Bộ trưởng VH-TT-DL: Du lịch Việt Nam vẫn... đẹp trong mắt du khách!

13/06/2013 13:34 GMT+7

(TNO) Phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) Hoàng Tuấn Anh “nóng” lên với các vấn đề chặt chém du khách ; nghệ sĩ, chương trình biểu diễn có trang phục phản cảm…

Đến năm 2020 du lịch vẫn không ngang tầm được các nước

ĐB Nguyễn Hoài Phương (Tây Ninh) mở đầu phần chất vấn Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL với hiện trạng chèo kéo, chặt chém khách du lịch thời gian vừa qua gây nhiều bức xúc dư luận. ĐB “xin hỏi ý đánh giá của Bộ trưởng như thế nào về vấn đề này”.

Cùng quan tâm, ĐB Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) đánh giá du lịch VN hiện nay chưa phát triển đúng tiềm năng, trong khi đây là ngành công nghiệp không khói, có thể thu về giá trị kinh tế cao.

 
ĐB Nguyễn Hoài Phương đánh giá du lịch Việt Nam còn tồn tại nhiều "điểm trừ" về chèo kéo, chặt chém khách... - Ảnh: Ngọc Thắng

Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Hoàng Tuấn Anh cho biết: “Chúng ta có tình trạng đó (chèo kéo, chặt chém du khách - PV) nhưng hình ảnh VN nói chung vẫn đẹp trong mắt bạn bè, khách du lịch”.

Chưa đồng tình với ý kiến của Bộ trưởng, ĐB Lê Trọng Sang (TP.HCM) nêu con số thống kê tỉ lệ khách quốc tế quay trở lại VN lần thứ hai chỉ có 18%, còn lại gần như "một đi không trở lại".

Các ĐB đề nghị Bộ trưởng giải trình về những yếu kém, tiêu cực của du lịch VN và có biện pháp xử lý tình trạng này.

 

"Năm 2020, chúng ta phấn đấu đạt 15 triệu lượt du khách",  Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Hoàng Tuấn Anh.

Vậy là chưa ngang tầm (với du lịch các nước trong khu vực - Thái Lan, Malaysia mỗi năm hiện nay có khoảng 20-30 triệu lượt du khách) được phải không?”, Chủ tịch Quốc hội chất vấn.

Dạ, mình phải liệu cơm gắp mắm chứ đề ra chỉ tiêu cho cố mà không đạt được cũng không hay”, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL trả lời.

Theo Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL, Đảng và Nhà nước đánh giá cao về vai trò của ngành du lịch trong việc đóng góp cho tăng trưởng kinh tế đất nước. Du lịch của nước ta trong những năm qua phát triển khá tốt. Mặc dù 5 tháng đầu năm 2013, số lượng khách du lịch giảm 1,4 % (so với cùng kỳ 2012) nhưng doanh thu tăng 5% do chất lượng cung cấp tăng, chi tiêu của khách cao hơn và thời gian lưu trú nhiều.

Trong chính sách phát triển du lịch nước ta sắp tới, sẽ dần chuyển du lịch từ chiều rộng sang chiều sâu; gắn phát triển du lịch với bảo toàn di tích lịch sử, đào tạo nghề chuyên sâu, tập trung sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao. Đó là những giải pháp người đứng đầu ngành VH-TT-DL báo cáo trước QH.

Trước phần trả lời của Bộ trưởng, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đã yêu cầu Bộ trưởng nói rõ đến năm 2020 du lịch VN có ngang tầm với các nước trong khu vực (Thái Lan, Malaysia) được không?

Theo Bộ trưởng Tuấn Anh, năm 2020, chúng ta phấn đấu đạt 15 triệu lượt du khách. Con số này còn thua xa số lượt du khách đến Thái Lan, Malaysia mỗi năm hiện nay (20-30 triệu lượt).

Tăng mức xử phạt nghệ sĩ ăn mặc phản cảm, gây xì-căng-đan

Nhiều ĐB cũng đặt vấn đề với Bộ VH-TT-DL về việc quản lý nghệ sĩ, chương trình biểu diễn, đời sống văn hóa nghệ thuật trong nước.

Theo ĐB Nguyễn Trung Thu (Long An), bên cạnh mặt tích cực thì trong đời sống nghệ thuật hiện nay còn nhiều nghệ sĩ chạy theo đồng tiền, sáng tác tác phẩm không có tính thẩm mỹ, tạo xì-căng-đan gây hình ảnh xấu trong đời sống văn hóa xã hội.

Còn ĐB Phạm Thị Hải (Đồng Nai) cho rằng hiện nhiều phim ảnh bạo lực, không phù hợp thuần phong mỹ tục, nhiều băng đĩa lậu, phim sex bày bán công khai trên thị trường.

