Bộ Công an điều tra vụ nguồn nước bị ô nhiễm

16/10/2019 06:21 GMT+7

Thủ tướng yêu cầu việc điều tra phải khẩn trương, làm rõ nguyên nhân vụ việc nguồn nước bị ô nhiễm và việc cung cấp nước sạch từ Công ty CP đầu tư nước sạch Sông Đà không bảo đảm chất lượng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. .

Chiều tối 15.10, Văn phòng Chính phủ cho biết Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có chỉ đạo liên quan đến phản ánh tình trạng nguồn nước bị ô nhiễm và việc cung cấp nước sạch từ Công ty CP đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) không bảo đảm chất lượng, ảnh hưởng đến đời sống của hàng vạn người dân khu vực tây nam TP.Hà Nội. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Hòa Bình chỉ đạo ngay Viwasupco khắc phục sự cố, kịp thời cung cấp nguồn nước sạch, bảo đảm chất lượng cho nhân dân. UBND TP.Hà Nội, UBND tỉnh Hòa Bình có giải pháp kịp thời bổ sung, thay thế nguồn nước bị ô nhiễm, bảo đảm cung cấp đủ nước sạch, ổn định đời sống nhân dân khu vực trên.

Ông Nguyễn Văn Tốn tại buổi họp hôm qua 15.10

Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ TN-MT và các địa phương kiểm tra tình hình hoạt động của các nhà máy nước sạch trong cả nước để bảo đảm nguồn nước sạch, an toàn phục vụ nhân dân. Bộ Công an khẩn trương điều tra làm rõ nguyên nhân vụ việc nguồn nước bị ô nhiễm và việc cung cấp nước sạch từ Viwasupco không bảo đảm chất lượng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Các bộ, cơ quan khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ nêu trên, báo cáo Thủ tướng trước ngày 25.10.

Viwasupco giấu nhẹm vụ việc

Trong diễn tiến khác, sáng qua, tại buổi tiếp xúc cử tri Hà Nội, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết nước sạch Viwasupco cung cấp bốc mùi khét, hôi là do chất Styren có tỷ lệ cao hơn 1,3 - 3,6 lần so với mức bình thường. “Nguồn ô nhiễm này do ở đầu nguồn nước có một số người dân đã đổ dầu phế thải vào đầu con suối chảy ra hồ và nhà máy kiểm soát không tốt, dẫn đến chảy vào hệ thống lọc nước của nhà máy. Từ hệ thống lọc nước này đã chảy xuống hệ thống nước ăn của người dân. Đây chính là nguyên nhân tạo ra mùi bất thường”, ông Chung nói, đồng thời cho biết sẽ có công văn gửi tỉnh Hòa Bình chỉ đạo cơ quan điều tra Công an tỉnh vào điều tra trách nhiệm của Viwasupco. “Quan điểm của chúng tôi là xử lý nghiêm”, ông Chung nói.
Theo ông Chung, Viwasupco phát hiện việc đổ trộm dầu thải từ 8.10 nhưng không báo cáo ai, không có hành động ngăn chặn dầu này và cứ để trôi vào nhà máy, dẫn đến vào nguồn nước. TP.Hà Nội đã làm việc với Viwasupco và yêu cầu toàn bộ nguồn nước ở các chung cư, trạm nước phải súc xả. Toàn bộ kinh phí sẽ do công ty này chịu trách nhiệm. Trường hợp nếu thiếu nước sạch cục bộ, TP.Hà Nội sẽ điều hòa nước cấp từ trạm Dương Nội, Nhà máy nước sông Đuống...
Cùng ngày, tại cuộc họp giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, phía UBND TP chỉ cử ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, đến đọc văn bản thông tin soạn sẵn về vụ việc. Theo văn bản này, UBND TP.Hà Nội nhận được tin báo nước sạch sông Đà có mùi khét, hôi từ sáng 10.10, tức là
2 ngày sau khi người dân gánh chịu nước sinh hoạt không đảm bảo.
Gần thêm 5 ngày tiếp theo, TP.Hà Nội mới có thông tin chính thức và đưa ra khuyến cáo người dân không ăn, uống nước sạch Viwasupco. Lúc này, mùi khét, hôi trong nước sinh hoạt của người dân đã giảm nhiều. Nhiều người dân bức xúc cho rằng, nhận được khuyến cáo thì đã hứng đủ nước nặng mùi hóa chất, phản ứng của TP.Hà Nội là quá chậm và tâm lý tự lo cho mình trước được người dân triển khai triệt để.

Cấp nước nhiễm hóa chất cho dân vì “cái tâm phục vụ” !

Cũng tại cuộc giao ban, báo chí đã nêu nhiều câu hỏi về trách nhiệm của Viwasupco, cơ quan chức năng TP.Hà Nội đã chậm trễ đưa thông tin về nước sạch Viwasupco có mùi bất thường, khuyến cáo muộn, UBND TP.Hà Nội cần chỉ đạo cơ quan chức năng khởi tố vụ án… Đáp lại, ông Lê Văn Dục chỉ trả lời qua loa, không đi thẳng vào vấn đề. Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cũng chỉ nói về các vấn đề quy định pháp luật, chỉ tiêu kỹ thuật, kết quả xét nghiệm…
Tâm điểm đổ dồn vào ông Nguyễn Văn Tốn, Tổng giám đốc Viwasupco, nhưng ông này luôn tìm cách trả lời vòng vo, trốn tránh. Đáng nói, Tổng giám đốc Viwasupco vẫn khăng khăng khẳng định nước thành phẩm ra khỏi nhà máy “đạt chất lượng”. Dù vậy thừa nhận “có hớt váng (dầu) được nhưng không dám chắc có xử lý được không”.
Trước nhiều cơ quan báo chí, ông Tốn giải thích: “Tôi cũng chỉ là tổng giám đốc làm thuê. Nếu dừng cấp nước thì tôi quá an toàn và quá hay. Tôi vì cái tâm duy nhất là phục vụ người dân, chứ không vì cái gì khác”.
Còn rất nhiều câu hỏi: Viwasupco có xin lỗi người dân về cấp nước sinh hoạt không đảm bảo? Bồi thường như thế nào khi người dân phải trả tiền nước sạch nhưng chỉ được nhận lại nước bẩn? TP.Hà Nội có tổ chức khám chữa bệnh cho người dân dùng nước sinh hoạt không đảm bảo trong những ngày qua? Trách nhiệm của Viwasupco, Sở Xây dựng, Sở Y tế ra sao khi để cả triệu người dân dùng nước sinh hoạt kém chất lượng, cảnh báo muộn... đã không có câu trả lời.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.