Bộ trưởng Công an: Quyền của phạm nhân phải phù hợp khả năng đáp ứng của nhà nước

Lê Hiệp
Lê Hiệp
10/01/2019 14:37 GMT+7

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, nhiều cử tri phản ánh với ông quy định về quyền của phạm nhân như dự thảo luật Thi hành án hình sự sửa đổi là quá cao trong điều kiện đất nước hiện nay.

Sáng 10.1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên họp thứ 30 để cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của luật Thi hành án hình sự sửa đổi trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp 6 vừa qua.
Theo báo cáo của cơ quan chủ trì thẩm tra dự thảo luật, do Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày, về quyền, nghĩa vụ của phạm nhân, dự thảo luật quy định 9 nhóm quyền mà phạm nhân được hưởng trong quá trình chấp hành án phạt tù. Ngoài ra, điểm k, khoản 1, điều 27 còn quy định phạm nhân được hưởng các quyền khác của công dân nếu không bị hạn chế bởi luật này và luật khác có liên quan, trừ trường hợp các quyền đó không thể thực hiện được do họ đang chấp hành án tại trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ.
Bà Nga cho biết, về vấn đề này, đại biểu Quốc hội có 2 loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất tán thành dự thảo, nhưng đề nghị rà soát thể hiện lại quy định tại điểm k, khoản 1 để bảo đảm việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của phạm nhân phải phù hợp với khả năng đáp ứng của nhà nước.
Trong khi đó, loại ý kiến thứ 2 đề nghị bỏ điểm k, khoản 1 và quy định cụ thể ngay trong luật việc phạm nhân được hưởng những quyền gì và bị hạn chế những quyền gì.
Bà Nga cho biết, Ủy ban Tư pháp nhận thấy, đối với phạm nhân, do họ bị cách ly khỏi xã hội, bị hạn chế quyền tự do đi lại nên có một số quyền công dân khác sẽ khó bảo đảm thực hiện được đầy đủ.
Mặt khác, ngoài những quyền cơ bản, thiết yếu (như quyền được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe; bảo đảm chế độ ăn, mặc, ở, thăm gặp; quyền lao động, học tập, học nghề...) cần phải được thực hiện tốt, thì một số quyền khác đối với phạm nhân còn phụ thuộc nhiều vào điều kiện kinh tế - xã hội, khả năng đáp ứng của nhà nước (như quyền kết hôn, quyền sinh con, quyền được gửi, lưu giữ trứng, tinh trùng...)
Từ đó, Ủy ban Tư pháp cho rằng, việc cụ thể hóa quyền con người theo quy định của Hiến pháp đối với phạm nhân là cần thiết nhưng phải có bước đi phù hợp, để bảo đảm tính khả thi, bảo đảm khả năng đáp ứng của nhà nước, tránh hình thức.
Do vậy, Ủy ban Tư pháp đề nghị quy định cho phạm nhân được hưởng các quyền khác của công dân, trừ trường hợp việc thực hiện quyền đó ảnh hưởng đến chế độ quản lý giam giữ, chế độ giáo dục cải tạo của phạm nhân theo quy định của luật này.

Người nghèo 1 tháng không được 17 kg gạo, 15 kg rau như phạm nhân

Trao đổi thêm tại phiên họp, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho rằng, đối với các phạm nhân bị cách ly ra khỏi xã hội, hạn chế quyền tự do, nhất là tự do đi lại, nên một số quyền công dân khác khó lòng thực hiện được.
“Có ý kiến nói rằng giỗ bố, giỗ mẹ phạm nhân có được về không? Hay cưới con, cưới cháu có được về không? Theo luật thì không có việc ấy nhưng chẳng hạn những trường hợp cải tạo tốt thì có được phép hay không?”, ông Lâm nêu.
Bên cạnh đó, ông Lâm cũng cho rằng, một số quyền công dân, quyền đã được Hiến pháp quy định nhưng vi phạm luật Thi hành án hình sự thì cũng không được, chẳng hạn như quyền sinh con, hiến tạng, gửi, lưu giữ trứng, tinh trùng… “Khi đang thực hiện giam giữ, cải tạo thì không thể thực hiện những quyền ấy”, ông Lâm nói thêm.
Bộ trưởng Bộ Công an cũng cho biết, vừa qua sau khi dự thảo luật được thảo luận tại Quốc hội, ông nhận được phản ánh của cử tri cho rằng, trong điều kiện đất nước như hiện nay mà quy định về quyền của phạm nhân như vậy là quá cao.
“Người ta nói ở quê tôi người dân bình thường lao động cần cù đang rất nghèo, không được 1 tháng 17 kg gạo, 15 kg rau và bao nhiêu thịt, bao nhiêu đường, quần áo... Thế nhưng những người đi tù còn được chế độ rất cao như thế”, ông Lâm cho hay, và đề nghị quy định của luật phải tính tới điều kiện kinh tế - xã hội, khả năng đáp ứng của nhà nước để khả thi.
“Có người nói như thế này thì đi tù còn hơn. Thành ra có người cố gây ra điều gì đó để được xử tù. Điều đó thực tế là có và sẽ gây nhiều khó khăn về mặt xã hội”, ông Lâm cảnh báo, và cho biết khi nhận được những phản ánh này, bản thân ông rất suy nghĩ.
Cuối cùng, Bộ trưởng Công an đề nghị giữ phương án như dự thảo của Chính phủ trình, nhưng có rà soát, chỉnh lý theo phương án mà Ủy ban Tư pháp đề nghị, để đảm bảo chặt chẽ, phù hợp với thực tiễn hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.