ĐB yêu cầu Bộ trưởng cho biết giải pháp xử lý những vi phạm trong đời sống nghệ thuật cũng như chính sách đặc thù gì để khuyến khích sáng tác, sáng tạo tác phẩm nghệ thuật có giá trị.


Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh trả lời chất vấn QH - Ảnh: Ngọc Thắng

“Về sáng tác, biểu diễn, tiềm lực đội ngũ sáng tác, lý luận phê bình của chúng ta còn yếu, chính sách chưa đủ, nghệ thuật truyền thống khó khăn”, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL nhận định.

Người đứng đầu ngành VH-TT-DL cho rằng, các văn bản quy định xử phạt vi phạm về văn hóa, thể thao, du lịch còn nhẹ.

Qua đó, Bộ trưởng cho biết Bộ VH-TT-DL đang hoàn thiện các quy định, tăng mức xử phạt, ngoài việc bị phạt hành chính với mức phạt nặng hơn thì các nghệ sĩ ăn mặc phản cảm, tạo xì-căng-đan còn có thể bị rút giấy phép, đình chỉ biểu diễn.

Bộ trưởng dẫn chứng: Một trường hợp tự sáng tác và tự phát hành đĩa nhạc đã bị phạt, yêu cầu thu hồi; rút phép trình diễn hoa hậu biển; không cấp phép chiếu bộ phim Bụi đời Chợ Lớn do có nhiều cảnh bạo lực,…

Đồng thời, “mong rằng các địa phương hết sức quan tâm đến nghệ thuật truyền thống. Đặc biệt, cải lương - đờn ca tài tử đã được trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới và có thể được xét duyệt trong năm nay”, ông Tuấn Anh kêu gọi.

Tháng 10 công bố Đại sứ du lịch mới

Trong phiên chất vấn, ĐB Trương Thị Ánh (TP.HCM) đặt câu hỏi hiện việc lấy ý kiến đại sứ du lịch, quốc hoa, quốc phục đến đâu và tác động đến xã hội như thế nào?

Bộ trưởng VH-TT-DL Hoàng Tuấn Anh cho biết: Về đại sứ du lịch, Bộ đang đề ra quy chuẩn và tháng 10 này sẽ công bố đại sứ du lịch mới.

“Nhiều nước trên thế giới cũng có đại sứ du lịch. Đại sứ này không phải là cơ quan ngoại giao mà chỉ có nhiệm vụ giới thiệu, quảng bá du lịch”, ông Tuấn Anh lưu ý.

Về quốc hoa, ông Hoàng Tuấn Anh cho hay Bộ đang tiến hành lấy ý kiến người dân ở Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và đa phần người dân ủng hộ quốc hoa là hoa sen.

Về quốc phục, người đứng đầu Bộ VH-TT-DL cho hay cũng đang lấy ý kiến các nhà sử học, nhà mỹ thuật... và đã có hai phương án. Thứ nhất là cải tiến bộ com-lê hiện nay. Thứ hai là cải tiến bộ áo dài khăn đóng.

Tuy nhiên, việc lấy ý kiến vẫn chưa đưa ra kết quả cụ thể.

Các công trình thể thao VN hiện tại đạt 80% yêu cầu cho tổ chức ASIAD 2019

ĐB Lê Trọng Sang (TP.HCM), thẳng thắn phát biểu: 3.000 tỉ đồng cho ASIAD là khoản kinh phí khá lớn so với bối cảnh đất nước khó khăn (mà có thể còn tăng kinh phí do trượt giá). Vậy có phải là lãng phí không? Sau ASIAD chúng ta dùng các công trình thể thao đó như thế nào?

Việc chuẩn bị cho ASIAD 2019 cũng được ĐB Nguyễn Hoài Phương (Tây Ninh) đặt ra trước đó.

Theo Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh: Khi khảo sát thì họ thấy cơ sở, các công trình thể thao của chúng ta tốt, đáp ứng được 80% cơ sở vật chất để tổ chức ASIAD.

Việc đăng cai ASIAD có ý nghĩa chính trị, ngoại giao và cả kinh tế. Đây cũng là sự kiện thúc đẩy Nhà nước tăng cường đầu tư cho thể thao, khuyến khích phong trào tập luyện thể thao trong quần chúng.

Nguyên Mi - Trung Hiếu

>> Xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, giá trị nông sản cao
>> Bộ trưởng Cao Đức Phát: "Người trồng lúa không lãi được 30%
>> Thảo luận tại Quốc hội: Cần hiến định tất cả quyền lực thuộc về dân
>> Đại biểu Quốc hội đề nghị báo cáo tình hình biển Đông
>> Nhiều đại biểu quốc hội đề nghị giữ nguyên tên nước
>> Phó thủ tướng và 4 thành viên chính phủ sẽ trả lời chất vấn
>> Nội dung chất vấn phải hài hòa giữa kinh tế và xã hội
>> Chất vấn về đề án 10.800 tỉ đồng xây nhà hát, rạp chiếu phim

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.