Bộ trưởng KH-ĐT: Không có một chữ 'Trung Quốc' nào trong dự thảo luật 'Đặc khu'

Vũ Hân
Vũ Hân
06/06/2018 11:23 GMT+7

“Về sau lịch sử sẽ trả lời ở thời khắc quan trọng nhất ai là người chịu trách nhiệm trước sứ mệnh đất nước, chứ không phải nói cho sướng, không tư duy. Cái gì cũng sợ thì sẽ không làm được”, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT nói.

Bên hành lang phiên họp Quốc hội sáng nay 6.6, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng trao đổi với báo chí những vấn đề dư luận băn khoăn về dự án luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (đặc khu).
Dự án luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Bộ thiết kế đang trong tâm điểm của dư luận. Bộ trưởng có quan điểm gì trước những lo lắng của chuyên gia, người dân xung quanh dự án luật này?
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Cơ quan soạn thảo, thẩm tra, các chuyên gia cũng đã nói rất nhiều về dự án này. Quyền quyết định cuối cùng là Quốc hội.
Hiện dư luận có luồng ý kiến lo lắng về yếu tố Trung Quốc liên quan đến dự án luật này. Bộ trưởng lý giải sao về mối băn khoăn trên?
Dự thảo không có một từ, một chữ nào liên quan tới Trung Quốc. Chẳng qua một số người cố tình hiểu theo hướng đó, đẩy vấn đề lên để chia rẽ quan hệ giữa ta với Trung Quốc. Ở đây, (luật thiết kế) bình đẳng trong môi trường chung, bình đẳng giữa tất cả thành phần kinh tế, giữa các nước trong môi trường hội nhập quốc tế. Mọi người đang đẩy chuyện này lên và sợ Trung Quốc thế này, thế kia; nhưng ở đây là bình đẳng, không phân biệt, không ai có thể vào đây làm việc gì trong chủ quyền đất nước ta cả. Mọi người cần bình tĩnh xem xét.
Với tư cách ban soạn thảo, chúng tôi lắng nghe, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo thế nào, chúng tôi sẽ chỉnh sửa. Về quan điểm của ban soạn thảo, chúng tôi đã nói quá nhiều. Mọi người hiện đang hiểu sai, có người cố tình đẩy câu chuyện đi xa.
Có người không hiểu thì chúng tôi đã giải thích, nói đúng thì các cơ quan cầu thị lắng nghe, tiếp thu; cái gì chưa rõ thì giải trình. Còn có những người cố tình đẩy câu chuyện này lên để phá hoại.
Chúng ta phải hết sức khách quan. Về sau lịch sử sẽ trả lời ở thời khắc quan trọng nhất, ai là người chịu trách nhiệm trước sứ mệnh đất nước, chứ không phải nói cho sướng, không tư duy. Cái gì cũng sợ thì sẽ không làm được.
Năm 1988, ông Đặng Tiểu Bình (người khai sinh mô hình đặc khu tại Trung Quốc - phóng viên) đã nói “Thôi, hãy làm đi. Không bàn nữa”. Năm 1992, ông Đặng Tiểu Bình lại nhắc lại: “Hãy làm đi. Không bàn nữa”. Câu nói này hiện được khắc đá ở đặc khu Thẩm Quyến.
Cái gì hay chúng ta phải học. Trung Quốc hay mình cũng phải học, không câu nệ ai. Chúng ta là nước độc lập, có chủ quyền, có tư duy, trí tuệ. Là nước độc lập hẳn hoi, sao cái gì cũng sợ? Nhiều nước không muốn mình phát triển, không muốn mình đổi mới, cải cách. Hãy nhớ điều đó.
Giữa rất nhiều sóng gió liên quan đến dự án luật này, quan điểm của Bộ trưởng ra sao?
