Bộ trưởng GT-VT: Làm cảng hàng không lớn như Long Thành không bao giờ sợ lỗ

Anh Vũ
Anh Vũ
24/10/2019 19:28 GMT+7

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, vì không bao giờ lỗ nên sân bay Long Thành được các quỹ đầu tư và ngân hàng lớn sẵn sàng rót vốn cho vay với lãi suất khá mềm.

Chiều 24.10, Quốc hội nghe Chính phủ báo cáo nghiên cứu khả thi về dự án Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành giai đoạn 1.
Theo tờ trình, giai đoạn 1 của dự án sẽ đầu tư 1 đường băng và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ, với công suất 25 triệu hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Tổng mức đầu tư theo phương án kiến nghị 111.689 tỉ đồng (tương đương 4,779 tỉ USD). Chậm nhất đến năm 2025 sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác.
Trong lần trình này, Chính phủ đề nghị QH ban hành nghị quyết cho phép điều chỉnh thêm diện tích đất giai đoạn 1 từ 1.165 ha lên 1.810 ha; chấp thuận mở thêm 2 tuyến đường bộ kết nối vào sân bay với tổng vốn 4.802 tỉ đồng… Và một nội dung đặc biệt quan trọng, là xin QH cho ý kiến “chỉ định thầu” cho Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) và TCT Quản lý bay Việt Nam (VATM) trực tiếp đầu tư dự án.
Cụ thể, ACV sẽ lo các hạng mục thiết yếu của cảng, công trình phụ trợ… với tổng mức đầu tư hơn 4,6 tỉ USD (khoảng 108.233 tỉ đồng), còn VATM lo các công trình quản lý bay (đài chỉ huy, nhà điều hành bay…) tổng mức đầu tư 147,9 triệu USD (tương đương 3.457 tỉ đồng).
Lý do “chọn mặt gửi vàng” cho 2 doanh nghiệp nhà nước này, theo Bộ trưởng GTVT, VATM là doanh nghiệp duy nhất được cung cấp dịch vụ quản lý, điều hành hoạt động bay tại Việt Nam; trong khi ACV hiện quản lý 21 sân bay, có đủ kinh nghiệm để quản lý.
“Ngoài ACV ra thì không doanh nghiệp nào đủ điều kiện quản lý sân bay để tổ chức đấu thầu”, ông Thể nói thêm khi thảo luận tại tổ chiều 24.10.
Giải trình cụ thể hơn vấn đề này, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, ACV hiện có 25.000 tỉ đồng tiền mặt đang gửi ngân hàng, năm 2018 lãi 7.000 tỉ đồng, cộng với tài sản 3.000 tỉ đồng tại 24 sân bay cả nước… Tổng thu của ACV vào khoảng 75.000 tỉ đồng.
Trong 2,6 tỉ USD vốn vay, theo ông Thể, đã có một số quỹ ngoại sẵn sàng cho vay, không cần Chính phủ bảo lãnh. Ngoài ra, ngân hàng cũng sẵn sàng cho vay lãi suất thấp 1-2%/năm.
Các cảng hàng không quốc tế lớn không bao giờ lỗ nên họ sẵn sàng cho vay”, Bộ trưởng Thể khẳng định, và nói thêm nếu không chỉ định thầu cho ACV mà phải đấu thầu sẽ bị chậm thêm 1 năm rưỡi, tức sau 2022 mới có thể khởi công, thay vì 2021 như kế hoạch, trong khi, sân bay Tân Sơn Nhất đang quá tải nghiêm trọng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.