'Bố là giám đốc sở, con làm trưởng phòng thì có phải xung đột lợi ích?'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
27/03/2019 16:11 GMT+7

Nhiều ý kiến băn khoăn về quy định kiểm soát xung đột lợi ích được đưa ra trong dự thảo Nghị định hướng dẫn luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) 2018 tại hội thảo ngày 27.3.

Ngày 27.3, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp với Thanh Tra Chính phủ tổ chức hội thảo tham vấn dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6, tháng 11.2018.

"Bố giám đốc sở thì con nên đi chỗ khác làm"

Một trong những nội dung của dự thảo nghị định là cụ thể hóa quy định về kiểm soát xung đột lợi ích tại điều 23, luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi).
Dự thảo của Thanh tra Chính phủ đưa ra 3 tình huống xung đột lợi ích, gồm: người có chức vụ, quyền hạn hoặc vợ, chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của người đó có cổ phần, góp vốn, tham gia hoạt động kinh doanh thuộc lĩnh vực do người đó trực tiếp quản lý.
Tình huống thứ 2 là người có chức vụ, quyền hạn có vợ, chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị là đối tượng liên quan trực tiếp đến việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người đó.
Tình huống còn lại là người có chức vụ, quyền hạn có khả năng tác động không đúng đắn, gây khó khăn, cản trở đến hoạt động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc xác minh, kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử vụ việc, vụ án tham nhũng.
Tham gia ý kiến sau đó, ông Cung Phi Hùng, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra, cho biết xung đột lợi ích là khái niệm rất mới, luật đã quy định chung chung rồi nên nếu nghị định cũng quy định chung chung nữa thì rất khó áp dụng.
Từ đó, ông Hùng kiến nghị phải giải thích rõ xung đột lợi ích là gì, đồng thời liệt kê chi tiết những tình huống về xung đột lợi ích trong thanh tra, phòng chống tham nhũng để những người có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra mới biết thế nào là xung đột lợi ích để thực hiện.
"Dự thảo ghi như thế này thì rất khó áp dụng", ông Hùng nói thêm.
Cùng băn khoăn, ông Phạm Tiến Dũng, Phó chánh Thanh tra tỉnh Hòa Bình, cho rằng các tình huống về xung đột lợi ích được quy định trong dự thảo không rõ ràng.
Ông Dũng dẫn chứng, nếu bố làm giám đốc sở, con làm trưởng phòng thì có phải là xung đột lợi ích không, trong khi thực tế có rất nhiều trường hợp như thế.
"Chẳng hạn bố là giám đốc sở Tài chính, con làm trưởng phòng Ngân sách thì là xung đột lợi ích chứ!", ông Dũng nêu, và kiến nghị dự thảo nghị định cần phải làm rõ, nếu không sẽ không thể biết được để xử lý các tình huống trong thực tế.
"Tôi cho rằng chỗ này nên mở rộng. Đã phòng chống tham nhũng thì nên chăng quy định bố làm giám đốc sở thì con phải đi làm chỗ khác. Có như vậy thì xung đột lợi ích mới hết được", ông Dũng đề nghị.

Đề xuất cho thanh tra doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước theo định kỳ

Một quy định khác cũng nhận được nhiều ý kiến là quy định về thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng đối với khu vực ngoài nhà nước.
Theo ông Phạm Tiến Dũng, dự thảo quy định căn cứ để thanh tra là "có dấu hiệu thực hiện không đúng quy định về các biện pháp phòng ngừa tham nhũng” thì không bao giờ thực hiện được trên thực tế.
Các đại biểu tham dự hội thảo ngày 27.3 Ảnh Lê Hiệp
Từ đó, ông Dũng kiến nghị, đã đưa khu vực ngoài nhà nước là đối tượng điều chỉnh của luật Phòng chống tham nhũng, đã đưa vào công tác thanh tra thì phải tiến hành thanh tra theo chương trình, theo kế hoạch, theo chuyên đề hàng năm, do Thanh tra Chính phủ hoặc thanh tra các tỉnh định hướng.
"Quy định như dự thảo thì làm sao cơ quan nhà nước biết được doanh nghiệp vi phạm để mà vào thanh tra", ông Dũng nói.
Cùng quan điểm, ông Vũ Minh Lượng, Chánh Thanh tra tỉnh Nam Định, cho rằng khi coi đối tượng khu vực ngoài nhà nước là chủ thể phòng chống tham nhũng thì họ phải được thanh tra theo định kỳ, còn nếu đợi khi có dấu hiệu mới thanh tra thì đến lúc đó có thể chúng ta sẽ buông lỏng quản lý với khối này.
Giải thích sau đó, ông Tuấn Anh, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ), khẳng định phải quy định như vậy để cho chặt chẽ, không thể theo kế hoạch để vào thanh tra mà phải có dấu hiệu rõ ràng thì các cơ quan mới vào thanh tra.
Theo dự thảo, việc thanh tra sẽ được tiến hành đối với các công ty đại chúng; tổ chức tín dụng và tổ chức xã hội do Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ hoặc chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ có huy động các khoản đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.