Bộ trưởng GTVT: 'Phải chỉ định thầu BOT vì ít nhà đầu tư quan tâm'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
04/06/2018 10:57 GMT+7

Đại biểu Quốc hội chất vấn về hiện tượng hầu hết các dự án hạ tầng kỹ thuật đều là chỉ định thầu. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ phải chỉ định thầu do không có nhà thầu tham gia.

Đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể tại phiên chất vấn tại Quốc hội sáng 4.6, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) nêu vấn đề, nhiều cử tri là doanh nghiệp trong và ngoài nước phản ánh, ở một số địa phương chỉ 1 - 2 doanh nghiệp và công ty con của doanh nghiệp đó được giao rất nhiều dự án hạ tầng kỹ thuật thông qua chỉ định thầu, hoặc đấu thầu nhưng có hiện tượng dàn xếp mà họ không cạnh tranh được.
"Hiện tượng này kéo dài nhiều năm, tổng cộng giá trị lên tới nhiều chục ngàn tỉ đồng. Tình trạng độc quyền này khiến việc cạnh tranh vô hiệu, nhiều dự án bị kéo dài, đội vốn, có dự án lên tới 36 lần, gây lãng phí. Có việc này hay không, quan điểm và giải pháp?", ông Nghĩa đặt câu hỏi.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định trong thời gian qua, không có dự án nào Bộ GTVT không tổ chức đấu thầu, không có dự án nào không công khai trên trang web đấu thầu của Bộ Kế hoạch - Đầu tư theo đúng quy định. Tuy nhiên, theo ông Thể, thời gian vừa qua, Bộ tổ chức rất nhiều dự án BOT, nên nhiều nhà đầu tư chưa làm được thủ tục tham gia, cũng ít nhà đầu tư quan tâm.
"Chính vì chỉ có 1 nhà đầu tư quan tâm nên Bộ GTVT không thể nào tổ chức đấu thầu. Một số dự án, chúng tôi kéo dài thời gian nhận hồ sơ nhưng không có nhà đầu tư. Căn cứ vào luật, vẫn cho phép Bộ GTVT chỉ định thầu nếu có 1 nhà thầu tham gia", ông Thể cho hay, và nói thêm, vì bức xúc của địa phương mong muốn có hạ tầng, bà con trông chờ nhưng không có nhà đầu tư tham gia thì chẳng lẽ để như thế.
"Chúng tôi phải chỉ định thầu theo quy định. Đây là phương án bắt buộc, vì không có từ 2 nhà đầu tư trở lên. Việc này đã được Thanh tra Chính phủ và các cơ quan chức năng như Bộ Kế hoạch - Đầu tư giám sát chặt chẽ", ông Thể nói thêm.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa Ảnh Quochoi.vn
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ GTVT thừa nhận việc một số dự án kéo dài gây lãng phí trên thực tế là có. "Khi đấu thầu, các nhà thầu đều mong muốn có nhiều dự án, tham gia nhiều dự án, do đó, một số nhà thầu trúng nhiều dự án rải rác ở các địa phương nhưng năng lực tài chính không đáp ứng tại cùng một thời điểm, dẫn đến một số công trình dự án chậm, gây lãng phí", ông Thể cho hay.
Bộ trưởng cũng khẳng định Bộ GTVT giao ban hàng tháng, hàng quý, thậm chí hàng tuần để kiểm tra giám sát tiến độ thực hiện của các nhà thầu, với hy vọng dự án hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, tránh gây lãng phí.
Một số dự án BOT và BT có thất thoát lớn?
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đặt vấn đề: việc xét duyệt dự toán, quyết toán, đặt trạm thu phí và phê duyệt thời gian thu phí trong các dự án BOT; việc định giá công trình hạ tầng và đất bất động sản đổi cho nhà đầu tư trong dự án BT vốn có ý nghĩa quyết định đến hiệu quả đầu tư và chống tham nhũng tiêu cực, tuy nhiên, cử tri nghi vấn một số dự án BOT và BT có thất thoát lớn. Đề nghị Chính phủ cho biết đã kiểm tra, xử lý như thế nào và giải pháp sắp tới là gì?
Trước chất vấn này, Bộ trưởng Thể cho biết, việc thực hiện quyết toán, phê duyệt thời gian thu phí... đều đúng quy định của pháp luật. Mặc dù trách nhiệm của Bộ GTVT là thẩm tra dự toán và phê duyệt luôn, nhưng trong thời gian vừa qua, Bộ GTVT đề nghị Bộ Xây dựng tham gia thẩm tra dự toán của các dự án. Bên cạnh đó, các quy định về vị trí, mức thu của các dự án BOT đều có sự giám sát chặt chẽ.
Về giải pháp lâu dài, ông Thể cho hay, sau khi dự án thực hiện rồi, Bộ GTVT sẽ tiến hành lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật dự toán, phê duyệt hồ sơ dự toán của hồ sơ thiết kế kỹ thuật để gần sát với việc triển khai. "Làm sao dự toán của hồ sơ thiết kế kỹ thuật gần với thực tế triển khai và tránh tình trạng phê duyệt dự toán thì cao, ký hợp đồng cao nhưng thực tế thu thì thấp", ông Thể nói.
Giơ biển tranh luận, ông Trương Trọng Nghĩa dẫn lại báo cáo của Kiểm toán nhà nước được báo chí đăng tải cho hay, trong năm 2017 có 17 dự án đầu tư theo hình thức BOT thì đều là chỉ định thầu, giảm sự cạnh tranh, tiềm ẩn nhiều rủi ro chọn nhà đầu tư không đủ năng lực.
"Điều chúng tôi hỏi ở đây là Kiểm toán Nhà nước đã nêu rồi, xin Bộ trưởng cho biết, chúng ta xử lý việc này thế nào và chừng nào xử lý? Bởi vì các dự án dính tới hàng ngàn tỉ đồng ngân sách, đều là tiền nhân dân", ông Nghĩa nêu. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.