Bộ Ngoại giao cảnh báo thận trọng với quảng cáo tour đi Mỹ tiêm vắc xin

Vũ Hân
Vũ Hân
27/05/2021 17:59 GMT+7

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cảnh báo người dân thận trọng trước các lời chào mời mua tour đi Mỹ tiêm vắc xin , bởi hiện các quốc gia vẫn đang thắt chặt chính sách xuất nhập cảnh do dịch Covid-19 .

Chiều 27.5, tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, phóng viên đã đề nghị Người phát ngôn của Bộ bình luận về việc nhiều công ty du lịch gần đây chào mời khách hàng mua các tour đi Mỹ để tiêm vắc xin.
Trả lời câu hỏi này, bà Lê Thị Thu Hằng đã khuyến cáo người dân cần thận trọng và tính toán kỹ khi tiến hành chuyến đi nước ngoài, bởi hiện chính sách xuất nhập cảnh của nhiều nước vẫn đang thắt chặt do tình hình dịch bệnh Covid-19 vô cùng phức tạp.
“Nếu có quảng cáo về các tour như vậy, công dân cần kiểm tra với các cơ quan chức năng của các nước, có thể thông qua các cơ quan đại diện ngoại giao của các nước tại Việt Nam”, bà Hằng nói.

Liệu Việt Nam có đàm phán mua vắc xin của Trung Quốc

Cũng liên quan đến vắc xin, một số hãng tin đặt câu hỏi về việc liệu Việt Nam có đàm phán mua vắc xin của Trung Quốc, tiến độ đàm phán mua và sản xuất vắc xin Sputnik V của Nga tại Việt Nam đến đâu?
Trả lời câu hỏi này, bà Lê Thị Thu Hằng cho biết, Việt Nam đã đàm phán thành công với một số đối tác cung ứng vắc xin như AstraZeneca, Pfizer, Covax Facility và đã tiến hành tiêm vắc xin cho người dân.
Tuy nhiên, số lượng vắc xin hiện nay Việt Nam nhập khẩu được chưa đáp ứng được nhu cầu trong nước, nên Chính phủ đã chỉ đạo và các cơ quan chức năng nỗ lực tìm kiếm, đàm phán với các nhà sản xuất, cung ứng vắc xin trên thế giới để tăng số lượng nhập khẩu.
Chính phủ Việt Nam cũng đã quyết định thành lập quỹ vắc xin để tiếp nhận quản lý các nguồn tài trợ, hỗ trợ nguồn vốn để nhập khẩu vắc xin Covid-19.
Về đối tượng tiêm, Chính phủ hiện đã xác định các đối tượng ưu tiên theo thứ tự, khi nguồn vắc xin dồi dào hơn, Việt Nam sẽ mở rộng đối tượng tiêm, bao gồm cả nhân viên các cơ quan nước ngoài hay người nước ngoài đang sinh sống, làm việc ở Việt Nam.
Liên quan đến việc Mỹ và một số quốc gia đang kêu gọi Trung Quốc minh bạch hơn về thông tin trong giai đoạn đầu bùng phát dịch trong bối cảnh Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang tiến hành điều tra giai đoạn 2 để tìm hiểu nguồn gốc của dịch Covid-19, báo chí cũng đề nghị Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nêu bình luận.
Bà Hằng nói: “Theo tôi được biết, các cơ quan y tế, nhà khoa học, chuyên gia trên thế giới vẫn đang nghiên cứu, tìm hiểu về nguồn gốc và tính chất của virus SARS-CoV-2. Chúng tôi cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến vô cùng phức tạp với các chủng và biến thế mới thì quốc tế cần tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin để có vắc xin và phác đồ điều trị tốt nhất. Với tinh thần trách nhiệm, Việt Nam sẵn sàng chung tay cùng cộng đồng quốc tế trong phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh nguy hiểm này”.
Việt Nam chưa có chính sách nhập cảnh ưu tiên với người đã tiêm vắc xin Covid-19
Tại buổi họp báo này, nhiều hãng tin nước ngoài cũng quan tâm đến việc nới lỏng chính sách cách ly tập trung với các chuyên gia, doanh nhân nước ngoài; có chính sách nhập cảnh thông thoáng hơn với những người đã được tiêm vắc xin. 
Được biết, hiện Văn phòng Kinh tế - Văn hóa Đài Bắc đã gửi công văn nêu quan điểm của các doanh nhân đề nghị khi dịch bệnh được kiểm soát thì giảm thời hạn cách ly tập trung xuống 14 ngày như trước đây, có thời gian quản lý tại gia phù hợp và vẫn để các chuyên gia này đi làm trong thời gian cách ly tại nhà. 
Trả lời câu hỏi này, bà Hằng cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp trên thế giới và Việt Nam, chính sách cách ly, theo dõi y tế luôn được Chính phủ Việt Nam chú trọng, điều chỉnh linh hoạt để đảm bảo yêu cầu phòng chống, ngăn chặn dịch đồng thời đảm bảo mục tiêu phục hồi kinh tế.
Thực hiện chỉ đạo của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch bệnh Covid-19, Bộ Ngoại giao đang phối hợp với một số cơ quan liên quan, trong đó có Bộ Y tế để xây dựng hướng dẫn về việc cách ly y tế đối với người nhập cảnh, trong đó có chú ý đến các yếu tố như tiêm chủng, thời gian lưu trú tại Việt Nam, mục đích nhập cảnh và diễn biến dịch bệnh trong nước để có thể áo dụng các biện pháp và chế độ cách ly một cách phù hợp nhất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.