Biết trọng dụng nhân tài thì có thể làm mọi việc

19/04/2006 00:59 GMT+7

Nước Việt Nam ta nhỏ hay không nhỏ? Một câu hỏi rất hay, khiến mỗi chúng ta đều phải suy nghĩ. Muốn biết ta nhỏ hay không nhỏ thì phải có sự so sánh, nhưng sự so sánh nào cũng khập khiễng.

Tôi lấy ví dụ: trong 2 cuộc kháng chiến của dân tộc, ta đã đánh thắng hai đế quốc to. Như vậy là ta mạnh. Nhưng nếu so về quân số hay trang bị thì ta kém đối phương. Do đó, chúng ta không thể lấy số liệu thống kê để so sánh mà phải xem vị thế của ta trên thế giới như thế nào. Vị thế đó chỉ có được nhờ ở sự lãnh đạo và điều hành đất nước. Tôi nhớ một chuyện, đại ý như sau: Khi ông Lý Quang Diệu sang thăm nước ta, Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói: Ông là một người tài. Ông Lý Quang Diệu nói rằng ông chẳng có tài gì, có chăng chỉ là ở chỗ biết sử dụng người tài. Do biết sử dụng người tài nên đất nước Singapore nhỏ bé nhưng có vị thế trên thế giới không nhỏ. Hay như cuộc Cách mạng Tháng 8 và hai cuộc kháng chiến của ta, trong điều kiện rất khó khăn lúc bấy giờ, nếu Bác Hồ không thu hút được người tài thì khó có thể thành công. Điều đó chứng tỏ rằng dù nhỏ bé hay nghèo khó nhưng nếu biết trọng dụng nhân tài thì mọi việc đều có thể làm được.

duongniet@yahoo.com

Nếu hai anh bạn kia là “chủ nhân tương lai” của đất nước...

Trước tiên, xin chúc Báo Thanh Niên ngày một vững mạnh để mãi là một người bạn đồng hành của tôi cũng như rất nhiều bạn đọc khác. Từ khi trên báo có diễn đàn "Nước Việt Nam ta nhỏ hay không nhỏ? " tôi không hề bỏ một buổi đọc nào, cảm thấy đây đúng là một diễn đàn "trên cả sự mong đợi". Qua diễn đàn, ta có thể thấy được tâm huyết của người đọc, cũng như của mỗi người con ĐẠI VIỆT với đất nước mình.

Và nhân đây, tôi cũng xin tham gia diễn đàn bằng một câu chuyện mà tôi đã chứng kiến tận mắt, và tôi thấy cần phải nói ra để mọi người cùng suy ngẫm.

Trong một quán cà phê gần một trường đại học ở TP.HCM, tôi vô tình được chứng kiến cuộc nói chuyện giữa 4 sinh viên (mà theo tôi có lẽ là sinh viên năm cuối vì cả câu chuyện của họ chỉ tập trung vào công việc sau khi ra trường vào cuối năm). Nhưng có lẽ câu chuyện của họ sẽ chẳng có gì cần phải đưa lên diễn đàn nếu nó chỉ dừng lại ở đó. Khi nói về công việc sau khi ra trường, một cậu quý tử đất Hà thành (vì cậu có giọng nói rất chuẩn và nhẹ nhàng, cộng thêm số hàng hiệu cậu mang trên người) lên tiếng: "Có lẽ sau khi ra trường tao sẽ về ngoài đó làm ở chỗ ông già. Ông nói về làm ở đó vài năm rồi ông mở cho công ty riêng tha hồ bay nhảy", rồi cậu thản nhiên quay sang hỏi mấy người bạn: "Chúng mày thì sao?". Một anh bạn trong số đó liền cất giọng trưởng giả: "Tao thì ở trong này, về ngoài đó chán lắm! Ông già nói khi nào tao đi làm thì mua cho tao một căn nhà trong này để lấy chỗ đi làm". Rồi cậu quay sang hỏi cậu bạn ngồi bên cạnh, anh bạn này có lẽ cùng tuổi với nhóm bạn nhưng có lẽ cuộc sống mưu sinh đã tạc đẽo vài nếp gấp trên khuôn mặt khô, dài và ánh mắt thì luôn ẩn hiện suy nghĩ vượt ra ngoài câu chuyện của đám bạn. Khi được hỏi, cậu chỉ nói: "Bố mẹ tao nuôi mấy năm học đại học cũng đủ mệt rồi, nói gì đến chuẩn bị". Chỉ chờ cậu nói hết câu, hai cậu bạn lập tức phá lên cười, một tràng cười "trọc phú": "Thế bao nhiêu năm tuổi trẻ ông già mày làm gì mà không lo được gì cho thằng con trai hả mày?". Vẫn nụ cười ấy, nhưng giọng nói thì có phần gay gắt hơn và ánh mắt thì dường như đã nheo lại, cậu nói: "Bố tao đã dùng tuổi trẻ để làm cho tao một điều mà nếu không có nó thì bố mẹ chúng mày không thể cho chúng mày những thứ mà chúng mày đã, đang và sẽ được hưởng". Hai anh bạn kia không khỏi ngạc nhiên liền hỏi lại "Gì vậy mày?". "Đó là một đất nước tự do", anh bạn đó nói bằng một thái độ bình thản và niềm tự hào thể hiện trên ánh mắt."Ông già mày là thương binh, xì..., có vậy mà cũng khoe".

