Bộ trưởng Y tế hứa

19/04/2013 03:00 GMT+7

Quyết liệt chấn chỉnh y đức tiếp tục là lời hứa của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến trước Ủy ban Các vấn đề xã hội chiều qua 18.4, trong phiên báo cáo kết quả thực hiện lời hứa chất vấn tại kỳ họp thứ 4 của QH.

Đo sự hài lòng của bệnh nhân

 

Bộ trưởng Y tế hứa...Chúng tôi cũng kêu gọi tự trọng của ngành, sẽ có giải pháp tài chính là lương và giải pháp hành chính thông qua các hình thức kỷ luật để chấn chỉnh

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến

Vấn đề dư luận đặc biệt quan tâm là y đức, Bộ trưởng Y tế cho biết Bộ đã và đang thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt để chấn chỉnh tiêu cực trong ngành và trong năm 2013 này sẽ ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Quy tắc ứng xử trong khám chữa bệnh (KCB), quy định rõ trách nhiệm của Bộ trưởng, trách nhiệm của giám đốc các sở y tế, lãnh đạo y tế bộ, ngành, trách nhiệm của giám đốc các bệnh viện (BV), lãnh đạo khoa, phòng BV… trong việc thực hiện Quy tắc ứng xử.

Bên cạnh giải pháp khác là đưa bộ môn Y đức vào chương trình giảng dạy tại các trường CĐ, ĐH y, Bộ trưởng nói Bộ đang soạn thảo Đề án xây dựng phương pháp đánh giá hài lòng người bệnh để quyết liệt chấn chỉnh vấn đề y đức trong KCB. “Hiện chúng tôi đã và đang triển khai quyết liệt các giải pháp chấn chỉnh tiêu cực nhũng nhiễu trong KCB, một số BV như Việt Đức nếu phát hiện ai tiêu cực sẽ đuổi việc; BV Nhân dân Gia Định, BV ĐH Y Dược TP.HCM, cùng nhiều BV khác tuyên bố giảm lương, thưởng với trường hợp bị phát hiện có hành vi tiêu cực; BV Hà Nam ký cam kết với người nhà bệnh nhân khi vào viện để ngăn chặn tiêu cực…”, bà Tiến dẫn chứng.

Phải có chế tài xử lý nghiêm tiêu cực

Trước “kế hoạch” chấn chỉnh y đức của ngành y, Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH Quảng Trị Phạm Đức Châu băn khoăn: “Nhận phong bì đã thành thói quen phổ biến trong cơ chế thị trường chứ không riêng gì đội ngũ thầy thuốc, vì vậy nếu chỉ kêu gọi từ chối nhận phong bì thì rất khó”. “Vào các phòng khám chữa bệnh trực tiếp thì tôi thương bác sĩ, nhưng nghe kể chuyện nhận tiền thì thấy thương bệnh nhân. Chỉ cần đưa 50.000 đồng là sẽ được thay băng trước, tiêm trước mà thay nhẹ nhàng không đau, tiêm cũng không đau. Ngoài việc tuyên truyền, kêu gọi, cần phải xử lý thật nghiêm khắc các trường hợp tiêu cực thì mới mong chấn chỉnh”, ĐB Châu nói.

 

Bộ trưởng Y tế hứaNhận phong bì đã thành thói quen phổ biến trong cơ chế thị trường chứ không riêng gì đội ngũ thầy thuốc, vì vậy nếu chỉ kêu gọi từ chối nhận phong bì thì rất khó

ĐBQH Phạm Đức Châu (Quảng Trị)

Ông Châu gợi ý để xử lý nghiêm được tiêu cực phải dùng nhiều biện pháp, kể cả kiểm tra thực tế và quan sát, chỉ cần một vài trường hợp bị phát hiện, xử lý nghiêm thì sẽ giảm tiêu cực rõ rệt. “Nếu không chấn chỉnh quyết liệt sẽ ảnh hưởng đến uy tín đội ngũ thầy thuốc, mất hết hình ảnh tốt đẹp về lương y như từ mẫu. Tình trạng này kéo dài, mai mốt Bộ trưởng cũng sẽ mất uy tín”, ĐB Châu cảnh báo.

