Bộ trưởng Nội vụ: Quy định văn bằng, chứng chỉ tồn tại nhiều điều vô lý

Vũ Hân
Vũ Hân
16/08/2019 07:00 GMT+7

Nhiều trường hợp từ chối thi tuyển viên chức, kêu cứu lên cấp trên để được xét tuyển đặc biệt vì sợ trượt ngoại ngữ, tin học; nhưng vẫn sẵn sàng nộp hồ sơ với đầy đủ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ.

Vấn đề xảy ra với hơn 2.000 giáo viên hợp đồng tại Hà Nội và cả nhiều địa phương khác đang cho thấy sự hình thức của các văn bằng, chứng chỉ vốn được cơ quan quản lý nhà nước đưa ra để “chuẩn hóa” lực lượng công chức, viên chức.
Ngày 15.8, Bộ Nội vụ đã phải triệu tập người làm công tác Nội vụ khắp các địa phương, bộ, ngành trên cả nước để tập huấn về Nghị định 161/2018 và Thông tư 03/2019 về vấn đề tuyển dụng công chức, viên chức. Rất nhiều câu hỏi đã được đặt ra vì hiện các địa phương đều vướng ở nhiều nội dung.
Một trong những nội dung lớn là vấn đề văn bằng, chứng chỉ với công chức, viên chức. Rất nhiều địa phương băn khoăn việc theo quy định mới, người dự tuyển chỉ cần nộp phiếu dự tuyển chứ không phải nộp hồ sơ, tức là chỉ cần kê khai mình có văn bằng chứng chỉ gì, chứ không cần nộp bản sao công chứng của các chứng chỉ đó.
Sau khi thí sinh trúng tuyển, việc kiểm tra văn bằng, chứng chỉ mới diễn ra, và nếu không đáp ứng đủ yêu cầu sẽ bị loại. Một số địa phương cho rằng, quy định như vậy sẽ sinh ra hồ sơ ảo và phát sinh các tình huống khó lường, như việc thí sinh khai chứng chỉ một đằng, nhưng khi nộp lại là chứng chỉ khác.
Đại diện Sở Nội vụ TP.HCM cho biết, hiện TP này đang gặp rất nhiều khó khăn khi xác minh văn bằng, chứng chỉ trước khi tuyển dụng. “Có những cơ sở đào tạo cấp chứng chỉ nay đã giải thể, chúng tôi không biết liên lạc với cơ sở nào để xác minh. Khi làm văn bản đề nghị Bộ Giáo dục - Đào tạo hướng dẫn, thì Bộ trả lời là đơn vị nào tiếp nhận hồ sơ giải thể của cơ sở đó thì nơi đó sẽ trả lời, mà chúng tôi cũng không biết đơn vị nào tiếp nhận hồ sơ giải thể. Một số trường hợp quá sốt ruột đợi xác minh đã thi chứng chỉ mới và đề nghị cho nộp chứng chỉ này, thì có được hay không?”, vị này đặt câu hỏi.
Vấn đề khác đặt ra là sự hình thức của các chứng chỉ, đặc biệt với tình huống đang xảy ra với các giáo viên hợp đồng của Hà Nội và nhiều địa phương khác, khi họ đáp ứng được các chứng chỉ về ngoại ngữ, tin học, nhưng công khai từ chối thi vì khẳng định mình sẽ trượt.
Việc xác nhận chứng chỉ theo khung mà Bộ Giáo dục - Đào tạo cũng như Bộ Thông tin - Truyền thông đã quy định cũng hết sức… trái ngang, khi chứng chỉ tiếng Anh loại B, C các trường đại học cấp từ năm 2010 - 2011 thì được chấp nhận, nhưng chứng chỉ IELTS từ 2016 thì không được chấp nhận, vì nó chỉ có thời hạn 2 năm.
Hay việc nhà báo đã có kinh nghiệm 20 năm làm việc, nhưng tốt nghiệp Trường đại học Luật thì sẽ phải đi thi lấy chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí. Thậm chí, GS đã dạy học suốt đời cũng phải thi chứng chỉ sư phạm.
Trao đổi với Thanh Niên bên lề hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân thừa nhận “vấn đề chứng chỉ rất phức tạp”, và tồn tại nhiều điều hết sức vô lý.
“Tiêu chuẩn, điều kiện chúng ta đã quy định, nhưng lại chưa có nơi đào tạo để cấp. Hiện nay, chúng ta đang áp dụng “linh hoạt”, để người ta tự xác nhận, cam kết, nhưng cũng không thể cam kết mãi. Chưa có nơi cấp chứng chỉ mà bắt người ta cam kết tôi thấy chỗ đó cũng hết sức vô lý. Tôi xin nợ cái này, tới đây chúng tôi sẽ làm việc với Bộ GD-ĐT. Đã quy định thì phải có nơi đào tạo để cấp chứng chỉ cho người ta. Không có thể nào quy định lại không mở lớp. Trong thời điểm chưa có đào tạo này, mình phải có cách nào đó. Chúng tôi cũng thấy là có vấn đề”, Bộ trưởng Tân nói.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.