Bộ trưởng Công thương: Đã phát hiện vụ 1,8 triệu tấn nhôm từ 2015 - 2017

Anh Vũ
Anh Vũ
06/11/2019 16:19 GMT+7

Theo Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh, 1,8 triệu tấn nhôm trị giá 4,3 tỉ USD đã được Bộ này phát hiện và kiểm tra trong giai đoạn 2015 - 2017 và đã báo cáo Chính phủ.

Chiều 6.11, Quốc hội bước sang phần chất vấn đối với Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh xoay quanh các vấn đề điều tiết điện lực, năng lượng tái tạo, hoạt động xúc tiến thương mại; phòng, chống gian lận thương mại…
Đại biểu Phương Thị Thanh (Bắc Kạn) mở đầu chất vấn Bộ trưởng Tuấn Anh với câu hỏi liên quan tới gian lận xuất xứ sau những ồn ào của Asanzo; và vụ 1,8 triệu tấn nhôm nhập vào Việt Nam vừa qua.
Theo đại biểu Thanh, tình trạng gian lận xuất xứ, hàng giả nhãn, mác Việt Nam để gian lận thương mại đã cảnh báo từ lâu nhưng chậm được phát hiện và xử lý. “Nguyên nhân ở đây là gì và trách nhiệm, giải pháp của Bộ trưởng như thế nào?”, nữ đại biểu này chất vấn.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, trong xu hướng hội nhập sâu rộng, các hiệp định thương mại tạo ưu đãi thuế quan giúp doanh nghiệp Việt mở rộng, thâm nhập thị trường. Hàng loạt quốc gia ký kết hiệp định thương mại FTA, EVFTA; Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mang lại cơ hội cho Việt Nam tăng cường xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Tuy nhiên, đi liền với các kết quả, thành tựu trên cũng đã xuất hiện dấu hiệu các sản phẩm đội lột xuất xứ Việt Nam. Cụ thể, ngay từ năm 2016-2017, Bộ Công thương và Chính phủ đã nhận thức nguy cơ này, đặc biệt vụ nhập khẩu của một doanh nghiệp nhôm ở Bà Rịa - Vũng Tàu dùng nguyên liệu nhôm đùm, nhôm thỏi để xuất khẩu đi.
Bộ trưởng Tuấn Anh khẳng định ngay từ thời điểm đó, thông qua thông tin có được, Bộ Công thương đã báo cáo Chính phủ, tổ chức đoàn đi kiểm tra. Sau đó, Chính phủ giao Tổng cục Hải quan giám sát chặt chẽ, không cho gian lận xuất xứ.

Kho chứa nhôm tại Vũng Tàu

Ảnh T.P

“Ngoài ra, những sản phẩm thiết bị điện tử, máy tính, dệt may, gia dày, gỗ dán và sản phẩm gỗ… cũng có dấu hiệu bị lợi dụng, gian lận thương mại, chuyển tải bất hợp pháp lẩn tránh thuế phòng vệ của Mỹ và EU. Bộ đã chủ động báo cáo Chính phủ xử lý vấn đề này. Thủ tướng vừa thông qua Quyết định 824, tập trung đấu tranh gian lận thương mại, gồm 5 nhóm nhiệm vụ chính giao cho các bộ, ngành”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói, và cho biết thêm dù xuất khẩu vào Hoa Kỳ tăng đột biến trong thời gian qua, song Chính phủ chỉ đạo chủ động chống gian lận xuất xứ, giữ được quan hệ thuận lợi thương mại với Hoa Kỳ và kể cả các quốc gia khác.
Trước đó, như Thanh Niên đã đưa, về 1,8 triệu tấn nhôm trị giá 4,3 tỉ USD được một doanh nghiệp tại Bà Rịa - Vũng Tàu nhập vào Việt Nam, theo Hải quan, là của Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu Việt Nam.
Theo tìm hiểu, năm 2011, Nhôm Toàn Cầu Việt Nam được cấp phép thành lập doanh nghiệp, do 2 người mang quốc tịch Úc (gốc Trung Quốc) là ông Jacky Cheung (sở hữu 10%) và ông Wang Tong (90%) góp vốn làm chủ đầu tư tại Khu công nghiệp Mỹ Xuân B1 - Conac, xã Mỹ Xuân, H.Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Lượng nhôm này đang được hải quan giám sát chặt chẽ tại các kho bãi ở Vũng Tàu
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.