Bình Định, Phú Yên thiệt hại nặng

04/11/2010 23:23 GMT+7

Hôm qua 4.11, mưa lũ tiếp tục hoành hành và gây thiệt hại nặng nề cho 2 tỉnh Bình Định, Phú Yên.

Tại Phú Yên, mực nước các sông lên nhanh và dao động ở mức cao, trong khi đó các hồ thủy điện vẫn tiếp tục xả lũ. Theo UBND tỉnh Phú Yên, tính đến chiều 4.11, toàn tỉnh có 5 người chết do mưa lũ.

Mưa lớn cộng với các hồ thủy điện xả lũ lưu lượng lớn, có lúc tổng xả lũ lên đến hơn 10.500m3/giây, đã nhấn chìm hơn 2.000 ngôi nhà, làm 3 nhà sập hoàn toàn và 5 nhà hư hỏng, xiêu vẹo; khoảng 850 ha lúa mùa đang làm đồng bị ngập và có nguy cơ mất trắng; gần 1.400 ha mía, sắn bị ngập và ngã đổ. Nhiều tuyến giao thông trên địa tỉnh vẫn đang bị ngập nước, nhiều đoạn bị hư hỏng nặng và ngập sâu từ 0,5-3m, chia cắt giao thông và cô lập một số địa bàn... Tổng thiệt hại do mưa lũ gây ra tại Phú Yên ước khoảng 95 tỉ đồng.


Hàng cứu trợ của Báo Thanh Niên đến với các vùng bị lũ cô lập ở Phú Yên - Ảnh: D.Đ.M

Trong khi đó, trên địa bàn tỉnh Bình Định tiếp tục có mưa lớn gây lũ trên diện rộng. Mực nước các sông ở Bình Định tiếp tục lên nhanh. Toàn tỉnh có 75 hồ chứa nước đã qua tràn, trong đó có 14 hồ chứa bị xuống cấp, cống lấy nước có nguy cơ không đảm bảo an toàn.

Từ đêm 2.11 - 4.11, hàng ngàn ngôi nhà ở vùng hạ lưu sông Kôn và sông Hà Thanh bị ngập sâu trong nước từ 1-2m. Toàn bộ hệ thống đê biển ngăn mặn khu đông bị sóng đánh sạt lở. Nhiều tuyến tỉnh lộ, huyện lộ ở Tuy Phước, Phù Cát, An Lão bị lũ chia cắt, tàn phá nặng nề. Tính đến chiều qua, mưa lũ đã làm 3 người chết, 1 người mất tích, 3 nhà bị sập đổ. Nhiều ngôi nhà ở xã ven biển Hoài Hải (H.Hoài Nhơn) đang bị triều cường xâm thực, uy hiếp dữ dội. Ước tính thiệt hại do mưa lũ gây ra ở Bình Định lên đến hơn 378 tỉ đồng.

Đảo Lý Sơn bị cô lập

Tại Quảng Ngãi, UBND huyện đảo Lý Sơn hôm qua cho biết cả tuần qua do sóng to, gió lớn, biển động mạnh nên tàu thuyền đều không dám ra khơi. Đặc biệt, tuyến vận tải hành khách, hàng hóa từ Lý Sơn - Sa Kỳ và ngược lại bị tê liệt khiến đảo Lý Sơn bị cô lập hoàn toàn, các mặt hàng lương thực, thực phẩm trở nên khan hiếm. Người dân đổ xô đi mua gạo nhưng hầu hết các đại lý bán lẻ cũng chỉ còn rất ít gạo dự trữ để bán. Riêng các điểm bán lẻ xăng, dầu đã tăng giá lên 20.000 - 25.000 đồng/lít nhưng vẫn không còn để bán nên nhiều người phải đi làm phải bằng xe đạp hoặc đi bộ.

Dù vùng biển đảo Lý Sơn tiếp tục có gió mạnh cấp 7, cấp 8, giật trên cấp 8 nhưng vào khoảng 8 giờ 30 sáng 4.11 có 2 chiếc tàu đánh cá công suất khoảng dưới 80 CV (không rõ của địa phương nào) liều lĩnh vượt sóng to, gió lớn vận chuyển lương thực, thực phẩm ra đảo rồi dùng các thuyền thúng để đưa hàng hóa lên bờ, sau đó lại vận chuyển hành, tỏi vào đất liền tiêu thụ. Chính quyền xã An Vĩnh và lực lượng Đồn biên phòng 328 Lý Sơn (Bộ đội biên phòng Quảng Ngãi) phát hiện, triển khai các lực lượng ngăn cản nhưng người dân chống đối lực lượng làm nhiệm vụ và cho tàu vào đất liền trong khi biển động dữ dội.

Núi lở đè bẹp nhà dân, ách tắc đường sắt

Do mưa lớn kéo dài, trưa 4.11 hàng nghìn mét khối đất đá ở góc phía tây Núi Nhạn sạt lở, đổ ập và đè bẹp 3 ngôi nhà dưới chân núi, thuộc đường Lê Trung Kiên, KP1, P.1, TP Tuy Hòa (Phú Yên). Đó là nhà bà Lê Thị Lạc (số 64A), Nguyễn Thị Anh Nhiên (số 64B) và Nguyễn Thị Học (số 64C), trong đó nhà bà Nhiên và bà Học bị sập gần như hoàn toàn, tài sản trong nhà bị đè bẹp. Khi núi lở, trong các ngôi nhà trên có tổng cộng 11 người, nhưng rất may tất cả đều thoát ra ngoài, không ai bị nạn.

Núi lở cũng làm ách tắc đường sắt Bắc - Nam. Theo Công ty vận tải đường sắt Phú Khánh, lúc 12 giờ 45 hôm qua, một tảng đá lớn lở từ vách núi đã rơi thẳng xuống nền đường sắt tại Km 1230+470 thuộc khu vực đèo Cả, xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) gây gãy thanh ray dài 12m và hư hỏng một số thanh tà vẹt. Nhân viên đơn vị đã kịp thời có mặt khẩn trương khắc phục sự cố; sau hơn hai giờ tập trung nhiều nhân lực, đường sắt qua đèo Cả đã thông tuyến lúc 14 giờ 50 cùng ngày. Sự cố này đã gây “đứng bánh” đường sắt trong hơn 2 tiếng đồng hồ, làm nhiều chuyến tàu bị chậm giờ, phải dừng đợi dọc các ga ở Phú Yên và Khánh Hòa.

Cẩu trục 10 triệu USD rơi xuống biển

Sáng 4.11, tại khu vực cảng Dung Quất (Quảng Ngãi), xà lan Đông Ban của Công ty Đông Ban (Hàn Quốc) vận chuyển cẩu trục GMQC nặng 1.000 tấn (trị giá gần 10 triệu USD) bị sóng to, gió lớn đánh đứt hệ thống chèn buộc nên toàn bộ cẩu trục rơi xuống biển. Được biết, cẩu trục GMQC là thiết bị do Công ty TNHH Doosan Vina sản xuất, lắp ráp để xuất khẩu sang Ấn Độ. (Hiển Cừ)

Đức Huy - Đình Phú - Hiển Cừ - H.Lê - Hùng Phiên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.