Bước tiến lớn của Hải quân Việt Nam

Sáng 28.2, tại căn cứ quân sự Cam Ranh (Khánh Hòa), Quân chủng Hải quân tổ chức lễ thượng cờ cấp quốc gia cho 2 tàu ngầm Kilo 636 mang số hiệu 186 Đà Nẵng và 187 Bà Rịa-Vũng Tàu.

Đây là hai chiếc cuối cùng trong 6 tàu ngầm được Liên bang Nga đóng mới theo hợp đồng ký kết giữa hai nước từ năm 2009.
Sẵn sàng chiến đấu
Tư lệnh Hải quân Phạm Hoài Nam giới thiệu hệ thống tên lửa phòng thủ của Hải quân VN với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc Ảnh: Độc Lập
Dự lễ có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đại diện các bộ, ngành trung ương, các đơn vị thuộc Quân chủng Hải quân… Trước cán bộ chiến sĩ hải quân, Thủ tướng nhấn mạnh: “Việc đưa đội tàu Kilo 636 vào biên chế của Quân chủng Hải quân khẳng định tầm nhìn chiến lược của Đảng và Nhà nước ta, nhằm tăng cường tiềm lực và thế trận quốc phòng toàn dân trên biển, đưa Hải quân VN tiến gần hơn với trình độ chung của hải quân các nước trong khu vực và thế giới”.


Việc hiện đại hóa quân đội, trong đó có phát triển lực lượng tàu ngầm hiện đại là bình thường, không phải chạy đua vũ trang, không nhằm vào quốc gia nào, mà để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc trong mọi tình huống

