Bịt lỗ hổng cách ly để ngăn Covid-19 lây lan: Dịch lây lan trong cộng đồng đã hiện hữu

05/05/2021 06:23 GMT+7

Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, trường hợp bệnh nhân tại Đà Nẵng được Bộ Y tế công bố sáng 4.5 là ca lây nhiễm trong nước, tại cộng đồng. Như vậy, dịch trong cộng đồng là hiện hữu...

PGS-TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cho rằng giải trình tự gien mới nhất cho thấy, bệnh nhân Covid-19 tại Vĩnh Phúc liên quan chuyên gia Trung Quốc (TQ) do biến thể vi rút SARS-CoV-2 tại Ấn Độ.
Chuyên gia TQ trước khi đến Vĩnh Phúc đã cách ly cùng các chuyên gia Ấn Độ tại Yên Bái. Từ đó, đặt ra nghi ngờ lây nhiễm chéo trong khu cách ly.
Ông Phu cũng lưu ý: “Trường hợp bệnh nhân tại Đà Nẵng được Bộ Y tế công bố sáng 4.5 là ca lây nhiễm trong nước, tại cộng đồng. Như vậy, dịch trong cộng đồng là hiện hữu và yếu tố nguy cơ vẫn còn, do nhiều trường hợp là ca bệnh nhưng không có triệu chứng bệnh”.

Sáng 5.5: Việt Nam đã ghi nhận tổng cộng 2.996 bệnh nhân Covid-19

Để kiểm soát dịch hiệu quả, theo ông Phu, các địa phương cần rà soát toàn diện việc thực hiện các quy định phòng dịch về cách ly, xét nghiệm, bàn giao người sau cách ly... Trong đó, rà soát việc các khu cách ly thực hiện về kiểm soát nhiễm chéo; việc bàn giao người sau cách ly phải chặt chẽ, vì Bộ Y tế đã hướng dẫn: đại diện đơn vị cách ly tập trung phải có thông báo về địa phương, nơi người hoàn thành cách ly về để có kế hoạch giám sát tại địa phương.
Ngoài ra, cần rà soát việc lấy mẫu xét nghiệm, trong đó, phải thực hiện lấy mẫu vào ngày 14 sau cách ly tập trung. Về năng lực xét nghiệm cũng cần được đảm bảo kỹ thuật và đặc biệt là đánh giá về kết quả xét nghiệm âm tính giả, dương tính giả, vì không thể đạt chuẩn xác 100% các mẫu được xét nghiệm. Trong khi đó, âm tính giả rất nguy hiểm vì làm lây lan dịch ra cộng đồng.
PGS Phu cũng cho rằng: “Các địa phương cần giám sát y tế và xử trí kịp thời các ca đã hoàn thành cách ly tập trung, trong thời gian tự theo dõi sức khỏe tại nhà. Đặc biệt, khi người này có ho, sốt và cần được nhanh chóng lấy mẫu xét nghiệm. Vì xét nghiệm nhanh, phát hiện sớm giúp ca bệnh khoanh vùng, ngăn dịch lây lan. Tránh trường hợp, người có yếu tố dịch tễ thông báo biểu hiện bệnh, nhưng 2 - 3 ngày sau mới được y tế địa phương lấy mẫu xét nghiệm, xác định dương tính như vừa qua tại Hà Nam, với bệnh nhân 2899”.

Cần xem lại khu cách ly tập trung ở khách sạn

Trước thông tin về việc tạm ngưng cho người cách ly tập trung đủ 14 ngày ra khỏi khu cách ly vì thời gian gần đây có một số trường hợp hết cách ly tập trung vẫn ghi nhận dương tính với SARS-CoV-2, làm lây lan dịch, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho rằng đây là giải pháp tạm thời nhằm để tìm ra nguồn gốc các ca ra khỏi khu cách ly về nhà đã lây từ đâu.
Theo bác sĩ Khanh, tính kỷ luật trong những khu cách ly tập trung tại khách sạn khác khu cách ly tập trung quân đội hay của ngành y tế. Hiện tượng lây trong khu cách ly tập trung chỉ mới xảy ra sau khi mở rộng ra cách ly tập trung ở khách sạn thì phải coi lại cách ly ở khách sạn, cũng như cách lấy mẫu có đúng không. “Qua giải trình tự gien các ca sau khi ra khỏi khu cách ly tập trung là vi rút có nguồn gốc từ Ấn Độ thì rõ ràng là lây trong khu cách ly tập trung chứ không phải lý do là ra khỏi khu cách ly sớm”, bác sĩ Khanh nhận định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.