Bỗng dưng thành giám đốc công ty 'ma' nợ thuế cả tỉ đồng

06/04/2021 05:15 GMT+7

Vào làm được 10 ngày, anh N.V.T bị công ty đuổi việc. Ba năm sau, anh T. xin cấp hộ chiếu để đi xuất khẩu lao động thì được biết mình là... giám đốc của công ty từng đuổi mình , hiện đang nợ thuế hơn 1 tỉ đồng.

Bị đuổi việc và thành... giám đốc

Gửi đơn phản ánh đến Báo Thanh Niên, anh N.V.T (29 tuổi, quê Quảng Bình, tạm trú Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết năm 2017, khi đang thất nghiệp ở quê thì được người quen tên Đoàn rủ vào Bà Rịa - Vũng Tàu làm việc cho Công ty TNHH MTV dịch vụ thương mại vận tải Mai Hương (viết tắt Công ty Mai Hương) tại P.Phú Mỹ, TX.Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu), với mức lương 7 - 8 triệu đồng/tháng. Ngoài anh T., còn có 6 người từ Quảng Bình vào TX.Phú Mỹ làm việc cho công ty này.
“Khi vào TX.Phú Mỹ, chúng tôi được đưa tới Công ty Mai Hương. Tại đây, công ty đã lấy tất cả giấy CMND của chúng tôi, với lý do làm thủ tục trả lương hằng tháng. Sau đó, chúng tôi được anh Đoàn đưa xuống sà lan. Lúc này, sà lan đang lên ụ để sửa chữa, chúng tôi phụ những việc như sơn tàu, cùng các công việc lặt vặt”, anh T. kể và cho hay: “Làm việc được khoảng 10 ngày thì công ty nói chúng tôi không quen công việc nên không cho làm nữa, đồng thời yêu cầu chúng tôi nghỉ việc. Sau khi nghỉ việc 1 ngày, tôi cùng nhóm bạn được trả tiền công và trả lại giấy CMND. Công ty nói anh Đoàn ở lại làm việc nhưng anh nói do công ty đuổi chúng tôi nên anh cũng nghỉ theo. Nhận tiền xong, chúng tôi về quê và không ai quay lại công ty này nữa”.
Cuối năm 2020, anh T. có nhu cầu đi xuất khẩu lao động nên đến Công an tỉnh Quảng Bình làm hộ chiếu. Sau đó, Công an tỉnh trả lời do anh T. đang là... giám đốc của 1 công ty và công ty này đang nợ thuế ở TP.HCM hơn 1 tỉ đồng, nên không thể cấp hộ chiếu. Anh T. tìm hiểu thì được biết, sau khi bị đuổi việc thì bỗng nhiên anh “được” làm giám đốc Công ty Mai Hương.
“Bản thân tôi chưa bao giờ đi làm mã số thuế cá nhân nhưng thông tin của công ty này có tên tôi là người đại diện kèm mã số thuế của tôi là 86194163xx. Công ty đã lấy CMND của tôi rồi tự đăng ký cho tôi làm người đại diện pháp luật kiêm giám đốc; đồng thời công ty nợ thuế cả tỉ đồng. Việc này khiến tôi không làm được thủ tục đi xuất khẩu lao động, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của tôi”, anh T. bức xúc. Do không xuất khẩu lao động được, anh T. vào nhà người anh của mình ở xã Hòa Bình, H.Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu) để hái tiêu thuê.

Cần điều tra để triệt nạn công ty “ma”

Liên quan nội dung anh T. phản ánh mình từng bị Công an tỉnh Quảng Bình từ chối cấp hộ chiếu để đi xuất khẩu lao động hồi cuối năm 2020 như bài viết đề cập, ngày 4.4, trao đổi với PV Thanh Niên, thượng tá Nguyễn Quang Toản, Trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh (Công an tỉnh Quảng Bình), cho hay các trường hợp như vậy đều có trên hệ thống quản lý liên thông điện tử, là những thông báo của các cơ quan chức năng có thẩm quyền, và Phòng Quản lý xuất nhập cảnh thực hiện theo những thông báo đó.
Theo luật sư Nguyễn Hải Nam (Đoàn luật sư tỉnh Bình Phước), trong trường hợp này, người bị lấy CMND (nạn nhân) phải làm đơn tố cáo gửi cơ quan công an (nơi có trụ sở công ty) để điều tra. Đồng thời gửi đơn lên Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở KH-ĐT TP.HCM), yêu cầu thu hồi giấy phép đăng ký kinh doanh của công ty này. Quá trình điều tra, cơ quan công an xem xét nếu đúng là có giả mạo sẽ có kết luận gửi Phòng đăng ký kinh doanh để thu hồi giấy phép. “Đối với khoản nợ thuế, rõ ràng là người bị sử dụng trái phép CMND không có liên quan. Quá trình điều tra, cơ quan công an sẽ xác định người trực tiếp gây ra hành vi và người này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Cơ quan công an cũng cần vào cuộc điều tra để triệt nạn công ty “ma”, tránh phát sinh hệ lụy ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội”, luật sư Nam nói.
Trương Quang Nam - Trác Rin

Địa chỉ “ma”