Tôi rất tâm huyết với nó. Chúng tôi trân trọng lắng nghe ý kiến khác nhau, tiếp thu. Ví dụ làm sao thiết kế luật để chặt chẽ, xóa các kẽ hở có thể tạo điều kiện cho lách luật… thì đúng. Còn đẩy theo chiều hướng thế này, thế kia, sợ thế này, thế kia, thì mắc mưu của người ta rồi. Người ta không muốn mình phát triển, cải cách, đổi mới; mà muốn mình loay hoay, không bứt lên được. Bây giờ mạnh dạn phải làm, làm đi. Trong quá trình làm, thận trọng là đúng, nhưng không có nghĩa vì vậy mà dừng. Còn cái gì cần thiết kế chặt chẽ thì xem xét thiết kế cho chặt hơn.
Đơn cử như việc cho thuê đất 99 năm?
Phương án cụ thể như thế nào sẽ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định. Theo tôi, phải thiết kế chặt chẽ hơn, thế nào là đặc biệt, thật đặc biệt, thế nào mới được phép (thuê đất 99 năm). Thứ hai, quy trình (xét duyệt) phải chặt chẽ, thẩm quyền quyết định phải cao hơn, có thể đưa lên Quốc hội quyết.
Nhiều chuyên gia cho rằng, thiết kế về thể chế, môi trường kinh doanh trong dự luật chưa đủ hấp dẫn để thành công, mà thiên về ưu đãi đất đai, thuế? Bộ trưởng nghĩ sao trước nhìn nhận này?
Luật thiết kế thể chế, môi trường là quan trọng nhất. Trong 85 điều thì 25 điều điều chỉnh thể chế, môi trường kinh doanh. Ưu đãi phải có, nhưng ở mức hợp lý, đã điều chỉnh giảm rất nhiều từ kỳ họp thứ 4 sang kỳ họp thứ 5, hiện nay gần như không có gì nữa rồi. Hiện, dự thảo luật thiết kế theo hướng tạo môi trường minh bạch, thuận lợi, bình đẳng.
Theo Bộ trưởng, có nên chăng chúng ta thí điểm ở một đặc khu, đúc rút kinh nghiệm thành công rồi mới nhân rộng?
Việc này do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định. Phải hết sức khách quan, công tâm, trí tuệ, bản lĩnh, chứ không nên nói theo hướng tiêu cực, dẫn dắt sai dư luận xã hội, thì về sau chúng ta sẽ có lỗi với lịch sử.
Đại biểu cũng cảnh báo giữa phát triển kinh tế và quốc phòng an ninh thì không nên ưu tiên kinh tế mà đánh đổi vế còn lại. Điều này đã được đảm bảo khi thiết kế luật ra sao?
Trong thiết kế luật có điều khoản nào nói đánh đổi hay không? Nguyên tắc số một khi thiết kế luật này: không ảnh hưởng tới quốc phòng an ninh, chủ quyền quốc gia, môi trường, người dân. Nguyên tắc đầu tiên, cơ bản và quan trọng bậc nhất khi thiết kế luật này là không được cao hơn Hiến pháp, và không ảnh hưởng 4 yếu tố trên.
Các dự án phải nằm trong quy hoạch. Các quy hoạch đó không được xâm phạm tới an ninh quốc gia, môi trường, người dân, chủ quyền. Dự án phải có mục tiêu và ta quản theo dự án, quy hoạch, mục tiêu nên không sợ gì. Họ làm sai quy hoạch thì ta không cho, sai mục tiêu thì ta không cho. Họ không làm thì ta thu hồi đất. Những điều này đều có luật pháp điều chỉnh. Chúng ta không có điều khoản nào nói là đánh đổi. Thận trọng là đúng, nhưng tinh thần luật không phải vậy, nên dư luận không nên nghĩ theo chiều hướng này.
Bộ trưởng nghĩ sao về câu chuyện di dân từ nước ngoài vào khi thực thi luật này, như đại biểu Quốc hội cảnh báo?
Luật Nhà ở đã quy định anh không thể di dân, không thể mua đất được. Không phải dễ gì họ di dân sang.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.