Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lý giải chuyển học phí sang 'giá dịch vụ đào tạo'

Vũ Hân
Vũ Hân
30/05/2018 13:51 GMT+7

Bên lề phiên họp Quốc hội sáng nay 30.5, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã trao đổi thêm về vấn đề "giá dịch vụ đào tạo", sau khi khái niệm "trạm thu giá" BOT bị dư luận phản đối.

Xin Bộ trưởng cho biết tại sao luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục đại học (GDĐH) lại quy định việc chuyển đổi từ cơ chế thu học phí sang giá dịch vụ đào tạo?
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Việc chuyển đổi từ cơ chế thu học phí sang giá dịch vụ đào tạo theo hướng tính đúng, tính đủ các chi phí cần thiết cho hoạt động đào tạo. Quy định này là căn cứ vào luật Giá và gọi là giá dịch vụ đào tạo để tính đúng tính đủ.
Học phí là khái niệm nghe quen tai, nhưng bây giờ chuyển sang tự chủ thì có rất nhiều chương trình đào tạo phải tính đến chi phí dịch vụ theo luật Giá. Tính đầy đủ để làm sao đảm bảo chất lượng, phù hợp chi phí, hay nói cách khác, chi phí tương xứng chất lượng, thì cần tính toán để hạch toán theo tự chủ, đó là giá dịch vụ đào tạo.
Vừa qua trạm thu phí giao thông đổi thành trạm thu giá đã vấp phải sự phản ứng của dư luận, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đề nghị không để tên trạm thu giá; Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cũng không nhất trí với thuật ngữ học phí đổi thành giá dịch vụ đào tạo mà Bộ đề xuất, vậy Bộ có ý định rút lại tên mới không?
Đây không phải việc đổi tên. Quy định gọi là giá dịch vụ đào tạo là căn cứ theo luật Giá và nội hàm của quy định, còn tên gọi là chuyện khác.
Bộ trưởng có ngại phản ứng của dư luận không, nếu vẫn nhất quyết giữ cách gọi chi phí dịch vụ đào tạo là giá, thay vì gọi là học phí cho thuận?
Gọi học phí là do mọi người quen tai, là cách gọi truyền thống và mang nội hàm khác với giá dịch vụ đào tạo. Học phí không bao gồm tất cả các chi phí tạo ra dịch vụ đào tạo.
Trong thực tế, ngoài học phí còn có rất nhiều các khoản thu hợp pháp để phát triển trường. Từ nội hàm khác nhau giữa giá dịch vụ đào tạo và học phí, nên tên gọi phải khác nhau. Hai vấn đề không phải là một. Dự thảo luật vẫn đang giai đoạn Quốc hội họp bàn cho ý kiến, nhưng tôi xin nói lại là về nội hàm có sự khác nhau nên cần cân nhắc tên gọi cho thuận và phản ánh đúng bản chất. Đề xuất trong dự luật vẫn đang bàn. 
Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Trước đó, thẩm tra dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục đại học được trình Quốc hội sáng nay 30.5, Uỷ ban Văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội tán thành quan điểm tính đúng, tính đủ học phí, nhưng không nhất trí việc thay thuật ngữ học phí bằng giá dịch vụ đào tạo…
Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị cân nhắc sử dụng khái niệm học phí như quy định trong dự thảo luật.
Nhiều ý kiến của các thành viên Ủy ban đề nghị nghiên cứu quy định rõ nguyên tắc tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo cần thiết, làm căn cứ để xây dựng khung giá, mức giá cụ thể đối với các khoản thu dịch vụ đào tạo đối với các dịch vụ do nhà nước đặt hàng và cấp kinh phí thực hiện.
Ngoài ra, cơ quan thẩm tra lưu ý, cần quy định cơ chế giám sát, công khai, minh bạch trong tài chính đại học, để kiểm soát việc thu phí tương xứng với chất lượng dịch vụ đào tạo; quy định chính sách hỗ trợ người học để có thể tiếp cận với giáo dục đại học khi tăng mức học phí.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.