Vâng các bạn ạ, đất nước chúng ta liệu có "lớn" được không, liệu có thể "sánh vai với các cường quốc năm châu " được không khi mà những "chủ nhân tương lai" của đất nước là hai anh bạn kia?

nguyen_xtruong@yahoo.com

Những chuyện “trái tai, gai mắt”

Thành tựu 20 năm đổi mới với những thay đổi lớn lao, từ một nước phải nhập khẩu lương thực, nước ta trở thành nước xuất khẩu gạo và cà phê đứng thứ nhì thế giới. Công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đang bước vào giai đoạn quyết định đưa nước ta từ một nước nông nghiệp lạc hậu trở thành một nước công nghiệp. Vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao. Đó là cảm nhận mà bất cứ người Việt nào khi nói cũng có thể tự hào về bước phát triển đi lên của dân tộc mình. Nhưng hằng ngày phải chứng kiến những việc làm "trái tai, gai mắt" của một số ít người trong xã hội, chúng ta không khỏi buồn lòng. Cái tôi cá nhân, cái tôi ích kỷ ở một số người đang như một sợi dây vô hình kéo lùi bước tiến của cả dân tộc. Họ hành xử một cách thiếu văn hóa và sống gần như vô cảm với đồng loại chỉ vì lợi ích trước mắt của riêng mình. Một anh cảnh sát giao thông thẩm vấn bác xe ôm già bằng một giọng xấc xược với những câu hỏi không chủ ngữ. Cảnh hàng trăm hành khách về quê ăn Tết cùng gia đình bị "hành" trong những quán cơm tù với cơm, canh cực kỳ mất vệ sinh, nhưng lại phải móc tiền ra trả nhiều hơn so với mức bình thường. Cảnh một anh cán bộ phụ trách hộ khẩu, hộ tịch, cấp giấy chứng minh nhân dân ở một huyện nọ trắng trợn làm tiền ngay trong công sở. Ai kẹp nhiều tiền vào hồ sơ thì anh ưu tiên làm trước, ai ít tiền hơn thì làm sau, ai không có tiền thì anh "vẽ" ra đủ thứ còn "thiếu" để "hành". Cảnh một bác sĩ quát tháo, chửi mắng bệnh nhân và người nhà của bệnh nhân nếu họ không "biết điều", còn nếu "biết điều" cũng với vị bác sĩ ấy, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân sẽ được thăm hỏi ân cần, cũng như khi chích thuốc mũi chích sẽ "êm ái hơn"...

Tuy những sự việc nêu trên chỉ là hiện tượng, nhưng nó diễn ra hằng ngày, mọi lúc, mọi nơi mà bất cứ người dân bình thường nào trong đời cũng sẽ có lần bắt gặp. Và vô tình những sự việc tưởng như là hiện tượng ấy lại làm mất lòng tin rất nhiều nơi quần chúng nhân dân lao động vào Nhà nước, vào chế độ xã hội. Làm gì để loại bỏ những ung nhọt ấy ra khỏi đời sống xã hội? Một câu hỏi lớn dành cho tất cả chúng ta khi mà chúng ta đang cố gắng xây dựng một nhà nước pháp quyền, dân chủ, thực sự của dân, do dân và vì dân. Nhà sử học Dương Trung Quốc thật có lý khi cho rằng một trong những lý do làm cho chúng ta bị tụt hậu chính là nếp nghĩ và cách hành xử của một số ít người trong chúng ta như lâu nay...

tuannghiakg@yahoo.com

Bài vở tham gia diễn đàn, xin gửi về
thanhhang@thanhniennews.com
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.