‘Bỏ biên chế suốt đời của công chức’: Bạn đọc Thanh Niên ý kiến gì?

26/05/2019 16:07 GMT+7

Dự thảo luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Cán bộ, công chức và luật Viên chức thu hút ý kiến của bạn đọc Thanh Niên .

Mới đây, trả lời PV Báo Thanh Niên, Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn TP.HCM) cho rằng, dự thảo luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Cán bộ, công chức và luật Viên chức cần đổi mới nhất lúc này là bỏ chế độ biên chế suốt đời đối với công chức chứ không phải viên chức. “Đơn vị sự nghiệp công lập hiện giờ họ cũng đã có nhiều cách tác động để những người lao động không làm được việc phải đi. Còn công chức thì vẫn vậy. Nếu ngon thì phải bỏ biên chế đối với công chức. Nhưng tôi e là chưa làm được”, bà Lan nói.

Cho công chức, viên chức đăng ký nhiệm vụ tháng, quý

Trước ý kiến của bà Phong Lan, một số bạn đọc tỏ ra đồng tình. Bạn đọc Đặng Hoa cho rằng, bà Phong Lan đã “nói lên việc đáng ra phải làm từ lâu rồi”. Tuy nhiên, theo Đăng Hoa, không cần bỏ biên chế viên chức hay công chức suốt đời. Cuối mỗi tháng, cho công chức, viên chức (bất kể ngành nào) cả nước đăng ký nhiệm vụ hằng tháng hoặc hằng quý và xét thi đua trên việc thực hiện đăng ký đó. Tất cả bảng đăng ký nhiệm vụ sẽ được tổng hợp lấy nội dung chung nhất theo từng ngành, từng nhiệm vụ từ đó suy ra số lượng biên chế. Cứ 2 năm hoặc 3 năm một lần tổ chức thi kiểm tra nghiệp vụ cả nước từ nhân viên tới lãnh đạo (Anh văn, Tin học, Nghiệp vụ...) nếu ai đạt giỏi và xét đánh giá công việc hoàn thành theo bảng đăng ký nhiệm vụ thì hoàn thành xuất sắc được 1.2; còn khá trở lên thì hoàn thành. Ai dưới thì tự khắc out (rớt) bất kể con cháu. Ai 10 điểm tuyệt đối thì nâng lương trước hạn. Tổng hợp các bảng đăng ký so với thực tế sẽ có bảng quy định khối lượng, chất lượng công việc chung cho cả hệ thống, từ đó đưa ra quy trình cho từng công việc và xét, đánh giá theo quy trình đó. Tất cả những việc trên phải được nhập vào hệ thống máy tính dùng chung một chương trình thì mới có báo cáo chung khách quan...
Bầu chọn
Theo bạn, có nên bỏ "chế độ công chức suốt đời" không?
Nhìn nhận vấn đề về công chức, viên chức ở nước ngoài để có sự so sánh, bạn đọc Nguyễn Thanh Hiệp cho biết, ở Mỹ, công chức là viên chức làm cho chính phủ liên bang, tiểu bang, địa hạt và thành phố. Có giai đoạn ai cũng "chê" làm công chức, lương thấp và khó thăng tiến; khó thành người trung lưu nên chẳng mấy ai mặn mòi xin vô làm công chức. Khi khủng hoảng kinh tế thì ai cũng chạy vạy xin cái chân làm viên chức nhà nước vì vào đây cuộc sống ổn định, không bị đuổi việc hay cho về vườn ở tuổi về hưu... “Vậy thì tại sao chúng ta không có những luật công chức hay quy chế công chức của từng cấp T.Ư, thành phố, và địa phương? Hãy để địa phương có quy chế công nhân viên chức riêng của họ...”, Nguyễn Thanh Hiệp viết.
Tương tự, bạn đọc Thanh Sơn cho biết thêm, ở nước ngoài, hợp đồng đầu tiên thường có thời hạn khoảng 3 năm, sau đó nếu là người giỏi thì sẽ được mời ký hợp đồng không thời hạn và nhiều khi họ còn năn nỉ bố mẹ mình tác động thêm. Vấn đề ở đây là nằm ở việc đánh giá kết quả làm việc chứ không phải hợp đồng có thời hạn. Nếu tất cả là hợp đồng có thời hạn thì sẽ không giữ chân được người làm được việc.

Chấm điểm công chức, viên chức như... học sinh

Bạn đọc Ngô Văn Ngang hiến kế: Muốn đánh giá chất lượng cán bộ, công chức thì cứ chấm điểm từng việc như học sinh học từng môn. Một năm làm giờ hành chính có trên 200 ngày, mỗi ngày mấy việc, chất lượng hoàn thành ra sao, cuối năm mấy điểm. “Quan trọng là ai có thời gian chấm điểm? Chấm điểm có công tâm không? Cán bộ công chức từ T.Ư đến cấp xã có dùng phương pháp đo lường này chưa? Làm được như vậy mới phân loại được ai xuất sắc, ai không hoàn thành. Hiện nay cách đánh giá cán bộ, công chức đa phần là không khoa học, mang cảm tính là chủ yếu, cuối năm chỉ "nhắm chừng" rồi bỏ phiếu chứ chẳng thấy đưa ra được chất lượng từng việc của một cán bộ công chức... Theo luật Thi đua - Khen thưởng, có thành tích mới bỏ phiếu, vậy mà nhiều nơi chẳng có cơ sở ( không có bảng điểm) thấy ai "ngang ngang" là đem ra bỏ phiếu.
Tuy vậy, cũng có một số lo ngại với ý kiến “bỏ chế độ công chức, viên chức suốt đời” vì sợ hệ lụy không kiểm soát được. Năng lực công tác của công chức, viên chức không phải lúc nào cũng định lượng một cách minh bạch. Lúc đó thủ trưởng có “quyền sinh quyền sát” và đương nhiên nạn chạy việc, hối lộ bằng mọi hình thức sẽ xảy ra. Lúc đó ai kiểm soát được?. 
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.