Bộ TN-MT nhận lỗi diễn đạt khó hiểu về sổ đỏ

28/11/2017 06:39 GMT+7

Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ TN-MT ngày 27.11, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa thừa nhận trong quá trình xây dựng, ban hành Thông tư 33 đã có lỗi diễn đạt khó hiểu về ghi tên các thành viên vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) gây xôn xao dư luận gần đây.


“Quy định ghi tên sổ đỏ trong Thông tư 33 mang tính sửa đổi kỹ thuật trong ngành. Người trong ngành đọc thì hiểu rất nhanh, nhưng người dân thì khó hiểu. Bộ cần rút kinh nghiệm về việc này để công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật gần gũi đời sống, dễ hiểu hơn”, Thứ trưởng Hoa nói và cho biết nội dung sửa đổi, bổ sung về quy định ghi tên trên sổ đỏ nhằm hướng dẫn chi tiết hơn về cách ghi tên người sử dụng đất trên sổ đỏ đối với trường hợp quyền sử dụng đất của chung hộ gia đình. Với đối tượng sử dụng đất còn lại (như của cá nhân, của vợ và chồng...) thì vẫn áp dụng theo quy định hiện hành.
Thứ trưởng Hoa khẳng định quy định như vậy sẽ chặt chẽ về mặt pháp lý, cụ thể hơn về mặt chủ thể có quyền sử dụng đất, giảm những rủi ro cho người sử dụng đất, minh bạch về tài sản.

tin liên quan

Sổ đỏ ghi tên cả gia đình
Thay vì chỉ ghi tên chủ hộ, theo quy định mới từ ngày 5.12.2017, cả gia đình sẽ đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ).
Cũng tại cuộc họp báo, ông Hoàng Văn Thức, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, cho biết sau vụ Formosa xả thải gây ô nhiễm biển 4 tỉnh miền Trung hồi tháng 4.2016, Bộ TN-MT đã rà soát, đánh giá tồn tại, bất cập tại văn bản, quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.
Đặc biệt, Bộ đã lập đề án kiểm soát đặc biệt đối với các cơ sở sản xuất tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm cao. Đề án này sẽ thực hiện các biện pháp kiểm soát đặc biệt với các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm cao theo 2 cách. Một là lập một danh mục các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm cao để kiểm soát đặc biệt với nhiều giải pháp tổng thể như với Formosa hiện nay. Hai là kiểm soát thường xuyên theo chương trình công tác hằng năm để có biện pháp kịp thời. Các nhóm ngành nghề được đưa vào đề án này: sản xuất thép, dệt nhuộm, khai thác khoáng sản đa kim, doanh nghiệp có lượng xả thải lớn.
“Theo danh sách hiện nay có 28 cơ sở thuộc diện kiểm soát đặc biệt. Tất nhiên Formosa Hà Tĩnh nằm trong danh sách này. Bên cạnh đó có bauxite Tây nguyên, khai thác quặng đa kim như Núi Pháo ở Thái Nguyên… Nhóm 28 cơ sở này sẽ do Bộ TN-MT chủ trì, phối hợp với các bộ và địa phương giống như kiểm soát với Formosa hiện nay”, ông Thức nói. Cũng theo ông Thức, đề án còn có danh sách khoảng 300 cơ sở sản xuất, dự án được kiểm soát ở mức thấp hơn. Nhóm này sẽ do các tỉnh triển khai kiểm tra, giám sát để đôn đốc thực hiện về bảo vệ môi trường.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.