Bình Phước phát hiện ca bệnh bạch hầu đầu tiên

Ngày 26.7, ông Quách Ái Đức, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Phước, xác nhận trên địa bàn vừa ghi nhận ca đầu tiên dương tính với bệnh bạch hầu.

Quảng Nam lấy mẫu xét nghiệm nhiều trường hợp nghi bạch hầu

Bệnh nhân là N.T.T.D (14 tuổi, học sinh, người dân tộc Tày, ngụ thôn Thống Nhất, xã Đắk Nhau, H.Bù Đăng), hiện đã được chuyển tới Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới TP.HCM để tiếp tục điều trị.
Trước đó, sau khi có các triệu chứng sốt, đau họng, mệt mỏi, chán ăn, D. được đưa đến Trung tâm y tế (TTYT) H.Bù Đăng khám, chẩn đoán nghi bạch hầu. Ngày 24.7, kết quả xét nghiệm của Viện Pasteur TP.HCM khẳng định D. dương tính với bạch hầu. Ngay sau đó, TTYT H.Bù Đăng đã phối hợp Trạm y tế xã Đắk Nhau khoanh vùng, phun xịt khử trùng tại nhà người bệnh và khu vực lân cận, không để dịch lây lan. Sở Y tế tỉnh Bình Phước cũng đã có văn bản đề nghị Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh, BV đa khoa tỉnh, TTYT H.Bù Đăng, Phú Riềng và TX.Phước Long thực hiện ngay các hoạt động giám sát các ca viêm họng trên địa bàn xã Đắk Nhau, ở trường học và những người tiếp xúc gần với bệnh nhân D. Khi phát hiện người có triệu chứng sốt, viêm họng cần lấy mẫu xét nghiệm ngay; theo dõi, tuân thủ điều trị kháng sinh dự phòng với người tiếp xúc gần tại gia đình…

Bệnh bạch hầu là gì và nguy hiểm như thế nào?

Cùng ngày 26.7, CDC Quảng Nam cho biết đã phát hiện nhiều ca bệnh nghi ngờ bạch hầu tại huyện vùng cao Nam Trà My với các triệu chứng sốt, họng đỏ và có màng mủ trắng…, chẩn đoán viêm họng mủ và được theo dõi điều trị. Hiện có hơn 20 trường hợp (kể cả người thân ở cùng nhà với ca nghi ngờ) đã được lấy mẫu, gửi vào Viện Pasteur Nha Trang xét nghiệm và đang chờ kết quả. Theo CDC Quảng Nam, các ca bệnh nghi ngờ đều có tiền sử tiêm chủng không rõ ràng. Hơn 100 trường hợp tiếp xúc gần với các ca nghi ngờ đã được cho uống thuốc Erythromycine phòng bệnh.
Liên quan diễn biến dịch bệnh bạch hầu, số bệnh nhân tiếp tục tăng ở Đắk Nông, Đắk Lắk. Thông tin từ Sở Y tế Đắk Nông hôm qua (26.7) cho biết số bệnh nhân bạch hầu trên địa bàn tỉnh là 38 (tăng 2 ca so với ngày 24.7), trong đó 2 ca đã tử vong. Đắk G’long là huyện có số ca bệnh nhiều nhất (18 ca), tiếp đó là H.Krông Nô (11 ca), H.Tuy Đức (6 ca) và H.Đắk R’lấp (3 ca). Hiện có 2 ca nhiễm bạch hầu được chuyển đến điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM, 8 ca điều trị tại BV đa khoa tỉnh Đắk Nông; số bệnh nhân còn lại đã xuất viện. Theo Sở Y tế Đắk Nông, có gần 30.000 người trên địa bàn tỉnh được tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu; hơn 4.200 người được uống thuốc dự phòng.
Tại Đắk Lắk, tính đến ngày 26.7 bệnh bạch hầu đã xuất hiện tại 9 xã của 5 huyện (Lắk, M’Đrắk, Krông Bông, Cư M’gar và Cư Kuin) với 24 ca bệnh (tăng 2 ca so với ngày 23.7); trong đó, có một trường hợp hy hữu là sản phụ sinh con trong khi dương tính với bạch hầu.

Bệnh bạch hầu lan rộng, có nên tiêm vắc xin bổ sung cho trẻ không?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.