Bó tay với lò mổ lậu

06/11/2018 08:39 GMT+7

Vẫn còn nhiều lò mổ lậu tồn tại trên địa bàn Đồng Nai dù cơ quan chức năng theo dõi và bắt giữ khắp nơi.

Kiểm tra một lò mổ heo nổi tiếng ở huyện Thống Nhất vào ngày 28.8.2018 - Video tư liệu
Bị xử phạt liên tục vẫn hoạt động
Ngày 5.11, Đội kiểm vệ sinh thú y, kiểm dịch động vật H.Thống Nhất (Đồng Nai) cho biết đang xin ý kiến Sở NN-PTNT và UBND tỉnh Đồng Nai về hướng xử lý đối với cơ sở giết mổ lậu của ông Trần Thanh Hoàng (xã Gia Kiệm, H.Thống Nhất).
Trước đó, vào rạng sáng ngày 2.11, đơn vị này kiểm tra và bắt quả tang cơ sở của ông Hoàng đang giết mổ heo lậu quy mô lớn. Cụ thể, lực lượng chức năng phát hiện có 5 nhân công đang thực hiện giết mổ 11 con heo (khoảng 100kg/con). Thịt heo sau giết mổ được để vương vãi trên trên nền nhà dơ bẩn, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Điều đáng nói, đây là là thứ 7 trong vòng hơn một năm qua, ông Trần Thanh Hoàng bị các cơ quan chức năng của H.Thống Nhất phát hiện và bắt quả tang về hành vi giết mổ heo lậu. Mỗi lần bị bắt ông lại thay đổi địa điểm giết mổ để trốn tránh lực lượng chức năng.
Xử phạt quá nhẹ nên không ai sợ
Đó là quan điểm của Đinh Hữu Tài, Phó phòng Nông nghiệp H.Thống Nhất tại một buổi hội thảo để tìm giải pháp xử lý nạn giết mổ lậu do Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai tổ chức mới đây. Ông Tài chỉ ra nguyên nhân của việc lò mổ lậu vẫn tồn tại vì chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe, lợi nhuận từ mổ lậu cao gấp nhiều lần tiền đóng phạt nên họ sẵn sàng đóng phạt và vẫn duy trì hoạt động.
“Để bắt quả tang các cơ sở giết mổ lậu rất khó khăn, tốn nhiều thời gian, công sức, nhưng xử phạt lại quá nhé nên không ai sợ, các lò vẫn hoạt động sau khi bị phạt”, ông Tài phát biểu.
Đồng quan điểm, đại úy Bùi Trường Sơn (Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh Đồng Nai), cho hay vừa qua đơn vị phối hợp với lực lượng chức năng H.Thống Nhất bắt quả tang một cơ sở chuyên giết mổ heo bệnh, heo chết ở H.Thống Nhất. “Đây là hành vi vô cùng nguy hiểm nhưng sau khi nghiên cứu luật chúng tôi chỉ có thể xử phạt hành chính chứ không khởi tố vụ án để xử lý hình sự được. Vài hôm sau, khi quay lại kiểm tra thì việc giết mổ lại tiếp tục diễn ra”, đại úy Sơn nói.
Theo ông Huỳnh Thành Vinh, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai những vướng mắc nêu trên sẽ được sở này trình lên UBND tỉnh và T.Ư xin ý kiến, tìm giải pháp căn cơ, giải quyết triệt để tình trạng giết mổ lậu.
Lò mổ lậu giết chết lò mổ hiện đại
Theo ông Nguyễn Trường Giang, Phó chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Nai, hiện toàn tỉnh có 75 cơ sở giết mổ được cấp phép hoạt động, trong đó 37 cơ sở giết mổ nằm trong quy hoạch. Về giết mổ lậu, tính đến tháng 9.2018, lực lượng chức năng ghi nhận 44 điểm giết mổ lậu (tăng 11 điểm so với tháng 8.2017 và tăng 4 điểm so với tháng 3.2018). Trong năm 2017 và 9 tháng đầu năm 2018, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã phối hợp với các các đơn vị liên quan bắt quả tang 57 trường hợp giết mổ lậu, phạt hành chính số tiền 647 triệu đồng. “Việc tồn tại các điểm giết mổ lậu là nguy cơ làm lây lan dịch bệnh, mất an toàn vệ sinh an toàn thực phẩm, không đảm bảo vệ sinh môi trường. Ngoài ra, còn gây khó khăn cho quá trình sắp xếp giết mổ theo kế hoạch, khó kêu gọi nhà đầu tư, vì đầu tư xây dựng xong không ai đưa vào giết mổ dẫn đến thua lỗ”, ông Giang cho hay.
Còn bà Nguyễn Thị Thu Hoàng, Giám đốc Ban quản lý dự án Lifsap Đồng Nai đưa ra dẫn chứng “Tại 15 lò mổ của chúng tôi được thiết kế công suất giết mổ 3.710 con/ngày nhưng thực tế chỉ đạt 1.505 con/ngày, đạt 40,6%”. Tương tự, ông Trương Thúy Thượng, Chủ lò mổ Hoàng Thị Liêm (xã Vĩnh Thạnh, H.Nhơn Trạch) bức xúc: “Chúng tôi đầu tư cả chục tỷ đồng xây dựng lò mổ tập trung hiện đại, đầy đủ trang thiết bị với công suất hoạt động giết mổ 400 - 500 con heo/ngày. Nhưng do trên địa bàn có rất nhiều lò mổ lậu hoạt động nên ít ai mang heo vào lò mổ của chúng tôi. Mỗi ngày lò chỉ mổ khoảng 50 con, thua lỗ triền miên, nếu sắp tới tình trạng ngày vẫn tiếp diễn chúng tôi xin đóng cửa lò mổ chứ không kham nổi chi phí”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.