Giải trình thêm sau đó, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận đúng là chấn chỉnh y đức không thể chỉ kêu gọi, tuyên truyền mà đủ. Hiện Bộ đã ra chỉ thị, tiến tới ban hành thông tư để chấn chỉnh. “Có những BV hiện nay đã đặt camera, ký cam kết trách nhiệm… Đương nhiên chuyện này không thể một sớm một chiều, tuy nhiên chúng tôi cũng kêu gọi tự trọng của ngành, sẽ có giải pháp tài chính là lương và giải pháp hành chính thông qua các hình thức kỷ luật để chấn chỉnh”, Bộ trưởng thông tin.

Đồng tình phải có chế tài xử lý nghiêm khắc tiêu cực, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai dẫn ví dụ đi thực tế tại một số BV khu vực phía nam cho thấy, có BV chỉ cần phát hiện trường hợp nhận phong bì trên 2 triệu đồng là đưa ra họp bình xét kỷ luật, hay như BV Nhân dân Gia Định (TP.HCM) dứt khoát không nhận phong bì của bệnh nhân. “Đây là việc khó, nhưng nếu mình quyết tâm sẽ làm được, sẽ lấy lại được lòng tin của người dân”, bà Mai khích lệ.

“Nhà thầu buồn” vì quy định thặng số giá thuốc

Trước các ý kiến đặt ra về kiểm soát giá thuốc, Bộ trưởng Y tế cho biết đã áp dụng quy định mới (Thông tư 01) về đấu thầu thuốc trong BV đảm bảo giá trúng thầu là giá thật. “Áp dụng thông tư đấu thầu 01 với các quy định rất chặt chẽ khiến nhà thầu buồn”, Bộ trưởng nói và cho biết với quy định này, số thuốc trúng thầu vào BV đã giảm giá trung bình 20% so với giá trúng thầu năm trước.

Mặc dù vậy, người đứng đầu ngành y cho rằng không thể một loại thuốc mà có giá thống nhất trên toàn quốc vì liên quan đến các chi phí vận chuyển, do các nhà thầu khác nhau và thời điểm đấu thầu khác nhau, các nước cũng tương tự vậy. Để giá thuốc chênh lệch ít nhất, không còn tình trạng giá đưa vào BV cao bất hợp lý, hoặc cùng một thuốc nhưng chênh lệch lớn giữa các BV, bà Tiến cho hay Bộ đang xin phép Chính phủ cho đấu thầu tập trung cấp quốc gia với một số loại thuốc.

“Từ tháng 4 này, Bộ Y tế bắt đầu thí điểm quản lý giá thuốc bằng thặng số toàn chặng với các thuốc do ngân sách nhà nước, do bảo hiểm y tế chi trả. Thặng số này khống chế mức lợi nhuận, không thể đẩy giá thuốc cao bất hợp lý. Việc này mới được Chính phủ xem xét, chấp thuận sau hai năm kể từ khi Bộ đề xuất thực hiện”, Bộ trưởng thông tin thêm.

Tiếp tục điều chỉnh viện phí

Tại phiên họp, Bộ trưởng Y tế cho biết sẽ tiếp tục điều chỉnh giá viện phí theo hướng tính đúng tính đủ, thậm chí cho tái đầu tư. “Nếu giá viện phí thấp sẽ không phát triển được và nhà nước cũng sẽ không thể bao cấp hết. Khi giá viện phí tính đúng tính đủ, giá dịch vụ cao hơn sẽ khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm y tế”, bà Tiến lý giải, đồng thời khẳng định: Khi viện phí tăng, các nhóm đối tượng nghèo, cận nghèo, trẻ dưới 6 tuổi vẫn được nhà nước hỗ trợ thông qua cấp thẻ hiểm y tế. Lộ trình hoàn thành tính đúng, tính đủ vào giá viện phí sẽ hoàn thành vào năm 2018.

Bảo Cầm - Liên Châu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.