Bình Thuận: Điều tra sai phạm hoạt động kinh doanh khoáng sản ở Tánh Linh

Quế Hà
Quế Hà
23/10/2019 16:53 GMT+7

Ngày 23.10, nguồn tin của PV Thanh Niên cho biết, Cục QLTT Bình Thuận đã có quyết định chuyển hồ sơ sai phạm liên quan đến khoáng sản tại Công ty TNHH MTV Cao An sang Cơ quan CSĐT Công an H.Tánh Linh để điều tra .

Theo kết luận kiểm tra của Đoàn kiểm tra liên ngành về chống tàng trữ, buôn bán khoáng sản trái phép, Công ty TNHH MTV Cao An (gọi tắt là Công ty Cao An), có trụ sở tại xã Gia An, H.Tánh Linh (Bình Thuận) hoạt động kinh doanh khoáng sản.
Tuy nhiên, kiểm tra đăng ký kinh doanh tại Sở KH-ĐT tỉnh Bình Thuận thì Công ty Cao An không có chức năng kinh doanh khoáng sản. Đoàn kiểm tra phát hiện công ty này có hai bãi tập kết cát tại xã Gia An (ven đường ĐT720), nhưng hóa đơn mua bán có dấu hiệu không rõ ràng.

Cơ quan chức năng kiểm tra tại một cơ sở khai thác cát không có giấy phép tại H. Tánh Linh

Ảnh: Quế Hà

Mua cát từ TP.HCM, Đồng Nai chở về Bình Thuận (?)

 Hàng nghìn mét khối cát được Công ty Cao An khai báo mua của Công ty Thanh Tiến (trụ sở ở H.Đức Linh, với 31 tờ hóa đơn). Công ty Thanh Tiến lại khai mua khối lượng cát trong 31 hóa đơn đỏ này từ Công ty Hoàng Nam (P.Tam Bình, Q.Thủ Đức, TP.HCM). Tuy nhiên, khi đoàn kiểm tra vào tận địa chỉ này ở Q.Thủ Đức thì mới “tá hỏa” không hề có công ty nào tên là Hoàng Nam như trên hóa đơn mua bán khoáng sản mà Công ty Cao An khai báo.

Tương tự, Công ty Thanh Tiến khai còn có hai hóa đơn mua cát từ Công ty Gia Hưng Phát (P.Linh Trung, Q.Thủ Đức, TP.HCM) để bán cho Công ty Cao An (hai hóa đơn). Tuy nhiên, đoàn kiểm tra vào tận TP.HCM xác minh thì cũng không hề có Công ty Gia Hưng Phát nào ở địa chỉ nêu trên.

Cát không rõ nguồn gốc tại H.Tánh Linh đang được các đoàn kiểm tra của tỉnh Bình Thuận kiểm tra xuất xứ và hóa đơn mua bán

Ảnh: Quế Hà

Ngoài ra, lượng cát của Công ty Cao An còn được khai báo mua của Công ty Tấn Phước (trụ sở ở H.Đức Linh). Khi làm việc với Công ty Tấn Phước, đại diện công ty này trình 52 tờ hóa đơn mua bán cát với Chi nhánh Công ty Hải Phi, ở H.Tân Phú (Đồng Nai, có giấy phép khai thác). Tuy nhiên, kiểm tra lịch trình tại chốt kiểm tra do UBND H.Tánh Linh thành lập những ngày này, đoàn kiểm tra phát hiện không có hoạt động vận chuyển cát của Công ty Tấn Phước từ Đức Linh sang Tánh Linh, bán cho Công ty Cao An như khai báo của công ty này với đoàn kiểm tra.
Đặc biệt, Công ty Cao An còn xuất trình các hợp đồng mua bán cát với hai công ty tại Q.Thủ Đức (TP.HCM), nhưng lại ký gửi cát tại H.Hàm Tân (Bình Thuận), nhưng không rõ là ký gửi cát ở địa chỉ nào của H.Hàm Tân.
Vì vậy, đoàn kiểm tra liên ngành (do Cục QLTT Bình Thuận chủ trì) đã chuyển toàn bộ các hồ sơ liên quan đến việc kinh doanh khoáng sản của Công ty Cao An sang cho Cơ quan CSĐT Công an H.Tánh Linh thụ lý điều tra theo quy định.

Hoạt động khai thác cát trái phép tại xã Gia An, H. Tánh Linh vẫn diễn biến phức tạp

Ảnh: Quế Hà

Theo một cán bộ chuyên môn, qua kiểm tra cho thấy các công ty này có dấu hiệu buôn bán hóa đơn bất hợp pháp. “Nhiều khả năng là cát tại chỗ được khai thác trái phép, không có chuyện đi mua cát từ TP.HCM, Đồng Nai đem về Tánh Linh để kinh doanh, vì kinh doanh như thế không có lãi”, vị cán bộ này cho biết.

Tàu khai thác cát trái phép tại hồ Biển Lạc bị cơ quan chức năng của tỉnh Bình Thuận lập biên bản thu giữ

Ảnh: Quế Hà

Trước đó, Báo Thanh Niên đã phản ánh, cơ quan chức năng của Bình Thuận kiểm tra, phát hiện và lập biên bản xử phạt trên 40 tàu khai thác cát trái phép trên hồ Biển Lạc (giáp ranh hai huyện Tánh Linh và Đức Linh). Tuy nhiên, chỉ sau kiểm tra vài ngày thì việc khai thác trái phép tại đây lại diễn ra ngang nhiên.
Sau đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã có văn bản chỉ đạo Công an tỉnh, Sở TNMT, Cục QLTT… và hai huyện này phải có giải pháp ngăn chặn triệt để nạn khai thác khoáng sản trái phép diễn ra ở hồ Biển Lạc
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.