Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Dự báo chưa chính xác mưa lũ, thiệt hại nặng nề

31/10/2017 18:03 GMT+7

Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà có 10 phút tại hội trường để giải đáp băn khoăn của đại biểu, khi Quốc hội tiếp tục thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội chiều 31.10.

Trước đó, phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận) cho rằng, việc phá rừng là một minh chứng cho tình trạng "trên nóng, dưới lạnh". Cụ thể, Thủ tướng đã yêu cầu đóng cửa rừng tự nhiên nhưng rừng thì vẫn không được đóng, những vụ phá rừng lớn nhất vừa qua ở một số địa phương nói lên thực trạng vô hiệu hóa các quyết định của Chính phủ.

Qua khảo sát thực tế, đại biểu Cương cũng phán ánh một trạm kiểm lâm mỗi đêm có khoảng 80 - 100 xe máy đi qua, mỗi xe chở khoảng 4 khúc gỗ và phải nộp cho kiểm lâm khoảng 300.000 - 400.000 đồng tiền tiêu cực. “Đây là số lợi thu tiền bất chính không nhỏ và cứ như vậy thì bao lâu nữa còn đâu là rừng? Có một điều chính quyền chủ động phá rừng mới thật ghê gớm, nhiều địa phương cứ lập dự án trồng rừng để phá rừng với lý do tận thu”, đại biểu Cương phát biểu.

Đại biểu Nguyễn Đắc Quỳnh (Sơn La) và Ma Thị Thủy (Tuyên Quang) cũng cùng nhận định và đề nghị bên cạnh việc thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ cần tập trung thỏa đáng hơn nữa cho công tác phòng, chống thiên tai...

Phát biểu giải trình, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà đồng tình với ý kiến các đại biểu về nguyên nhân dẫn đến thiệt hại lớn trong đợt thiên tai vừa qua có việc dự báo chưa chủ động, chưa chính xác về lượng mưa, về lũ ống. Bên cạnh đó, việc mất rừng và bố trí dân cư chưa phù hợp cũng là một trong những nguyên nhân đẫn đến thiệt hại lớn về người và tài sản. Ngoài ra, theo ông Hà, lượng mưa thời gian qua cũng hết sức cực đoan.

Hiện nay, theo Bộ trưởng, cả nước có 1.300 điểm báo mưa và sẽ bổ sung 3.000 điểm báo mưa nữa trong tương lai. Khi đó, trình độ dự báo của nước ta sẽ ở mức trung bình so với ngành cảnh báo thiên tai của thế giới (40-100 km2 có 1 điểm báo mưa). Ngoài ra, Bộ Tài nguyên - Môi trường cũng có bản đồ tai biến đo địa chất và các địa phương cần rà soát lại bản đồ này để bố trí dân cư, quy hoạch lại sản xuất, thích ứng bền vững hơn.

“Chúng tôi xin báo cáo thật với Quốc hội, thực tế công tác dự báo định lượng mưa, lũ quét, sạt lở đất mới chỉ giải quyết được trên diện rộng. Còn dự báo trong điều kiện cực đoan, cũng như một khu vực cụ thể, thì khoa học chưa đảm bảo”, ông Trần Hồng Hà thừa nhận.

tin liên quan

Hơn 30 người chết và mất tích vì áp thấp nhiệt đới, mưa lũ
Theo báo cáo nhanh mới nhất của các địa phương, về áp thấp nhiệt đới, mưa lũ những ngày gần đây, tính đến 13 giờ ngày 11.10.2017, áp thấp nhiệt đới và mưa lũ đã làm 20 người chết, nhiều nhà cửa, tài sản, hoa màu bị hư hại. Mưa lũ cũng làm 12 người mất tích, 5 người bị thương.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.