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, Công ty Mai Hương thành lập ngày 1.6.2009. Địa chỉ trụ sở chính ở số 111/3 Trần Xuân Soạn, P.Tân Thuận Tây (Q.7, TP.HCM). Giám đốc cũ là bà N.T.H (45 tuổi, hộ khẩu ở Q.1, TP.HCM). Địa chỉ khai báo thuế cũng ở 111/3 Trần Xuân Soạn. Các loại thuế phải nộp: giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp, thuế môn bài. Ngành, nghề kinh doanh: “vận tải hàng hóa ven biển và viễn dương; buôn bán vật liệu, thiết bị lắp đặt khác trong xây dựng, chi tiết: bán buôn gạch xây, ngói, đá, cát, sỏi...”.
Ngày 21.2.2017, Sở KH-ĐT TP.HCM cấp đăng ký thay đổi cho Công ty Mai Hương. Người đại diện pháp luật kiêm giám đốc là ông N.V.T. Chỗ ở hiện tại: 111/3 Trần Xuân Soạn, P.Tân Thuận Tây, Q.7, hộ khẩu thường trú ở Quảng Bình. Ngành, nghề kinh doanh chính là vận tải hàng hóa bằng đường bộ, chi tiết: vận tải hàng hóa bằng ô tô. Địa chỉ đăng ký với ngành thuế cũng không có gì thay đổi (111/3 Trần Xuân Soạn).
Để làm rõ vì sao anh N.V.T bỗng dưng thành giám đốc Công ty Mai Hương, ngày 2.4, PV Thanh Niên tìm địa chỉ công ty này để liên hệ làm việc. Tuy nhiên, sau khi dò đường, hỏi thăm đủ kiểu, chúng tôi vẫn không tìm thấy “tung tích” địa chỉ 111/3 Trần Xuân Soạn (P.Tân Thuận Tây, Q.7). Chúng tôi vào trụ sở UBND P.Tân Thuận Tây để hỏi thông tin về địa chỉ này. Sau khi tra cứu thông tin trên hệ thống, một cán bộ phường khẳng định: “Địa chỉ này trên địa bàn phường không có thì sao tìm được!”.
Qua tìm hiểu thông tin trên trang thông tin điện tử của Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), PV Thanh Niên ghi nhận, Chi cục Thuế khu vực Q.7 - H.Nhà Bè là đơn vị đăng ký nộp thuế của Công ty Mai Hương. Đáng chú ý, ở mục ghi chú có nội dung công ty này “không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký”.

Giám đốc cũ nói gì ?

Ngày 3.4, trao đổi qua điện thoại với PV Thanh Niên, giọng nữ được cho là bà N.T.H, “cựu” Giám đốc Công ty Mai Hương, cho biết ngày 2.4, bà “đã gặp anh N.V.T làm việc và… xin bồi thường 50% số tiền mà anh T. đã bị mất sau khi không đi xuất khẩu lao động được”. Đối với số tiền hơn 1 tỉ đồng mà anh T. là người đại diện công ty đang bị nợ thuế, bà H. cho biết “sẽ trả cho nhà nước trong vài tháng tới”.
Trước đó, khi PV hỏi vì sao anh T. bị đuổi việc nhưng sau đó trở thành giám đốc Công ty Mai Hương, thì bà H. cho biết thời gian đó bà ở ngoài Bắc, toàn bộ công việc ủy quyền cho ông B. (lúc này là kế toán trưởng công ty, hiện đã nghỉ việc) điều hành. “Tôi thuê nhiều người làm… giám đốc công ty nên không biết ai là ai cả. Anh T. tôi cũng chưa từng biết mặt. Việc ông B. đưa anh T. làm giám đốc công ty cũng không nói tôi biết (!?)”, bà H. nói.
Trước đó, qua loạt bài Lỗ hổng hình thành công ty “ma” (từ ngày 14 - 17.7.2020), Báo Thanh Niên đã phản ánh tình trạng chỉ cần 1 giấy CMND sao y bản chính, cùng một số giấy tờ liên quan là có thể thành lập công ty. Đáng chú ý, tình trạng mua bán CMND cũ, hoặc làm giả thẻ căn cước công dân vẫn diễn ra nhan nhản. Trong khi đó, những thông tin đăng ký với Sở KH-ĐT TP.HCM đều không được sở này kiểm chứng. Vì vậy, những thông tin giả, sai sự thật đều “lọt lưới” ở khâu đăng ký kinh doanh. Trong khi đó, quá trình hậu kiểm của các cơ quan chức năng liên quan chưa thật sự hiệu quả, nên những công ty “ma” mọc lên để mua bán hóa đơn GTGT, buôn lậu...
Ngay sau loạt bài trên, anh T.H.Q.H (33 tuổi, ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM) đến Báo Thanh Niên kêu cứu, vì bỗng dưng anh trở thành... giám đốc kiêm người đại diện pháp luật công ty “ma”. Sau khi vào cuộc tìm hiểu và đồng hành cùng anh H. đi gửi đơn khiếu nại, tố cáo ở Sở KH-ĐT TP.HCM, Chi cục Thuế khu vực Q.12 - H.Hóc Môn, UBND Q.12, Công an Q.12..., PV Thanh Niên ghi nhận các cơ quan đều đùn đẩy trách nhiệm và chưa có đơn vị nào “chịu” đứng ra xử lý dứt điểm, triệt xóa các công ty “ma”. Chỉ khi Thanh Niên phản ánh sự việc trên qua loạt bài Bỗng dưng thành giám đốc công ty... “ma” (từ ngày 21 - 23.9.2020), Ban Giám đốc Công an TP.HCM mới chỉ đạo Phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (PC03) Công an TP.HCM vào cuộc làm rõ.
Ngày 3.4, nguồn tin của PV Thanh Niên cho biết, hiện PC03 Công an TP.HCM vẫn đang điều tra đường dây mua bán công ty “ma”; cũng như làm việc với một số đối tượng liên quan, làm rõ nội dung mà Thanh Niên phản ánh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.