Buộc người kinh doanh phải tuân thủ

16/01/2013 04:00 GMT+7

Các quy định siết chặt quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm thức ăn đường phố mà Bộ Y tế vừa ban hành được dư luận vừa ủng hộ vừa lo ngại về tính khả thi.

 
Trả lời phỏng vấn Báo Thanh Niên, TS Lâm Quốc Hùng (ảnh), Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm, cho biết:

Quy định tại Thông tư 30 của Bộ Y tế “Quy định điều kiện an toàn thực phẩm với cơ sở kinh doanh thực phẩm, thức ăn đường phố” chỉ đưa ra những yêu cầu tối thiểu, cơ bản, như: có dụng cụ che đậy tránh bụi bẩn côn trùng; có kẹp gắp hoặc găng tay sử dụng một lần khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm ăn ngay, thực phẩm kê cao cách mặt đất tối thiểu 60 cm...

Với quy định người bán hàng phải tham gia tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm và có giấy chứng nhận tập huấn kiến thức, vậy việc này sẽ thực hiện như thế nào?

Đây là việc bắt buộc người kinh doanh phải nắm được và tuân thủ để phòng bệnh lây nhiễm từ thực phẩm cho cộng đồng. Ví dụ như bàn tay chứa nhiều vi khuẩn, chất thải nhiễm bẩn thực phẩm gây ngộ độc thực phẩm vì vậy cần có dụng cụ để đảm bảo các yếu tố nguy cơ không ô nhiễm với thực phẩm ăn ngay. Hay thúng xôi thay vì để ngay trên vỉa hè, sát miệng cống thì sẽ phải kê cao lên trên giá, kệ.

Tôi nghĩ đó không phải là yêu cầu xa xỉ, đắt đỏ mà chỉ hết sức cơ bản và tối thiểu, cũng không phải làm khó cho người kinh doanh mà là bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng. Tại cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, nếu có sức chứa 50 người ăn cần có ít nhất 1 bồn rửa tay. Cần có ít nhất một nhà vệ sinh với cơ sở kinh doanh thực phẩm có quy mô 25 người ăn. Đây là điều kiện tối thiểu để đảm bảo vệ sinh cá nhân, an toàn thực phẩm.

Người bán xôi cũng phải có giấy chứng nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm - Ảnh: Khả Hòa
Người bán xôi cũng phải có giấy chứng nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm - Ảnh: Khả Hòa
 

Nhưng quy định về nguồn gốc thực phẩm xem ra là rất xa vời vì việc mua bán của họ là nhỏ lẻ, không hóa đơn?

Tôi xin giải thích thế này, ví dụ như nồi xôi thì không ai đòi hóa đơn chứng từ của xôi vì chủ nấu ra, nhưng thịt hay ruốc, trứng, xúc xích bán kèm xôi thì phải có nguồn gốc vì liên quan đến kiểm dịch. Để chắc rằng thịt đó không phải từ gia súc gia cầm bệnh, cũng như liên quan đến chất bảo quản được sử dụng đúng trong thực phẩm.

Cơ quan nào có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện? Còn các cơ sở thức ăn đường phố sẽ tham gia tập huấn ở đâu?

Nơi triển khai thực hiện tập huấn là UBND các xã, phường. UBND xã phường chịu trách nhiệm quản lý về an toàn thực phẩm thức ăn đường phố trên địa bàn mình. Thực hiện khám và cấp giấy chứng nhận sức khỏe là thẩm quyền của y tế từ tuyến quận huyện. UBND các cấp theo phân quyền tổ chức thanh tra, kiểm tra, quản lý các cơ sở thức ăn đường phố trên địa bàn.

Những trường hợp tham gia tập huấn, đăng ký với phường, xã nơi mình cư trú. Dù đó là người định cư lâu dài có đăng ký hộ khẩu hay người từ tạm trú đều có thể đăng ký với địa phương để tham dự tập huấn. Ngược lại, UBND xã, phường có trách nhiệm tổ chức và thông báo để người dân trên địa bàn có nhu cầu biết và tham gia.

An toàn thực phẩm là “cuộc chiến” lâu dài đòi hỏi sự đồng lòng trách nhiệm của cơ quan quản lý, chính quyền; người tham gia kinh doanh, người tiêu dùng. Hơn 400.000 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố trên cả nước không thể đồng loạt hoàn thành các yêu cầu ngay, nhưng chính quyền các địa phương quan tâm thì chắc chắn có biến chuyển, vấn đề là có làm hay không.

Liên Châu
(thực hiện)

>> Phát hiện hàng chục tấn thực phẩm hết hạn sử dụng
>> Kiểm soát chặt thực phẩm nhập khẩu
>> Thực phẩm tăng giá
>> Đẩy mạnh thanh tra thực phẩm Tết
>> Nguy hiểm từ thực phẩm ướp hàn the
>> Ngừa dị ứng thực phẩm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.