Bức xúc tình trạng trẻ em bị xâm hại

06/06/2018 04:01 GMT+7

Phiên chất vấn Bộ trưởng LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung “nóng” với những câu hỏi về tình trạng xâm hại trẻ em, đặc biệt là vấn đề xâm hại tình dục, đang gây bức xúc trong xã hội.

Là một trong những đại biểu (ĐB) đầu tiên chất vấn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung về vấn đề này, ĐB Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cho rằng, tình trạng bạo hành, bạo lực, xâm hại đối với trẻ em trong những năm qua ngày càng tăng, nhiều vụ việc phức tạp và nghiêm trọng xảy ra từ thành thị đến nông thôn khiến cử tri băn khoăn hành lang pháp lý chưa đủ mạnh để đẩy lùi tình trạng này.
Trả lời lại, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH khẳng định khung pháp lý để xử lý tình trạng trên là hoàn toàn đầy đủ, song cũng thừa nhận gần đây vẫn có những vụ việc có tính chất phức tạp hơn xuất hiện.
Ngày càng gia tăng và nguy hiểm
Không đồng tình với phần trả lời của Bộ trưởng Dung, ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội - cho rằng: “Bộ trưởng nói mỗi năm có khoảng 2.000 vụ bạo hành trẻ em nhưng số liệu của các cơ quan tư pháp cho thấy, riêng xâm hại tình dục trẻ em mỗi năm đã là 1.500 vụ”. Bà Nga đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp mạnh để chặn đứng tình trạng này. Bà cũng đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưởng Viện KSND tối cao, Chánh án TAND tối cao cho biết giải pháp nào để giải quyết những bế tắc trong việc chứng minh các tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, vì Ủy ban Tư pháp đã gửi kiến nghị tới 3 cơ quan này nhưng chưa được trả lời.
Chúng ta có 17 cơ quan phụ trách chứ không chỉ riêng Bộ LĐ-TB-XH nhưng dường như các gia đình nạn nhân mà tôi gặp rất đơn độc
ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre)

Về vấn đề này, Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí thừa nhận xâm phạm tình dục trẻ em là vấn đề gây bức xúc. Trong 6 tháng đầu năm 2018, Viện đã truy tố 753 vụ với 805 bị can; đưa ra xét xử 648 vụ, 690 bị can. Theo ông Trí, để giải quyết triệt để tình trạng này, phải bảo đảm tính đồng bộ, từ quyết tâm của cả hệ thống chính trị, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường phối hợp của các cơ quan có liên quan, công tác tuyên truyền giáo dục để bảo đảm giáo dục kỹ năng cho các em.
Nhiều vụ chỉ được giải quyết khi dư luận bức xúc
Giải trình thêm với ĐB, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho hay giai đoạn 2013 - 2017, ngành tòa án đã xét xử 8.100 tội phạm liên quan xâm hại tình dục trẻ em và có 549 vụ việc tòa phải trả hồ sơ (chiếm khoảng 6,6%). Theo ông, dù số vụ xét đúng người đúng tội đạt trên 93% còn số vụ trả hồ sơ, hủy sửa không nhiều nhưng vẫn gây bức xúc cho xã hội. “Đây là những vụ không khó trong xét xử nhưng khó trong thu thập chứng cứ vì không có người làm chứng, thời gian từ khi xảy ra đến khi phát hiện lâu, gia đình có khi che giấu; có loại tội cần giám định nhưng gia đình từ chối…”, ông Bình giải thích.
Không thỏa mãn với phần giải trình của các cơ quan chức năng, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng: “Chúng ta có 17 cơ quan phụ trách chứ không chỉ riêng Bộ LĐ-TB-XH nhưng dường như các gia đình nạn nhân mà tôi gặp rất đơn độc”.
Nhiều vụ xâm hại trẻ em chỉ được giải quyết sau khi các đơn vị báo đài, trong đó có Thanh Niên, lên tiếng

Tương tự, bấm nút lần thứ 2, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng chỉ rõ một số vụ việc cơ quan tư pháp không tích cực, chỉ khi dư luận bức xúc, có ý kiến của lãnh đạo cấp cao như vụ việc ở Cà Mau phải khi Thủ tướng có ý kiến rồi dư luận lên án mới vào cuộc. Khi đó, nạn nhân đã tự tử. Hay vụ việc Nguyễn Khắc Thủy ở Vũng Tàu thì phải có Chủ tịch nước có ý kiến và dư luận lên án mới được giải quyết thấu đáo. “Vậy những vụ mà lãnh đạo cấp cao không có ý kiến, dư luận không vào cuộc thì sao?”, bà Lê Thị Nga chất vấn.
Trả lời các ĐB, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thừa nhận thời gian qua có một số vụ việc kéo dài, chưa được xử lý nghiêm minh. Nhiều vụ việc khi có ý kiến của các lãnh đạo cấp cao mới được xử lý. “Chúng tôi đề nghị các ngành, cơ quan chức năng kiểm điểm, đánh giá lại hoạt động của mình”, ông Dung nói và cho hay, về phía Bộ LĐ-TB-XH, hầu như với vụ xâm hại trẻ em nào Bộ cũng có ý kiến, nhất là các vụ nghiêm trọng.
“Như vụ Nguyễn Khắc Thủy, buổi sáng tòa kết thúc phiên xử thì buổi chiều chúng tôi báo cáo với Quốc hội, trao đổi với Viện Kiểm sát và TAND tối cao, nói rõ quan điểm không đồng tình với kết quả và đề nghị 2 cơ quan này xem xét lại”, Bộ trưởng Dung dẫn chứng.
Điều tra xét xử đặc biệt với các vụ án xâm hại trẻ em
Theo Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình, hiện nay tỷ lệ hơn 6% hồ sơ các vụ việc liên quan tới xâm hại tình dục bị trả lại là không cao nhưng cần phải hạ tỷ lệ này xuống. Hiện nay, cơ quan này đã làm ban hành nhiều văn bản hướng dẫn nghiệp vụ, phối hợp với Viện Kiểm sát và Bộ Công an để ra thông tư liên tịch, hướng dẫn cụ thể về việc xử lý các loại tội phạm này.
Được mời trả lời thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho hay số vụ trẻ em bị xâm hại tình dục 5 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm 2017 đã giảm 7,74%. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tô Lâm thừa nhận diễn biến xâm hại tình dục trẻ em rất phức tạp, không chỉ trẻ em gái mà cả trẻ em trai cũng bị.
Trước ý kiến về việc bộ luật Hình sự chưa quy định cụ thể thế nào là hành vi dâm ô, dẫn đến khó khăn trong việc xác định hành vi phạm tội, Bộ trưởng Công an cho rằng luật pháp rất chặt chẽ nhưng trong thực tế, các vụ xâm hại trẻ em có tính nhạy cảm nên người thân thường giấu kín, có trường hợp nhiều lần mới phát hiện.
Ủy ban Kiểm tra T.Ư làm việc về ông Tất Thành Cang
Bên lề Quốc hội sáng 5.6, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư Lê Thị Thủy (ĐB tỉnh Hải Dương) cho biết: Một đoàn công tác của Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã vào TP.HCM làm việc xung quanh việc ông Tất Thành Cang, Ủy viên T.Ư Đảng - Phó bí thư Thường trực Thành ủy, bị đề xuất kỷ luật. Theo bà Thủy, vì ông Cang là cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, nên Ủy ban Kiểm tra T.Ư sẽ phải làm việc trước. Các xử lý tiếp theo sẽ tiến hành theo quy trình. Tuy nhiên, các công việc cụ thể chưa được bà Thủy tiết lộ.
Vũ Hân
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.