Biến tướng dịch vụ mua bán nợ: Đòi nợ kiểu 'xã hội đen'

Trác Rin
Trác Rin
28/04/2021 07:00 GMT+7

Không còn là nguy cơ cần cảnh báo, thực tế sau khi dịch vụ đòi nợ thuê bị cấm, nhiều công ty đòi nợ thuê đổi thành công ty mua bán nợ nhưng hoạt động vẫn là đi đòi nợ kiểu 'xã hội đen'.

Điển hình, sau khi đăng bài viết Biến tướng dịch vụ mua bán nợ, Báo Thanh Niên nhận được đơn của bà N.T.T.H (59 tuổi, ngụ H.Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước) phản ánh về việc bị nhân viên một công ty mua bán nợ đòi nợ theo kiểu “xã hội đen”. Đơn của bà H. ngoài gửi Thanh Niên còn gửi tới các cơ quan chức năng ở Bình Phước.

Dọa giết nếu không trả nợ

Trong đơn, bà H. trình bày cuối năm 2020 gia đình bà bị nhân viên Công ty TNHH MTV mua bán nợ Kim Ngân (viết tắt là Công ty Kim Ngân) ở Đắk Nông đe dọa, gây rối trật tự công cộng (TTCC) tại nơi bà sinh sống nên trình báo công an. Trong khi cơ quan chức năng đang xử lý thì liên tiếp những ngày tháng 3 - 4.2021, nhóm đòi nợ của Công ty Kim Ngân tiếp tục kéo đến nhà bà và cả nhà con trai bà là anh Đ.N.Q (38 tuổi, ngụ Bình Phước) gây áp lực, dùng loa kẹo kéo công suất lớn la hét, chửi bới, gây rối TTCC tại địa phương. Theo bà H., nguyên do việc làm ăn, hợp tác giữa con trai bà là Đ.Q.T (31 tuổi, đã lập gia đình và sinh sống tại TP.Đồng Xoài, Bình Phước) với anh N.N.N và bà T.T.H (cùng ngụ Bình Phước).

Công an đang xác minh

Liên quan đến vụ việc trên, thượng tá Nguyễn Đức Thành, Trưởng công an H.Bù Gia Mập (Bình Phước), cho biết công an huyện đã nhận được sự chỉ đạo từ Công an tỉnh Bình Phước và đang triển khai xác minh vụ việc cũng như đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương. “Hành vi của các đối tượng là muốn gây áp lực để đòi nợ, công an tỉnh cũng đang có chỉ đạo quyết liệt các vụ việc liên quan đến “đòi nợ thuê”. Công an huyện đã chỉ đạo công an xã tăng cường đảm bảo an ninh trật tự. Sau khi có kết quả xác minh, công an huyện sẽ có thông báo trả lời đơn của bà N.T.T.H”, Trưởng công an H.Bù Gia Mập nói.
Hoàng Giáp
Đáng lưu ý, theo bà H., đầu tháng 4.2021 nhóm đòi nợ khoảng 10 người đi trên 2 ô tô của Công ty Kim Ngân nhiều lần đến nhà bà đập cửa, gây náo loạn thôn xóm. “Họ dọa sẽ giết con tôi. Họ còn mang theo loa để chửi bới, xúc phạm gia đình tôi, buộc phải trả số tiền 2,7 tỉ đồng liên quan đến việc làm ăn của con trai tôi”, bà H. bức xúc và cho rằng: “Việc làm ăn, hay nợ nần giữa con tôi với anh N. và bà T.T.H không liên quan đến gia đình tôi. Nếu các bên có vay mượn tiền bạc gì với nhau thì đã có pháp luật thẩm quyền giải quyết. Con tôi cũng đã tố cáo, nhờ các cơ quan bảo vệ pháp luật ở địa phương xử lý. Ai đúng, ai sai thì cơ quan chức năng phân xử, không ai được manh động, hành xử trái pháp luật xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, gây mất trật tự an toàn xã hội…”.
Trả lời PV Thanh Niên qua điện thoại, bà T.T.H thừa nhận: “Tôi tìm Đ.Q.T không được nên phải xuống nhà bà N.T.T.H tìm. Tôi có một đứa em làm trong Công ty mua bán nợ Kim Ngân chi nhánh TP.Đồng Xoài, nên nó và một số nhân viên công ty cùng đi xuống nhà bà N.T.T.H gặp T. để giải quyết chuyện nợ nần”.

Công an tới làm việc với nhóm người đòi nợ tại nhà bà N.T.T.H

Ảnh: Gia đình nạn nhân cung cấp

Bắt giám đốc, nhân viên vẫn tiếp tục đòi nợ !?

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, Công ty Kim Ngân có trụ sở chính ở H.Đắk R’lắp (Đắk Nông). Ngoài ra, công ty này còn có văn phòng đại diện tại TP.Gia Nghĩa (Đắk Nông) và ở TP.Đồng Xoài. Đáng lưu ý, Giám đốc Công ty Kim Ngân là Phương Ngọc Dũng (39 tuổi) đã bị Công an TP.Gia Nghĩa (Đắk Nông) bắt tạm giam để điều tra hành vi gây rối TTCC vào tháng 1.2021. Cụ thể, sau khi mua nợ, những người trong công ty này tiến hành đi đòi nợ và có những hành vi gây rối TTCC, mất an ninh trật tự trên địa bàn TP.Gia Nghĩa, nên bị cơ quan công an bắt giữ.
Chiều 22.4, PV Thanh Niên gọi vào số điện thoại đường dây nóng in trên ô tô gắn logo của Công ty Kim Ngân lúc đến nhà bà N.T.T.H tại tỉnh Bình Phước đòi nợ, thì một giọng nữ trả lời: “Trụ sở công ty hiện ở TP.Đồng Xoài (Bình Phước). Việc mua bán nợ thực chất là đòi nợ thuê như lúc trước. Vì khi nào đòi được nợ, phía công ty mới thanh toán tiền cho khách. Phí đòi nợ bên công ty là 50% số tiền nợ đòi được”.

Nhiều hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật

Phân tích về trường hợp công ty mua bán nợ đe dọa người dân ở tỉnh Bình Phước, luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng: “Việc công ty mua bán nợ đến nhà của cha mẹ, anh em gây áp lực, đem loa kẹo kéo đến thông báo đòi nợ, nhiều ngày đến nhà “con nợ” gây rối… là những hành vi vi phạm pháp luật. Công an, chính quyền địa phương cần ghi nhận sự việc, các hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật như xâm nhập gia cư bất hợp pháp, chiếm đoạt tài sản, gây hư hỏng tài sản, gây mất trật tự…”.
Cũng theo luật sư Tuấn, việc mua bán nợ bằng hợp đồng mua bán nợ thì pháp luật không cấm, các quyền và nghĩa vụ do hai bên tự thỏa thuận nhưng không được để xảy ra những hành vi vi phạm pháp luật khi đòi nợ. “Khi mua nợ xong, công ty phải có thông báo đòi nợ và yêu cầu trả nợ, nếu người nợ không trả thì có quyền khởi kiện ra tòa án, chứ không thể dùng “quyền” của mình là mua nợ rồi tổ chức đòi bằng cách thức như gây áp lực, tạt sơn... giống đòi nợ thuê kiểu “xã hội đen”. Thời gian qua đã có nhiều người vi phạm pháp luật, đòi nợ theo kiểu “xã hội đen” và đã phải trả giá”, luật sư Tuấn cảnh báo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.