Buông lỏng nhập khẩu phế liệu: Tăng chế tài để chặn 'rác'

Nguyên Nga
Nguyên Nga
08/08/2018 08:32 GMT+7

Quản lý phế liệu nhập khẩu được 'điều hành' bởi 8 luật, nghị định, quyết định, thông tư, ít nhất 10 đơn vị quản lý chi phối, thêm 4 công văn hướng dẫn... nhưng phế liệu vẫn được nhập tràn lan.

Việc quản lý phế liệu nhập khẩu đang được “điều hành” bởi 8 luật, nghị định, quyết định, thông tư và có ít nhất 10 đơn vị quản lý chi phối. Ngoài ra, có thêm 4 công văn hướng dẫn chuyên ngành nhưng phế liệu vẫn được nhập tràn lan. Đặc biệt khi có sự cố thì rất khó truy trách nhiệm.
Cũng vì quá nhiều đầu mối, mới xảy ra chuyện có những công văn tréo ngoe như “hướng dẫn nhập khẩu phế liệu khi chưa có giấy xác nhận” của Tổng cục Môi trường (CV 2589/TCMT - ngày 19.11.2015) và cả công văn “không cho nhập khẩu phế liệu khi chưa có giấy xác nhận” (CV 5577/TCHQ - 15.6.2016). Tuy nhiên, khi rác phế liệu ùn ứ hơn 5.000 container tại cảng, hầu như chưa có đơn vị nào chính thức đứng ra nhận trách nhiệm. Trong một buổi họp giải quyết tồn đọng phế liệu tại cảng TP.HCM mới đây, một lãnh đạo ngành hàng hải cho rằng, có hiện tượng “đùn đẩy” trách nhiệm trong xử lý tồn đọng phế liệu tại cảng.
Có nhiều nghi vấn đặt ra có tiêu cực trong quản lý nhập khẩu phế liệu. Hoặc doanh nghiệp (DN) “qua mặt” các cơ quan chức năng, hoặc có sự thông đồng giữa DN và lực lượng chức năng. Khả năng thứ nhất rất dễ xảy ra do việc hậu kiểm của cơ quan cấp phép hầu như bỏ ngỏ. Một chuyên gia ngành vận tải dẫn chứng, trong tháng 7 vừa qua, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới liên quan tới Công ty TNHH DVTM XNK Đức Đạt. DN này đã làm giả các loại giấy tờ, tài liệu: giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu và các văn bản thông báo lô hàng phế liệu nhập khẩu để kiểm tra, thông quan của Sở TN-MT… để nhập khẩu hơn 13.000 tấn phế liệu nhựa. Trường hợp này không phải cá biệt, thông tin từ cơ quan hải quan, sẽ có nhiều DN nữa bị khởi tố do tình trạng làm giả hồ sơ nhập khẩu khá phổ biến.
Thông tin từ Cục Hải quan TP.HCM, phổ biến nhất với các trường hợp phế liệu bị “ách” tại cảng là do nhiều tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu đã làm giả mạo giấy xác nhận, đăng ký địa chỉ kinh doanh không đúng, cố tình nhập phế liệu không đáp ứng quy chuẩn, quy định nên sau đó bỏ mặc hàng hoặc từ chối nhận hàng. Do đó, hải quan TP.HCM đã từng kiến nghị cơ chế phòng ngừa phế liệu nhập từ xa, “lọc” ngay ngoài khơi trước khi vào cảng. Có nghĩa là các hãng tàu phải khai rõ hàng hóa trên hệ thống tiếp nhận bảng khai hàng hóa điện tử (e-manifest) từ trước, thông tin về giấy phép cũng rõ ràng trên đây, chứ không nên cho phép dỡ hàng xuống cảng mới khai báo chủng loại như lâu nay. Tuy nhiên, cũng theo phản ánh của cơ quan hải quan, sau khi có quy định “kiểm soát hàng từ xa”, lại có nhiều trường hợp khai báo trên e-manifest theo kiểu lòng vòng để tránh đi cụm từ “phế liệu nhựa”, nhằm qua mặt cơ quan hải quan.
Một chuyên gia logistics của Công ty SeaAir Global cho rằng chính việc không chia sẻ thông tin DN kinh doanh ngành nghề có điều kiện trên Cổng thông tin một cửa quốc gia mới tạo nên việc làm giả hồ sơ, tiêu cực liên quan nhập khẩu phế liệu. “Giải pháp phòng ngừa từ xa nhẽ ra phải thực hiện từ lâu, ít nhất sau khi có lệnh cấm nhập phế liệu của chính phủ Trung Quốc. Bộ TN-MT ngay lập tức phải chia sẻ, công bố thông tin DN được phép nhập khẩu, DN giấy phép đã hết hạn… cho Bộ Tài chính để từ đó, cơ quan hải quan nắm mà không cho dỡ hàng hóa xuống cảng. Với DN, nguyên tắc là họ chịu trách nhiệm về mặt pháp lý các loại giấy tờ cung cấp cho cơ quan hải quan. Nếu đã cố tình làm sai, nặng thì truy tố hình sự, nhẹ phạt nặng bằng tiền, rút vĩnh viễn giấy phép nhập khẩu phế liệu chứ không chỉ không cho lấy hàng về hay tái xuất...”. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.