Bụi than 'đầu độc' hàng trăm hộ dân ở Mông Dương

Lã Nghĩa Hiếu
Lã Nghĩa Hiếu
05/06/2020 09:27 GMT+7

Hàng trăm hộ dân tại P.Mông Dương (TP.Cẩm Phả, Quảng Ninh) đang phải sống chung với bụi phát tán từ các bãi thải mỏ trên địa bàn, gây ảnh hưởng sức khỏe .

Hàng chục năm sống chung với bụi

Từ nhiều năm nay, ngày nào gia đình ông Nguyễn Đình Sử (70 tuổi, tổ 4, khu 4, P.Mông Dương) cũng phải lau dọn bụi than trong nhà tới 3 lần mà không hết. “Bụi than từ bên ngoài bay vào trong nhà, bám vào các đồ vật thành một lớp khá dày. Cách đây 3 năm, gia đình tôi đầu tư hơn 30 triệu đồng làm 2 lớp cửa nhưng vẫn không tránh khỏi. Bất cứ lúc nào trong ngày, cứ lấy tay quẹt nhẹ vào các đồ vật là thấy bụi đen sì ngay”, ông Sử than thở.
Sống cách nhà ông Sử vài chục mét, Bí thư Chi bộ khu 4 Vũ Thị Nhung cho biết, vào những ngày hanh khô, bụi than từ bên ngoài bay ào ạt vào khu dân cư. Thậm chí, nhìn từ đằng xa gần 1 cây số cũng thấy rõ “mưa bụi” đen kẹt trút xuống. “Hầu hết các hộ dân tại đây đều không có thu nhập quá cao nếu không đã chuyển đi nơi khác rồi. Chứ hàng chục năm sống chung với bụi ai cũng cảm thấy lo sợ. Quần áo không dám đem phơi bên ngoài mà phải dùng máy sấy. Nếu đem phơi ở ngoài là chỉ vài tiếng sau đổi màu đen kịt vì bám bụi. Còn bể, téc nước ăn cũng phải để nơi kín đáo để tránh bụi than”, bà Nhung nói.
Đến P.Mông Dương những ngày gần đây, phóng viên ghi nhận dọc hai bên đường khu phố nào cũng dễ dàng nhìn thấy cây cối đổi màu vì bụi bám, nhà nào bên đường cũng cửa đóng then cài.
Cũng theo phản ánh của người dân P.Mông Dương, cơn mưa bụi chủ yếu phát ra từ bãi thải mỏ, tro xỉ từ các nhà máy nhiệt điện… Đáng chú ý, mỗi khi có gió nam, hay gió đông bắc là bụi từ các khai trường, bãi thải mỏ trút xuống các khu dân cư. Gần như chẳng nhà nào dám mở cửa sổ thường xuyên. Thậm chí, phải làm cửa 2 lớp để chống bụi nhưng cũng chẳng giảm phần nào.
Bà Nguyễn Thị Tâm (60 tuổi, khu 6, P.Mông Dương, TP.Cẩm Phả) nói: “Đời chúng tôi sống hàng chục năm với bụi đã phải chịu bao đau khổ. Người dân ở đây cũng nhiều người mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp nữa. Nhìn đám trẻ mỗi lần đi học về mặt mũi quần áo dính đầy bụi mà chúng tôi nhiều khi không cầm lòng được”.

Giải quyết triệt để là không thể

Đem các phản ánh của người dân tới chính quyền P.Mông Dương, quả nhiên các lãnh đạo địa phương này đã quen với các kiến nghị liên quan đến vấn đề ô nhiễm bụi. Bởi qua nhiều lần kiến nghị cử tri các cấp từ hàng chục năm nay mọi chuyện “đâu lại vào đấy”.
Ông Phạm Ngọc Lự, Phó chủ tịch UBND P.Mông Dương, cho biết từ nhiều năm nay chính quyền địa phương đã có văn bản gửi tới các doanh nghiệp ngành than trên địa bàn yêu cầu các đơn vị trong quá trình sản xuất phải tăng cường các biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường, hạn chế tối đa phát tán bụi ảnh hưởng tới đời sống người dân trong khu dân cư. Tuy nhiên, trong quá trình đổ thải, khai thác than của một số đơn vị vẫn phát sinh bụi.
Theo giải trình của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) với UBND TP.Cẩm Phả, hiện nay trên địa bàn P.Mông Dương có bãi thải Đông Cao Sơn được UBND tỉnh Quảng Ninh cấp phép với cốt cao tối đa mức +300. Thời gian qua, việc đổ thải được thực hiện đúng quy hoạch được duyệt. Trường hợp phải dừng đổ thải sẽ ảnh hưởng đến việc khai thác than, ảnh hưởng đến an ninh năng lượng quốc gia, không thực hiện được quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Chính vì vậy để "dập" hoàn toàn bụi là điều không thể thực hiện. Do vậy, để hạn chế tối đa ảnh hưởng đến môi trường trong quá trình đổ thải, TKV đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường các giải pháp bảo vệ môi trường.
Theo đó, tại bãi thải Đông Cao Sơn, TKV đã tăng tần xuất tưới nước, tăng số lượng thiết bị tưới đường, bố trí tối thiểu 5 xe tưới nước. Ngoài ra, đơn vị đang chuẩn bị các thủ tục để đầu tư 2 hệ thống phun sương cao áp dập bụi bãi thải, dự kiến hết quý 2/2020 đưa vào hoạt động.
Trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo UBND TP.Cẩm Phả cho biết, đặc thù địa phương này là “thành phố mỏ”, quá trình phát triển kinh tế xã hội gắn chặt với các doanh nghiệp ngành than. Chính vì vậy, việc kiểm soát hoàn toàn mưa bụi là khó có thể thực hiện, mà chỉ hạn chế tối đa.
“Hàng chục năm nay, hàng trăm hộ dân sống dưới chân bãi thải mỏ chịu bao khổ cực, vất vả. Không chỉ bụi, có lần xảy ra lũ bùn đổ ngập nhiều nóc nhà dân. Chúng tôi rất mong ngành than trong quá trình sản xuất phải quan tâm đặc biệt đến đời sống người dân”, vị lãnh đạo UBND TP.Cẩm Phả nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.