Bức xúc nhất về lương thấp

Thu Hằng
Thu Hằng
13/07/2018 08:41 GMT+7

Không chỉ đánh giá về thu nhập, mức sống của NLĐ, năm nay khảo sát còn lấy ý kiến về những vấn đề liên quan đến những khó khăn, bức xúc của NLĐ.

Khảo sát về thái độ của NLĐ liên quan đến tình hình việc làm, tiền lương và thu nhập tại DN cho thấy NLĐ bức xúc nhất là mức tiền lương còn thấp và không có, hoặc có ít các khoản phụ cấp để nâng cao thu nhập bảo đảm cuộc sống (25,7%). Trong đó, tỷ lệ bức xúc cao nhất là ở vùng 3 (31%).
“Các nội dung khác, NLĐ tuy tỷ lệ có bức xúc không cao, nhưng cũng thể hiện sự không hài lòng của NLĐ như: trả lương không đúng với sức lao động bỏ ra, làm thêm giờ, tăng ca nhiều; định mức lao động (mức khoán) cao; trả lương không công khai, minh bạch; không điều chỉnh lương định kỳ… Những vấn đề tồn tại trên cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng tranh chấp lao động và đình công vẫn còn xảy ra”, ông Vũ Quang Thọ bày tỏ.
Theo kết quả khảo sát về mức độ hài lòng với tiền lương, thu nhập của NLĐ, tỷ lệ NLĐ tạm hài lòng là 65,7% và 17,1% không hài lòng.
Từ kết quả khảo sát về mức lương, đời sống công nhân, ông Ngọ Duy Hiểu, Trưởng ban Quan hệ lao động - Tổng LĐLĐ VN, nhìn nhận người nông dân được sống trong ngôi nhà của mình, nắng mưa, cơm cháo đều chia sẻ với người thân, bạn bè, làng xóm; còn công nhân thu nhập thấp, một bộ phận NLĐ thu nhập chưa đáp ứng được nhu cầu.
“Hình ảnh những công nhân xanh xao, yếu ớt, chậm chạp gần như không biết gì đến đời sống xã hội, suốt ngày chỉ làm việc và tăng ca ngày này qua ngày khác mà chúng ta rất dễ gặp ở cổng các DN vào giờ tan ca, tan tầm. Ở nhiều khu công nghiệp, nhiều công nhân có nguy cơ mắc các bệnh mãn tính, nan y nhưng không dám nói là có bệnh và không có tiền để chữa bệnh. Hình ảnh không thể không gợi cho chúng ta suy nghĩ tương lai của họ và con cái của họ sẽ ra sao?”, ông Hiểu tâm tư.
Ông Ngọ Duy Hiểu cho rằng NLĐ tăng ca, những ngày về muộn cũng vì mục tiêu tăng trưởng kinh tế, những kết quả đó không chỉ riêng ông chủ, mà NLĐ phải được hưởng.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh để bảo vệ những NLĐ yếu thế, trên cả mặt pháp lý và đạo lý. NLĐ là tài sản vốn quý của DN. Vì vậy, DN cũng phải nuôi nấng, chia sẻ với tài sản vốn quý của mình để rồi “đẻ” ra nhiều tài sản hơn nữa. Nếu DN cứ quen mãi với lương thấp, NLĐ chẳng cần học nghề thì đấy chính là chúng ta đang làm cho nền kinh tế tụt hậu. Chúng ta phải có những DN hiện đại hóa, tôn trọng và trả lương xứng đáng cho NLĐ”, ông Hiểu nhấn mạnh.
Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, nhìn nhận về mặt tổng thể đời sống công nhân đã được cải thiện. Tuy nhiên, không thể phủ nhận một bộ phận NLĐ rất khó khăn, đặc biệt là những người có con nhỏ, họ vừa phải chi tiêu tiền thuê nhà, tiền điện nước vừa lo tiền học hành cho con cái. Tất cả chi phí đó là cả một câu chuyện. Rất khó có thể trả lời câu hỏi với thu nhập bình quân 5,5 triệu đồng/tháng, NLĐ có đủ sống hay không. Giải pháp mà chúng ta cần phải làm là DN cũng phải tính toán chi phí, đầu ra đầu vào để có việc làm, nâng cao năng suất lao động và có thể tăng lương cho NLĐ.
Thiếu trước hụt sau
Chị Đặng Thị Thôi (31 tuổi, công nhân Công ty TNHH Parapex ở Q.Bình Tân, TP.HCM) cho biết đang làm công nhân may, còn chồng là thợ làm cửa sắt. Trung bình mỗi tháng vợ chồng chị có thu nhập khoảng 12 - 13 triệu đồng, được chị cho là khá cao so với những cặp vợ chồng sống cùng khu nhà trọ. Tuy nhiên, để sống được ở TP.HCM, gia đình chị phải chi tiêu hết sức tằn tiện. Chị Thôi liệt kê các khoản chi tiêu lớn của gia đình: 3 triệu đồng cho đứa con học lớp 2, gần 3 triệu đồng tiền ăn cho cả gia đình, 1,2 triệu đồng tiền thuê nhà, tiền điện nước... Với mức chi sát với thu như vậy nên tháng nào có người trong gia đình đau ốm hay nhiều cưới hỏi, lễ lạt thì chị đều rơi vào tình trạng thiếu trước hụt sau, phải mượn bạn bè, người thân mới đủ.
T.Hiếu
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.