BOT 'nhầm chỗ', dẹp loạn 'sân sau' đang chờ tân Bộ trưởng Giao thông vận tải

26/10/2017 07:53 GMT+7

Nhiều ý kiến cho rằng tân Bộ trưởng Giao thông vận tải sẽ phải quyết liệt và đột phá hơn người tiền nhiệm nếu muốn giải quyết những vấn đề nội tại căn bản của ngành giao thông.

Với 18 tháng trên cương vị Bộ trưởng Giao thông vận tải, có lẽ thời gian quá ngắn và bản tính kín kẽ khiến ông Trương Quang Nghĩa không có nhiều cơ hội để thể hiện được dấu ấn rõ nét nào với ngành.
Trong một năm rưỡi, ngành giao thông có phần rơi vào trầm lắng khi không có dự án lớn nào được khởi công, nhiều ban quản lý thuộc bộ, thậm chí các doanh nghiệp rơi vào cảnh nhàn nhã vì thiếu việc. Thay vào đó, ông Nghĩa khá vất vả khi phải “chữa cháy” cho những hệ luỵ từ các dự án BOT phát sinh liên tục và nóng bỏng trên nhiều tỉnh thành của nhiệm kỳ trước.
Những công việc dở dang mà ông Trương Quang Nghĩa đang và chưa thực hiện cũng chính là bài toàn khó mà tân Bộ trưởng Giao thông vận tải sẽ phải đối mặt, như giải quyết dứt điểm hệ luỵ BOT, bài toán vốn cho các dự án giao thông sau khi BOT thất thế, cú hích thực sự để các đại dự án như cao tốc bắc – nam có thể chuyển động thực sự, căn bệnh đội vốn chậm tiến độ kinh niên của các dự án đường sắt đô thị, ùn tắc cả trên không và dưới đất…
Ông Nguyễn Văn Thể (ngoài cùng bên trái) ưng viên Bộ trưởng Giao thông vận tải thăm luồng sông Hậu khi giữ chức Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Dương Linh
Trả lại trạm BOT về đúng vị trí
Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, bất kể là ai nhận ghế nóng tại Bộ Giao thông vận tải thời điểm này cũng đều gặp thách thức lớn, rất căng thẳng và phải thực sự quyết liệt, bản lĩnh. 
Thứ nhất, phải dứt điểm vấn đề BOT, rà soát lại toàn bộ các dự án bất hợp lý, những trạm bị người dân phản ứng đều do đặt ở vị trí tận thu, việc giảm phí nhưng kéo dài thời gian thu phí chỉ là giải pháp xoa dịu, cái chính là phải trả lại đúng vị trí các trạm thu phí.
Thứ hai, theo ông Thanh, phải sớm làm cho BOT thực sự minh bạch, tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội luật BOT, luật hoá để quản lý chặt chẽ, vì tới nay mới chỉ có nghị định 15 về BOT, nhưng rất nhiều sơ hở. Kinh nghiệm các nước là cho nhà đầu tư chủ động, nhưng phải chịu trách nhiệm với rủi ro của dự án, còn Việt Nam hiện nay bao nhiêu rủi ro người dân chịu cả.
Chưa kể, tình trạng thổi phồng mức đầu tư, trong khi làm thì bớt xén, vài năm nữa các dự án BOT sẽ xuống cấp trầm trọng. Nhà nước chỉ giám sát chất lượng công trình, đường xuống cấp không cho thu. Đặc biệt phải công khai minh bạch cho người dân giám sát.
BOT giao thông nhiều khuất tất
"Ém" thông tin về dự án, cải tạo đường cũ nhưng thu phí theo kiểu làm đường mới, dự án chưa hoàn thành đã thu phí cả tuyến, đường làm một đằng đặt trạm thu phí một nẻo... là nội dung kết luận thanh tra trong thực hiện một số dự án đầu tư theo hình thức BT, BOT tại Bộ GTVT.
Dẹp loạn "lợi ích nhóm"
Ở góc nhìn khá thẳng thắn, TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông cho rằng, tân Bộ trưởng Giao thông vận tải phải thu dọn “chiến trường” mà những người tiền nhiệm để lại, từ công tác tổ chức cán bộ đến kiểm điểm, rà soát lại tất cả các điểm nóng và có giải pháp xử lý triệt để.
Theo ông Sanh, nếu xử lý được bất cập BOT sẽ là thắng lợi lớn của tân Bộ trưởng, đồng thời, chính sách BOT phù hợp sẽ thu hút nhà đầu tư tư nhân không chỉ trong lĩnh vực “dễ xơi” là đường bộ mà cả đường sắt, sân bay.
Bởi việc chỉ định thầu trước đây đã không lựa chọn được nhà đầu tư đủ năng lực, mà còn là phe phái, sân sau, vừa là lợi ích nhóm, vừa “ăn xổi”, trong khi những nhà đầu tư dài hơi, có chất lượng khó chen chân, không có cơ hội. Việc dẹp loạn ngầm trong ngành giao thông sẽ mở đường cho những nhà đầu tư chân chính. Điều này cũng sẽ giải quyết được bài toán chiến lược về nguồn lực đầu tư cho cả đường sắt và hàng không.
Các chuyên gia đều cho rằng, vốn được đào tạo bài bản và kinh qua nhiệm vụ từ địa phương đến trung ương, ông Nguyễn Văn Thể - ứng viên vừa được giới thiệu giữ chức Bộ trưởng Giao thông vận tải có thể giải quyết những tồn đọng này của ngành, vấn đề là ông phải thực sự dám làm, dám quyết.
Ông Nguyễn Văn Thể sinh năm 1966, quê quán tại huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. Ông từng giữ các chức vụ Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Đồng Tháp, Bí thư Huyện ủy huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp. Ông Thể được HĐND tỉnh Đồng Tháp bầu giữ chức Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp tại kỳ họp bất thường ngày 21.7.2012. Ngày 6.6.2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định điều động, bổ nhiệm có thời hạn ông Thể giữ chức Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Ông Thể cũng là ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng khóa 11, sau đó được bầu là Ủy viên Trung ương Đảng khóa 12. Tháng 10.2015, ông Thể được Bộ Chính trị điều động về làm Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.