Bộ Ngoại giao: Cáo buộc Việt Nam hỗ trợ tấn công mạng là ‘không có cơ sở’

Vũ Hân
Vũ Hân
23/04/2020 17:37 GMT+7

“ Các hành vi tấn công, đe dọa an ninh mạng cần bị lên án và trừng trị nghiêm khắc theo quy định của pháp luật”, Phó phát ngôn Ngô Toàn Thắng lên tiếng trước thông tin cho rằng Việt Nam có hỗ trợ nhóm hacker APT 32.

Chiều 23.4, tại buổi họp báo Bộ Ngoại giao, phóng viên đã đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước báo cáo của tổ chức an ninh mạng FireEye cho rằng Chính phủ Việt Nam hỗ trợ nhóm hacker APT 32 (một nhóm hacker của Việt Nam rất nổi danh trong giới).
Phản hồi thông tin trên, ông Ngô Toàn Thắng khẳng định: “Đây là những thông tin không có cơ sở. Việt Nam nghiêm cấm các hành vi tấn công mạng nhằm vào các tổ chức, cá nhân dưới bất cứ hình thức nào. Các hành vi tấn công, đe dọa an ninh mạng cần phải bị lên án và trừng trị nghiêm khắc theo quy định của pháp luật”.
Cũng theo ông Thắng, năm 2018, Quốc hội Việt Nam đã thông qua luật An ninh mạng và hiện đang hoàn thiện các văn bản pháp quy để thực thi luật. Để ngăn chặn các hành vi tấn công mạng, Việt Nam sẵn sàng hợp tác với cộng đồng quốc tế trong đấu tranh phòng và chống các hành vi tấn công mạng dưới mọi hình thức.
Trước đó, ngày 22.4, FireEye có đưa ra thông tin cho rằng, ít nhất từ tháng 1 - 4 năm nay, nhóm APT 32 đã thực hiện một chiến dịch tấn công các mục tiêu của Trung Quốc để thu thập các thông tin về dịch Covid-19.
FireEye cho rằng, APT 32 đã gửi các tin nhắn lừa đảo đến Bộ Quản lý Tình trạng khẩn cấp của Trung Quốc cũng như chính quyền tỉnh Vũ Hán - nơi khởi phát của dịch Covid-19. Hành động này của APT 32 được cho là một phần của sự gia tăng toàn cầu trong hoạt động gián điệp mạng liên quan đến đại dịch Covid-19, được thực hiện bởi chính phủ nhiều nước, trong nỗ lực tuyệt vọng để tìm giải pháp cho đại dịch và tìm kiếm các thông tin không được công bố.
Cũng theo FireEye, đại dịch Covid-19 đặt ra mối lo ngại lớn, mang tính sống còn đối với các chính phủ và không khí mất lòng tin hiện nay đang khuếch đại những bất ổn, khuyến khích việc thu thập thông tin tình báo ở quy mô lớn.
Các chính phủ, chính quyền các tỉnh/thành/bang, thậm chí chính quyền các địa phương, cũng như các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức quốc tế, đều là mục tiêu tấn công mạng. Các nghiên cứu y học cũng trở thành mục tiêu, theo báo cáo của phó trợ lý Giám đốc Cơ quan điều tra Liên bang Mỹ (FBI). Cho đến khi đại dịch kết thúc, FireEye cho rằng, các hoạt động gián điệp mạng sẽ còn căng thẳng trên phạm vi toàn cầu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.