Bộ ngành, địa phương 'lệch hướng', đất nước sẽ mất sức mạnh

Trong bối cảnh đất nước đã hội nhập, nếu mỗi ngành, mỗi địa phương làm theo một hướng sẽ làm mất đi sức mạnh của đất nước.

Trong bối cảnh đất nước đã hội nhập, nếu mỗi ngành, mỗi địa phương làm theo một hướng sẽ làm mất đi sức mạnh của đất nước.

Pham-Binh-MinhPhó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh - Ảnh: Ngọc Thắng

Đây là ý kiến của Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh trao đổi với báo chí sáng nay (22.1) bên lề Đại hội Đảng XII.

Xin Phó thủ tướng cho biết cuộc cạnh tranh về chiến lược các nước lớn ở khu vực ảnh hưởng thế nào về đối ngoại  của Việt Nam thời gian tới?

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh: Tình hình thế giới, khu vực biến động phức tạp có nhiều yếu tố, đương nhiên có yếu tố các nước lớn cạnh tranh ảnh hưởng. Sự cạnh tranh, ảnh hưởng đó sẽ tạo ra những cọ xát về lợi ích, trong đó có lợi ích an ninh, kinh tế. Nếu các quốc gia không giữ được độc lập, tự chủ và phát huy được chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ mà nghiêng bên này nghiêng bên kia thì sẽ ảnh hưởng đến môi trường an ninh. Vì lý do đó Đại hội lần này có đặt ra vấn đề thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ. Có nghĩa, ta quan hệ với tất cả các nước.

Một trong những thành công lớn của Việt Nam trong 5 năm vừa qua đó là việc chúng ta đã xây dựng được khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược, Đối tác toàn diện với tất cả các nước lớn quan trọng nhất trên thế giới. Đây là việc không phải bất cứ nước nào cũng làm được như Việt Nam. Việc các nước thiết lập khuôn khổ quan hệ như vậy thể hiện chúng ta có chính sách đúng đắn, đồng thời khẳng định vị thế của Việt Nam ngày càng tăng trên trường quốc tế.

Chính sách đối ngoại thường được coi là nối dài của chính sách đối nội. Theo ông, sự phát triển của Việt Nam thời gian tới trong yêu cầu điều kiện như thế thì vấn đề đối nội trong nước cần có những lưu ý gì?

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh: Đương nhiên chính sách của một quốc gia bao gồm cả chính sách phát triển kinh tế trong đất nước và chính sách đối ngoại. Chính sách đối ngoại có nhiệm vụ tạo dựng môi trường cho phát triển trong nước, mở rộng quan hệ với các nước để mở rộng quan hệ chính trị tạo nền tảng cho quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư. Đó là phục vụ phát triển nội lực đất nước. Đối ngoại là một phần trong chính sách, đường lối phát triển đất nước.

Theo ông, những đòi hỏi về tình hình quốc tế, khu vực đặt ra thách thức, áp lực gì cho các Ủy viên T.Ư Đảng khóa mới?

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh: Đường lối của Đại hội Đảng XII sẽ được thông qua tại Đại hội nói rõ từng nhiệm vụ, trong đó có nhiệm vụ phát triển đất nước, phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa của đất nước và cả đường lối đối ngoại. Tất cả các Ủy viên T.Ư được bầu tại Đại hội XII và tất cả các bộ, ngành địa phương phải quán triệt đường lối đối ngoại đó để đảm bảo sự chỉ đạo tập trung thống nhất của Đảng. Sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương để đảm bảo thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại là cực kỳ quan trọng, vì trong một quốc gia đã hội nhập quốc tế, nếu mỗi ngành, mỗi địa phương làm theo một hướng, không có hướng đi chung sẽ làm mất đi sức mạnh của đất nước.

Có dư luận cho rằng chúng ta thiết lập nhiều quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện… nhưng lợi ích thật sự thì ít?

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh: Đến nay chúng ta thiết lập 15 quan hệ đối tác chiến lược, 10 quan hệ đối tác toàn diện. Nếu chỉ nhìn riêng rẽ, cụ thể là lợi ích do đối tác này hay đối tác kia mang lại  thì không thể thấy được. Chính sách đối ngoại của một đất nước, nếu xây dựng được quan hệ bạn bè với nhiều nước khác, mà bạn bè ở đây là bạn bè mang tính tin cậy cao về chính trị; hợp tác tốt về quân sự - quốc phòng - an ninh, mở rộng kinh tế, thương mại, có nghĩa là sẽ tạo ra ảnh hưởng mang tính tổng hòa các mối quan hệ. Điều đó cũng sẽ tạo cho chúng ta có môi trường với các nước và với từng nước. Vì tất cả các quốc gia, dù lớn hay nhỏ, ngoài thách thức bên trong còn có thách thức bên ngoài, liên quan đến chủ quyền lãnh thổ, liên quan đến vị thế, đến sự quan hệ của từng nước.

Chúng ta giữ được quan hệ sẽ tạo mối quan hệ tin cậy về chính trị. Từ nền tảng về chính trị đó, trong từng đối tác chiến lược, chúng ta có nhấn mạnh về khía cạnh nào. Có nước chúng ta tập trung về kinh tế - thương mại, các nhà đầu tư lớn, có nước chúng ta tranh thủ về khoa học công nghệ, văn hóa giáo dục… Không phải nước nào cũng giống nhau. Mỗi nước có một thế mạnh riêng.

Quan hệ đối tác chiến lược với Trung Quốc đã được ký kết từ lâu nhưng có nhiều ý kiến đánh giá là không đi vào thực chất. Ông suy nghĩ như thế nào về đánh giá đó?

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh: Chúng ta xây dựng quan hệ đối tác chiến lược với Trung Quốc, vừa qua nâng lên đối tác chiến lược toàn diện. Chúng ta xây dựng được quan hệ đối tác kinh tế - thương mại, bạn hàng lớn nhất của chúng ta cho đến nay. Vì thế nói, không thúc đẩy được quan hệ là không đúng. Quan hệ với Trung Quốc trên các lĩnh vực là phát triển nhưng điều đó không có nghĩa tất cả các quan hệ không có vấn đề khác biệt giữa hai nước. Giữa Việt Nam Trung Quốc, vấn đề khác biệt là vấn đề Biển Đông, chúng ta khẳng định chủ quyền của chúng ta ở Hoàng Sa, Trường Sa và vùng đặc quyền kinh tế của chúng ta. Trên cơ sở quan hệ đối tác chiến lược, chúng ta giải quyết các vấn đề, trong đó có vấn đề Biển Đông, chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông, thương lượng thông qua hòa bình.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.