Bộ Chính trị đặt mục tiêu kinh tế số chiếm trên 30% GDP năm 2030

Lê Hiệp
Lê Hiệp
30/09/2019 09:06 GMT+7

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Nghị quyết của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Ngày 27.9, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Nghị quyết của Bộ Chính trị đặt mục tiêu: tận dụng hiệu quả các cơ hội do cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại để thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược và hiện đại hóa đất nước.

Năng suất lao động tăng bình quân trên 7%/năm

Cụ thể, tới năm 2025, xây dựng được hạ tầng số đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN; internet băng thông rộng phủ 100% các xã. Kinh tế số chiếm khoảng 20% GDP; năng suất lao động tăng bình quân trên 7%/năm. Cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội; có ít nhất 3 đô thị thông minh tại 3 vùng kinh tế trọng điểm phía bắc, phía nam và miền Trung.
Đến năm 2030, duy trì xếp hạng về chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu thế giới. Mạng di động 5G phủ sóng toàn quốc; mọi người dân được truy cập internet băng thông rộng với chi phí thấp. Kinh tế số chiếm trên 30% GDP; năng suất lao động tăng bình quân khoảng 7,5%/năm. Hoàn thành xây dựng chính phủ số. Hình thành một số chuỗi đô thị thông minh tại các khu vực kinh tế trọng điểm phía bắc, phía nam và miền Trung.
Tới năm 2045, Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thuộc nhóm dẫn đầu khu vực châu Á; có năng suất lao động cao, có đủ năng lực làm chủ và áp dụng công nghệ hiện đại trong tất cả các lĩnh vực.

Tiên phong chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ

Để thực hiện các mục tiêu trên, Bộ Chính trị đưa ra một loạt chủ trương, chính sách, trong đó yêu cầu hoàn thiện pháp luật, trước hết là pháp luật về doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, sở hữu trí tuệ, thương mại, đầu tư, kinh doanh; triển khai băng thông rộng chất lượng cao trên phạm vi toàn quốc, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp tư nhân có đủ năng lực tham gia xây dựng hạ tầng viễn thông và các hạ tầng khác cho chuyển đổi số quốc gia.
Bên cạnh đó, Bộ Chính trị chủ trương xây dựng và phát triển đồng bộ hạ tầng dữ liệu quốc gia; triển khai các dịch vụ thanh toán cho người dân với chi phí thấp; hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy mạnh mẽ thanh toán không dùng tiền mặt; tập trung phát triển các ngành ưu tiên có mức độ sẵn sàng.
Đáng lưu ý, Bộ Chính trị chỉ rõ, cần tiên phong thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội bảo đảm thống nhất, kết nối liên thông và đồng bộ; xây dựng cơ sở dữ liệu số của Chính phủ và các cấp chính quyền, tạo điều kiện để mọi công dân có thể cập nhật thông tin cần thiết về hoạt động của bộ máy nhà nước.

Cắt giảm tối đa giao dịch trực tiếp

Bộ Chính trị yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; hoàn thiện các quy trình, thủ tục hành chính phù hợp với hoạt động của chính quyền số, cắt giảm tối đa giao dịch trực tiếp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.