Bí thư tỉnh từng là Giám đốc Sở trẻ nhất nước: 'Nhũng nhiễu dân sẽ xử lý ngay'

26/10/2015 08:00 GMT+7

(TNO) Đó là khẳng định của Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, Lê Trường Lưu, tại cuộc họp báo sau khi kết thúc Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên- Huế, khóa 15, nhiệm kỳ 2015-2020.

(TNO) Đó là khẳng định của Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, Lê Trường Lưu, sau khi kết thúc Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên - Huế, khóa 15 (nhiệm kỳ 2015-2020). Đặc biệt, từng có thời ông Lưu là Giám đốc Sở trẻ nhất nước. 

Chân dung Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên- Huế Lê Trường Lưu - Ảnh BNLChân dung Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên- Huế Lê Trường Lưu - Ảnh BNL
Sau phiên bế mạc Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên- Huế, khóa 15 (nhiệm kỳ 2015-2020), Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu đã chia sẻ nhiều trăn trở trước nhiệm vụ mới của người gánh trọng trách đứng đầu Đảng bộ tỉnh.
Nhỏ nhẹ, chân thành nhưng thuyết phục đó là cảm nhận đầu tiên về vị Bí thư Tỉnh ủy xuất thân từ ngành tài chính và có chuyên môn thạc sĩ kinh tế này. Trước rất nhiều câu hỏi đặt ra về kỳ vọng của người dân với người lãnh đạo mới cũng như những sách lược nhằm đưa Thừa Thiên- Huế phát triển nhanh, Bí thư Lê Trường Lưu chia sẻ: “Nói là tái đắc cử, nhưng thực chất tôi mới vừa được bầu có 20 ngày và chính thức được Ban Bí thư phê chuẩn có 10 ngày. Với tôi đó là trọng trách mà Đảng và nhân dân tín nhiệm giao phó. Càng được tín nhiệm cao, tôi càng cảm thấy áp lực khiến mình phải nỗ lực nhiều hơn để gánh vác trọng trách. Tôi từ làm giám đốc sở (Sở Tài chính- PV) khi mới 36 tuổi, 37 tuổi vào cấp ủy. Thời kỳ đó, tôi là giám đốc Sở trẻ nhất nước. Tôi tự hào là người đi lên bằng chính đôi chân của mình”.
Ông Lê Trường Lưu trao danh hiệu Bà mẹ VN Anh hùng cho các mẹ được Chủ tịch nước phong tặng trong đợt tháng 7.2015 - ảnh Thái Bình
Ông Lưu trước đó được Ban chấp hành Đảng bộ khóa 14, nhiệm kỳ 2010-2015, bầu làm Bí thư Tỉnh ủy thay cho ông Nguyễn Ngọc Thiện, Ủy viện T.Ư Đảng, được Thủ tướng Chính phủ điều động bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ VH-TT và DL. 
Ông Lưu không đưa ra ngay những việc làm cụ thể nhưng đã phân tích khá sâu sắc thuận lợi và khó khăn mang tính đặc thù mà Thừa Thiên- Huế đang gặp phải. Từ đó, ông cho rằng, không chỉ mỗi cá nhân ông trong một sớm một chiều có thể làm được mà cả hệ thống chính trị cần phải được chuyển động. Trước tiên, đó là việc quy hoạch, sau đó là công tác cán bộ và sau cùng là hiệu quả của bộ máy làm việc.
“Các nhà đầu tư đến Huế họ đều phải tính làm ăn phải có lãi. Trong khi đó, khâu vận chuyển của Huế hiện tại phải nhập từ hai đầu đất nước, cho nên chi phí cao. Tỉnh đang xác định xây dựng trung tâm dệt may của cả nước, nhưng dệt may chỉ giải quyết được an sinh xã hội từ giả quyết việc làm, nhưng thu ngân sách thì yếu. Chúng ta phải lựa chọn và tìm được những nhà đầu tư chiến lược để từ đó có thể kéo theo nhiều nhà đầu tư phụ trợ khác. Sắp tới, cả Tỉnh ủy, UBND tỉnh và HĐND tỉnh đều phải cải thiện cung cách làm việc. Trước tiên, là cơ chế và phải có kênh để người dân, báo chí có thể giám sát việc làm của cơ quan nhà nước và chất vấn đối với lãnh đạo. Tất cả các thành viên của UBND tỉnh đều phải trả lời chất vấn những vấn đề, công việc mà mình phụ trách. Người đứng đầu các ngành phải chịu trách nhiệm. Những thói quen lề mề, chậm và né trách sẽ được cải thiện ngay. Nếu phát hiện tình trạng những nhiễu dân sẽ xử lý ngay” - ông Lưu khẳng định.
“Hiện tại tôi vẫn chưa chuyển sang hệ thống Đảng, nhưng ở HĐND (ông Lưu hiện là Chủ tịch HĐND tỉnh) email của tôi vẫn thường xuyên nhận ý kiến của nhân dân. Tất cả các ý kiến nhận được tôi đều trả lời và nghiên cứu chỉ đạo xử lý. Trong thời gian tới, trong website của Tỉnh ủy sẽ có một hộp thư để nhận ý kiến của nhân dân”.
Về những câu hỏi đâu là bước đột phá để đưa Thừa Thiên- Huế phát triển, ông Lưu nói: “Cho tôi xin khất lại câu trả lời này, chưa thể trả lời hôm nay nhưng sẽ được chứng minh trong nhiệm kỳ 5 năm tới”- ông Lưu nói.
Khác với nhiều vị lãnh đạo phát ngôn mạnh mẽ, quyết liệt… ông Lưu trầm tĩnh, nhẹ nhàng nhưng sâu sắc đúng chất Huế.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.