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói thêm: “Những năm gần đây, Quân chủng Hải quân đã phát triển mạnh mẽ cả về tổ chức lực lượng và trang bị vũ khí, trong đó có lực lượng tàu ngầm hiện đại, có uy lực tác chiến cao. Từ năm 2014 đến nay, chúng ta đã đưa 6 tàu ngầm: Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Khánh Hòa, Đà Nẵng và Bà Rịa-Vũng Tàu vào biên chế của Lữ đoàn tàu ngầm 189 để thực hiện nhiệm vụ huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu. Với việc trang bị tàu ngầm hiện đại, Hải quân VN có thêm lực lượng đặc biệt quan trọng cả về chiến lược, chiến dịch và chiến thuật, nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu cho quân chủng, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực”.
“Trong giai đoạn sắp tới, tình hình thế giới - khu vực nhất là Biển Đông dự báo diễn biến phức tạp. Các hoạt động tranh chấp chủ quyền trên biển, nhất là liên quan đến các vùng biển, hải đảo của chúng ta vẫn tiềm ẩn những nhân tố mất ổn định, khó lường. Lực lượng tàu ngầm hiện đại của chúng ta là nhân tố mới, giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân trên biển”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc căn dặn thủy thủ 2 tàu ngầm 186, 187. Thủ tướng cũng nhấn mạnh: “Đường lối quốc phòng của VN là hòa bình và tự vệ. Việc hiện đại hóa quân đội, trong đó có phát triển lực lượng tàu ngầm hiện đại là bình thường, không phải chạy đua vũ trang, không nhằm vào quốc gia nào, mà để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc trong mọi tình huống”…
Giây phút thiêng liêng nhất ở cảng tàu ngầm Lữ đoàn 189 là nghi lễ Chuẩn đô đốc Phạm Hoài Nam, Tư lệnh Hải quân và Phó đô đốc Đinh Gia Thật, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Hải quân trao Quốc kỳ và cờ hải quân cho thuyền trưởng, chính trị viên 2 tàu. Thiếu tá Nguyễn Khánh Vinh, thuyền trưởng tàu ngầm 186 Đà Nẵng và trung tá Lê Văn Long, thuyền trưởng tàu ngầm 187 Bà Rịa-Vũng Tàu cùng 2 chính trị viên đón nhận cờ và cùng lên tàu treo cờ, nghiêm trang giơ tay chào cờ trên nóc tàu, trong tiếng hát Quốc ca cất lên từ đội ngũ hàng nghìn con người trong căn cứ Cam Ranh.
Chuẩn đô đốc Phạm Hoài Nam nghiêm trang ra lệnh: “Cán bộ chiến sĩ tàu ngầm phải lấy máu của mình bảo vệ lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc và tô thắm thêm truyền thống anh hùng của Hải quân nhân dân VN” và lời đáp: “Rõ” bật ra từ lồng ngực hàng trăm người lính, vang dội khắp căn cứ tàu ngầm VN.
Năng lực vượt trội
Tàu ngầm Kilo được thiết kế nhằm tiêu diệt các loại tàu ngầm, tàu nổi cũng như các phương tiện thủy của đối phương; nó có thể hoạt động độc lập hoặc theo các yêu cầu nhiệm vụ khác nhau. Tàu còn được gọi là "lỗ đen" vì khả năng "biến mất", được cho là một trong những loại tàu ngầm chạy bằng diesel và điện êm nhất trên thế giới. Nhờ tiếng ồn được giảm đáng kể, tàu ngầm có khả năng tiếp cận tới các biên đội tàu nổi của đối phương và dùng tên lửa 3M-54E Club-S tiêu diệt, trước khi bị phát hiện. Tàu được trang bị hệ thống thông gió và điều hòa không khí mới, được thiết kế để có thể hoạt động trong các môi trường biển khác nhau, tạo thuận lợi trong sinh hoạt và chiến đấu của thủy thủ đoàn. Tàu dài 73,8 m, rộng 9,9 m; lượng giãn nước từ 3.000 đến 3.950 tấn; có thể di chuyển với tốc độ 20 hải lý/giờ (khoảng 37 km/giờ), lặn sâu 300 m cho nhiệm vụ tuần tra, trinh sát, và hoạt động độc lập trong 45 ngày.
Theo thượng tá Nguyễn Hữu Minh, Chính ủy Lữ đoàn tàu ngầm 189, để tiếp nhận, huấn luyện, khai thác, làm chủ nhanh hơn, sâu hơn, vững chắc hơn, phát huy hết tính năng kỹ chiến thuật của tàu ngầm hiện đại, phù hợp với nghệ thuật quân sự VN, mỗi thủy thủ tàu ngầm phải học hành ôn luyện.
Thượng tá Minh cũng cho biết, đơn vị có những cán bộ chiến sĩ giỏi, vượt qua trình độ của hàng ngàn cán bộ tàu mặt nước, ở những môn thi bao năm nay là thế mạnh của tàu mặt nước. Mới đây, trung tá Lê Hồng Quang, Chủ nhiệm kỹ thuật lữ đoàn, đi thi ngoài Quân chủng Hải quân đoạt giải xuất sắc trong hội thi kỹ thuật 2016; đại úy Hoàng Sơn, trưởng ngành ra đa thông tin của tàu ngầm 182 Hà Nội cũng đoạt giải nhất…
Tàu ngầm 182 Hà Nội và thủy phi cơ DHC-6 tham gia lễ thượng cờ Ảnh: Độc Lập
“Ba năm liên tục nhận tàu và hoàn thiện kỹ năng của từng vị trí, để đưa toàn bộ 6 tàu ngầm hiện đại vào biên chế huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu là sự cố gắng vượt bậc. Từ chỗ chuyên gia chỉ bảo chi tiết cho đến việc làm chủ con tàu, để chuyên gia Nga có đi cùng cũng chỉ ngồi xem, là sự cố gắng rất lớn của từng con người”, trung tướng Trần Quang Khuê, nguyên Phó tổng tham mưu trưởng QĐND VN, chia sẻ và cho biết: “Ở nước ngoài, thủy thủ tàu ngầm cứ khi cập cảng, không biết đi dài hay ngắn là được xe bốc đi an điều dưỡng ngay. Nhưng ở ta, nhiều anh em từ chối việc điều dưỡng để tập trung vào nhiệm vụ tiếp thu, huấn luyện là cực kỳ đáng khâm phục”.
Thực phẩm đặc biệt cho lực lượng tàu ngầm
Ngay việc ăn uống cho bộ đội tàu ngầm, PGS-TS Nguyễn Thanh Chò, Chủ nhiệm bộ môn dinh dưỡng, Bệnh viện Quân y 103, cũng thán phục: “Môi trường, điều kiện làm việc chật chội, thiếu dưỡng khí và vất vả rất đặc thù nên người thường có khi không ăn nổi cơm khi đi tàu mặt nước, nhưng với bộ đội tàu ngầm thì có khi phải dùng viên nén thay bữa ăn”.
Đầu năm 2012, Viện Công nghệ mới (Viện KH-CN quân sự) bước đầu nghiên cứu ra viên nén thực phẩm chức năng sử dụng cho lực lượng tàu ngầm từ các loại thực phẩm chức năng có nguồn gốc thiên nhiên và thiết kế theo tiêu chí thực phẩm cứu sinh (tối ưu về dinh dưỡng, tối thiểu về trọng lượng). Mỗi viên nén có khối lượng từ 3 - 3,5 gr, năng lượng từ 8 - 10 Kcal/viên, được đóng gói dạng tuýp dùng cho cá nhân và nguyên hộp thiếc nếu cho tập thể. Cuối tháng 8.2016, Cục Hậu cần hải quân, Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế) và Viện Công nghệ mới, Viện Khoa học quân sự (Bộ Quốc phòng) tổ chức hội thảo Xây dựng khẩu phần ăn cho bộ đội tàu ngầm hải quân, nhằm xây dựng khẩu phần ăn đặc biệt cho anh em khi ở bến và đi biển.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.