Bộ LĐ-TB-XH đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu từ năm 2021

15/01/2018 17:26 GMT+7

Theo phương án Bộ LĐ-TB-XH đang xây dựng dự kiến trình Chính phủ trong năm nay, từ 1.1.2021, mỗi năm tuổi nghỉ hưu của nam và nữ tăng thêm 6 tháng cho đến khi nam đủ 62 tuổi và nữ đủ 60 tuổi.

Đây là 1 trong 2 phương án được Bộ LĐ-TB-XH lấy ý kiến xây dựng dự án bộ luật Lao động (sửa đổi) trước khi trình Thủ tướng xem xét, quyết định.
Theo dự thảo mới nhất, phương án 1 giữ như hiện nay, tuổi nghỉ hưu của người lao động là nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi. Phương án 2 (tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình), áp dụng từ ngày 1.1.2021, cứ mỗi năm tăng thêm 6 tháng cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ 60 tuổi.
Lý do chính của đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, theo Bộ LĐ-TB-XH, là nhằm bảo đảm cân đối quỹ hưu trí và tử tuất trong dài hạn. Nếu tiếp tục giữ nguyên các quy định hiện nay về mức đóng - mức hưởng, thời gian đóng - thời gian hưởng thì sẽ mất cân đối quỹ này.
"Ví dụ, một nam giới có 30 năm đóng bảo hiểm xã hội, về hưu ở độ tuổi 60 sẽ được hưởng lương hưu bằng 75% lương trung bình đã đóng bảo hiểm xã hội. Trong 30 năm (360 tháng) tham gia bảo hiểm xã hội, mỗi tháng đóng 22% tiền lương thì người lao động này đóng vào quỹ 79 tháng lương trung bình. Số tiền này chỉ đủ chi trả trong 105 tháng lương hưu (hoặc 9 năm); nếu tính cả lãi suất đầu tư quỹ thì có thể trả đủ cho 12 năm lương hưu", Bộ LĐ-TB-XH lý giải.
Theo ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, đây là một đề xuất thay đổi chính sách và dự đoán sẽ có tác động lớn đến kinh tế, xã hội và tác động về giới. Vì vậy, khác với dự thảo lần trước, ngoài lý do nêu trên, cơ quan soạn thảo đã tiến hành đánh giá tác động đối với đề xuất chính sách này.
Cụ thể, trong báo cáo đánh giá tác động, Bộ LĐ-TB-XH cho biết, sau 25 năm đổi mới, GDP bình quân đầu người của Việt Nam thuộc nhóm tăng nhanh nhất thế giới. Tuy nhiên, quá trình này cũng mang lại những thách thức mới, trong đó có việc xem xét lại hệ thống lương hưu của Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu thay đổi nhanh chóng của dân số...
“Cải cách hệ thống lương hưu, trong đó có việc tăng tuổi nghỉ hưu, được cho là cấp thiết trong bối cảnh độ già hóa dân số đang diễn ra nhanh chóng, sức khỏe của người dân đã được cải thiện rõ rệt, quỹ bảo hiểm có nguy cơ mất cân đối trong tương lai gần”, ông Diệp nói.
Trên thực tế, theo Bộ LĐ-TB-XH, kết quả một số cuộc điều tra, khảo sát cho thấy, rất nhiều người lao động sau khi nghỉ hưu lại tiếp tục đi làm việc, nhiều trường hợp người lao động sau khi làm thủ tục hưởng lương hưu tiếp tục ký hợp đồng lao động với chính cơ quan, đơn vị cũ để tiếp tục làm việc xuất phát từ nhu cầu tăng thêm thu nhập phục vụ cho cuộc sống, mong muốn được đóng góp và cống hiến những kiến thức và kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình làm việc...
Dự kiến, cuối tháng 1, sau khi lấy ý kiến người dân, Bộ LĐ-TB-XH sẽ hoàn thiện dự thảo trình Chính phủ. Theo kế hoạch, dự án bộ luật Lao động sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 5 năm 2019 của Quốc hội khóa 14 và thông qua dự án luật vào kỳ họp tháng 10 năm 2019 của Quốc hội khóa 14.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.