Cà Mau 'loay hoay' tỷ lệ chôn lấp rác

11/05/2020 07:29 GMT+7

Nhiều năm qua, Nhà máy xử lý rác thải TP.Cà Mau do Công ty TNHH xây dựng - thương mại - du lịch Công Lý làm chủ đầu tư luôn là tâm điểm chú ý của người dân Cà Mau vì có quá nhiều chuyện 'lình xình'.

Đặc biệt là sau khi ông Tô Hoài Dân, Tổng giám đốc và con trai là Tô Công Lý, Phó tổng giám đốc công ty Công Lý, bị Bộ Công an khởi tố để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ngân sách đã chi hơn 107 tỉ đồng…

Ngày 9.5, theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, Nhà máy xử lý rác thải TP.Cà Mau (nhà máy rác) trong quá trình hoạt động đã nhiều lần gây ô nhiễm môi trường, vận hành “lụi” quy trình xử lý rác..., nhưng từ tháng 5.2012 - 4.2019, nhà máy rác được tỉnh Cà Mau hỗ trợ tiền từ ngân sách hơn 107 tỉ đồng để xử lý rác thải. Một trong những điều kiện để được hỗ trợ, đó là tỷ lệ chôn lấp rác sau xử lý phải dưới 10%.

Chôn lấp rác không đúng quy định

Theo báo cáo kết quả 14 ngày giám sát (8 - 21.4) của tổ công tác giám sát, hướng dẫn, hỗ trợ nhà máy rác, qua khảo sát cho thấy nhà máy  đã chôn lấp rác không đúng theo nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt (không lót bạt chống thấm để tránh rò rỉ xuống các tầng nước phía dưới và xung quanh); không gửi bản vẽ thiết kế kỹ thuật hố chôn lấp đến cơ quan chuyên môn xem xét, thẩm định, phê duyệt trước khi thực hiện chôn lấp; khu vực đang chôn rác chưa đảm bảo theo quy định (không áp dụng biện pháp chống thấm); lò đốt không đảm bảo theo quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt…
Lý giải về việc đã giải ngân số tiền hơn 107 tỉ đồng từ ngân sách cho Công ty Công Lý, Sở Xây dựng tỉnh Cà Mau cho biết trong giai đoạn 2012 - 2019, Sở đã 2 lần kiểm tra, xác định tỷ lệ chôn lấp rác thải sau xử lý, tỷ lệ cả 2 lần đều dưới 10%. Mặc dù sở khẳng định như vậy nhưng tháng 5.2019, khi được UBND tỉnh giao làm đầu mối chi nguồn kinh phí hỗ trợ, UBND TP.Cà Mau không tiếp tục chi trả vì cho rằng không xác định được tỷ lệ chôn lấp dưới 10%.
Hiện tỷ lệ chốn lấp rác của nhà máy đến nay vẫn chưa xác định được. Để có cơ sở tham mưu giải quyết “lình xình” này, ngày 8.5, Sở Xây dựng lại có tờ trình UBND tỉnh xin thành lập tổ công tác kiểm tra, giám sát quá trình xử lý rác thải của nhà máy; từ đó xác định tỷ lệ rác thải chôn lấp sau xử lý.

Bất thường hệ thống kiểm soát rác

Để góp phần kiểm soát số lượng rác đầu vào, rác đầu ra của nhà máy rác được chính xác, làm cơ sở hỗ trợ kinh phí xử lý rác theo quy định, UBND tỉnh chỉ đạo Sở KH-CN lắp đặt hệ thống kiểm soát rác tại nhà máy rác với kinh phí gần 2 tỉ đồng; bàn giao cho UBND TP (cụ thể là Phòng TN-MT) vận hành vào ngày 30.3. Tuy nhiên, đến nay UBND TP chưa tiếp nhận hệ thống kiểm soát rác trên.
Lý do từ chối tiếp nhận, theo UBND TP, trong quá trình vận hành, đơn vị gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, từ khi lắp đặt hệ thống đến nay, đường truyền không ổn định, thường xuyên bị mất kết nối với hệ thống camera trong nhà máy. Mỗi khi xảy ra sự cố mất kết nối phải liên hệ với đơn vị lắp đặt mới xử lý được, nhưng thời gian xử lý rất lâu.
UBND TP còn khẳng định rằng camera của hệ thống không quan sát được một số vị trí trong nhà máy như vị trí lấy rác thải đem chôn lấp, không theo dõi hết hành trình của các xe vận chuyển rác chôn lấp. Thời gian lưu trữ dữ liệu giám sát chỉ trong vòng 15 ngày. Màn hình hiển thị không rõ, bị chập chờn khi giám sát cùng lúc nhiều camera... Việc giám sát rác thải đầu ra khó khăn, khó phân biệt được các loại rác thải đầu ra (rác đốt, chôn lấp, rác phế liệu).
Ngày 9.5, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Phan Tấn Thanh, Giám đốc Sở KH-CN tỉnh Cà Mau, cho biết: “Thứ hai tới, Sở sẽ mời UBND TP.Cà Mau và đơn vị thi công ngồi lại để xác định cụ thể nguyên nhân hệ thống kiểm soát rác bị trục trặc”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.