Bình Dương, Đồng Nai và TPHCM: Thiếu lao động trầm trọng

26/05/2009 09:10 GMT+7

Thiếu hụt lao động đang đe dọa sự phát triển của các doanh nghiệp ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Ngày 25-5, đến Công ty TNHH May – Thương mại Tân Việt (KCN Tân Bình –TPHCM), chúng tôi thấy trước cổng công ty treo bảng “Tuyển 1.000 công nhân may công nghiệp”. Mức thu nhập của công ty đưa ra từ 1,3 triệu đồng đến 3 triệu đồng/tháng nhưng số người đến đăng ký chỉ lác đác. Cạnh đó, các công ty Hương Thám, Cự Lực... rao tuyển mấy trăm lao động nhưng tình hình cũng không khá hơn.

Rao tuyển cật lực vẫn tìm không ra lao động

Công ty Kim Trúc (KCN Tân Bình) hiện đang cần 400 lao động thời vụ để vẽ trên gốm nhưng tuyển rất khó khăn. Mỗi ngày, công ty chỉ tuyển được khoảng 15 người. Ông Nguyễn Văn Hùng, phụ trách nhân sự Công ty Kim Trúc, cho biết: Công ty sử dụng ổn định hơn 1.000 lao động nhưng trong dịp hè phải tuyển thêm lao động thời vụ để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Công ty chấp nhận đào tạo tay nghề cho những lao động này.

Bà Trần Thị Ánh, Trưởng Phòng Nhân sự Công ty May Tân Châu: Công nhân không trụ nổi vì giá cả đắt đỏ

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguyên nhân chính của tình trạng thiếu lao động ở các TP lớn là do chi phí sinh hoạt quá cao. Thời gian qua, giá các mặt hàng thiết yếu như điện, xăng dầu, thực phẩm... đều tăng khiến giá cả sinh hoạt ở TP vốn đắt đỏ, càng thêm đắt đỏ. Tiền lương tăng không đáng kể nên công nhân không thể trụ nổi ở TP. Về quê, hoặc về các KCN ở các tỉnh là phương án “dễ thở” nhất với công nhân.

Chỉ riêng lô III của KCN Tân Bình, hàng chục doanh nghiệp (DN) rao tuyển gần 4.000 lao động. Tình trạng khan hiếm lao động, dù là lao động phổ thông, đang khá trầm trọng đối với các DN tại đây. Để thu hút lao động, các DN đưa ra những điều kiện khá hấp dẫn: Bảo đảm mức lương tối thiểu trên 1,5 triệu đồng, thu nhập bình quân trên 3 triệu đồng, có lương tháng 13... Có DN còn cam kết có nhà cho công nhân ở xa và... bảo đảm đóng BHXH, BHYT đầy đủ. Nhiều DN tận dụng cột điện để treo bảng tuyển dụng.

Tại KCN Vĩnh Lộc –TPHCM, tình trạng thiếu lao động cũng xảy ra ở diện rộng. Công ty Fisco tuyển 500 lao động, Công ty Chang Chia tuyển 200 lao động, Công ty Bidrico tuyển 100 lao động, Công ty Molax Vina tuyển 200 lao động... Tại KCX Tân Thuận, Linh Trung, KCN Tân Tạo... các DN cũng tất bật rao tuyển lao động nhưng cũng tìm không ra! Theo khảo sát của Sở LĐ-TB-XH TPHCM, hiện có 533 DN trên địa bàn cần tuyển 61.000 lao động.

Ông Nguyễn Văn Khương, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương, nhận xét chưa khi nào tình hình lao động lại căng thẳng như năm nay. Các DN không đủ lao động để sản xuất. Thiếu lao động diễn ra khắp các ngành: may mặc, da giày, chế biến thực phẩm, gỗ... Trong đó ngành may, giày là nặng nề nhất, hiện thiếu đến 50.000 lao động. Sau một thời gian gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi suy giảm kinh tế, nhiều DN đang phục hồi sản xuất, nhận được đơn hàng ngày càng nhiều. Do không đủ lao động, những đơn hàng này sẽ khó thực hiện.

Tại các KCN Đồng Nai, các DN chỉ biết trông chờ vào các ngày hội việc làm được tổ chức định kỳ hằng tháng để tuyển lao động. Tuy nhiên, nhu cầu của DN quá lớn nên những ngày hội này cũng khó đáp ứng nổi. Theo ông Lâm Duy Tín, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Đồng Nai, phải cần đến 25.000 lao động mới đáp ứng nhu cầu tạm thời hiện nay của các DN.

Không dám nhận đơn hàng

“Thiếu lao động, công ty rất lo lắng khi ký hợp đồng với đối tác. Nếu giao hàng trễ tiến độ, phải đền hợp đồng thì DN sẽ gặp khó khăn lớn” – bà Quách Kim Phượng, Phó Giám đốc Công ty Trường Vinh –TPHCM, phân tích. Với 600 lao động, công ty của bà Phượng không thể làm hết các đơn hàng của đối tác. Số công nhân trên chỉ đảm đương được đơn hàng chính, còn những đơn hàng phụ, bà giao cho các công ty vệ tinh thực hiện dưới sự giám sát của các tổ trưởng, nhân viên kỹ thuật của Trường Vinh. Cách làm này tuy tốt nhưng trong thời buổi cạnh tranh lao động như hiện nay, các DN khác sẵn sàng nhảy vào kê giá để giành công ty vệ tinh.

Đáng ngại hơn, do thiếu lao động, một số DN không dám nhận những đơn hàng lớn, dài hơi. Các đối tác truyền thống phải bỏ sang các quốc gia lân cận đặt hàng. Giám đốc một DN gia công giày tại huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương phân tích: Chính những đơn hàng lớn mới có đơn giá gia công cao, bảo đảm việc làm ổn định cho người lao động. Nếu không dám nhận thì lần sau khách hàng sẽ không quay lại.

Đã qua rồi thời mà TPHCM, Đồng Nai và Bình Dương là nơi thu hút lao động của cả nước. Sự thiếu hụt lao động đang đe dọa sự phát triển của các DN tại khu vực này.

Theo Phạm Hồ / Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.