Bộ Ngoại giao nói về việc Mỹ chỉ trích hành động của Trung Quốc trên Biển Đông

Vũ Hân
Vũ Hân
04/10/2018 17:41 GMT+7

Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều nay 4.10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao đã lên tiếng về việc Phó tổng thống Mỹ Mike Pence chỉ trích hành động được cho là đe dọa của Trung Quốc trên Biển Đông .

Trước đó, hồi đáp đề nghị bình luận về việc tàu của Mỹ vừa có chuyến tuần tra bảo vệ tàu hàng hải gần Gạc Ma và việc tàu Trung Quốc áp sát tàu Mỹ, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết:
“Một lần nữa chúng tôi khẳng định chủ quyền của Việt Nam với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Với tư cách là quốc gia thành viên của Công ước Liên hợp quốc về luật Biển 1982 (UNCLOS 1982) và một quốc gia ven Biển Đông, Việt Nam luôn tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không ở biển Đông, phù hợp với UNCLOS 1982”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng nhấn mạnh: Việt Nam đề nghị các nước có đóng góp tích cực và thiết thực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, tôn trọng và thực hiện các nghĩa vụ pháp lý liên quan; thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương.
Bình luận về việc Phó tổng thống Mỹ Mike Pence chỉ trích hành động trên của Trung Quốc và tuyên bố Mỹ sẽ không lùi bước trước hành động được cho là đe dọa của Trung Quốc; việc từ ngày 2.10, quân đội 5 nước bao gồm Australia, New Zealand, Singapore, Malaysia và Anh bắt đầu tập trận bắn đạn thật ở Biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết Việt Nam luôn theo sát sự kiện xảy ra trên Biển Đông, và tiếp tục nhấn mạnh thông điệp: “Duy trì hòa bình ổn định, an ninh an toàn tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông vừa là lợi ích, vừa là trách nhiệm của các nước trong và ngoài khu vực. Các quốc gia cần có trách nhiệm đóng góp một cách xây dựng và tích cực vào mục tiêu chung này, trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế”.
Tương tự, đối với sự việc ngày 28.9, Trung Quốc điều động máy bay chiến đấu để tập trận bắn đạn thật tại Biển Đông, bà Lê Thị Thu Hằng một lần nữa nhấn mạnh việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông là nghĩa vụ, trách nhiệm, đồng thời là lợi ích của các nước trong và ngoài khu vực.
“Hoạt động của các bên ở biển Đông cần thực hiện trên cơ ở tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) giữa Trung Quốc và ASEAN, đóng góp tích cực vào hòa bình và ổn định ở biển Đông và trong khu vực”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nói.
Trả lời đề nghị bình luận về vai trò hợp tác quốc phòng trong quan hệ Việt - Mỹ, đặc biệt khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis và trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng chuẩn bị có chuyến thăm Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng cho biết chưa nghe thông tin về chuyến thăm này, nhưng khẳng định quan hệ hợp tác đối tác toàn diện Việt Nam - Mỹ đang tiếp tục phát triển trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có hợp tác an ninh quốc phòng và giải quyết hậu quả chiến tranh, trên tinh thần bản ghi nhớ về thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương ký 2011; Tuyên bố tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng năm 2015 và Kế hoạch hành động về hợp tác QP Việt Nam - Mỹ giai đoạn 2018 - 2020”.
Tại cuộc họp báo, PV hãng thông tấn AFP (Pháp) cũng đặt câu hỏi về việc Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam vừa nhất trí giới thiệu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Chủ tịch nước, đề nghị Việt Nam cho biết động thái này có tác động thế nào đến chính sách ngoại giao, cũng như quan hệ của Việt Nam với các nước khác cũng như Trung Quốc không?
Trả lời câu hỏi, người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết: Việc tại hội nghị lần thứ 8, Ban chấp hành T.Ư Đảng khóa XII nhất trí giới thiệu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước là hoàn toàn tuân theo quy định của Hiến pháp Việt Nam, nguyện vọng của cử tri và nhân dân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.