thiên, Cửa Nam. Mỗi ngày, hàng chục chuyến tàu hỏa chạy qua đây, hàng trăm hộ dân quen với lịch tàu chạy vẫn sinh hoạt, ăn uống, làm mộc, bán hoa quả, quần áo, họp chợ... sát rìa đường ray, thậm chí ngay trên đường ray. Khi tàu đến, họ tránh sang một bên, tàu đi qua lại sinh hoạt, buôn bán tấp nập trở lại. Nhộn nhịp hơn cả là hoạt động kinh doanh khi các quán cơm bình dân, cắt tóc, bán phở, kinh doanh đồ gỗ, nội thất sát với đường tàu như dọc đoạn Lê Duẩn - Khâm Thiên, hay họp chợ trên đường ray phía trước Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).
Cà phê đường tàu được thu dọn sạch sẽ sau khi lực lượng chức năng xử lý sáng 11.12 Ảnh: Ngọc Thắng

Theo ông Chiến, ngành đường sắt đã lập biên bản rất nhiều lần nhưng không có chức năng xử phạt, chỉ lực lượng thanh tra, CSGT mới có thể lập biên bản xử lý. “Kết cấu hạ tầng đường sắt của VN ngang vị trí mặt đường bộ và khu dân cư bên cạnh, nên không chỉ Hà Nội mà rất nhiều tỉnh, thành nơi tuyến đường sắt chạy qua, tình trạng xâm lấn, vi phạm hành lang an toàn đường sắt rất phổ biến”, ông Chiến nói và cho biết thêm, với ý thức của người dân hiện nay, chỉ khi làm mạnh tay, quyết liệt mới có thể xử lý được, nếu không, chỉ vắng bóng lực lượng chức năng đâu lại vào đó.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.