Bị ô nhiễm, đòi bồi thường: Những thiệt hại về tài sản, sức khỏe là có chứng cứ

13/05/2009 00:37 GMT+7

Trao đổi với Báo Thanh Niên hôm qua, Phó chủ nhiệm UB Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, TSKH Nghiêm Vũ Khải nói rằng, các quy định pháp luật chi tiết về bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra còn thiếu. Nhưng điều đó không có nghĩa là không thể xác định được mức độ thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra và mức bồi thường mà chủ thể gây ô nhiễm phải chi trả.

* Thưa ông, việc tòa án bác đơn kiện của nông dân yêu cầu Công ty Vedan phải bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường vì thiếu chứng cứ đã khiến người dân không khỏi lo ngại về kẽ hở luật pháp, khiến họ có thể bị thiệt thòi?

 

TSKH Nghiêm Vũ Khải

- Tôi chưa có điều kiện nghiên cứu kỹ hồ sơ của vụ kiện cụ thể này, nhưng tôi cho rằng vấn đề ở đây có thể là do những hạn chế hoặc còn thiếu những quy định cụ thể trong quy trình tố tụng về vấn đề bồi thường thiệt hại cho một tập thể nguyên đơn. Chẳng hạn, việc xử lý hình sự chỉ áp dụng đối với cá nhân mà không áp dụng cho pháp nhân. Tuy nhiên, những thiệt hại về tài sản, sức khỏe cộng đồng do ô nhiễm gây ra là có chứng cứ và có thể chứng minh được.

Bây giờ phải xử lý thế nào? Theo tôi, cơ quan quản lý nhà nước T.Ư và địa phương phải có trách nhiệm đại diện cho dân xác định mức độ vi phạm, mức độ thiệt hại và yêu cầu Công ty Vedan bồi thường theo Luật Bảo vệ môi trường (BVMT), Bộ luật Dân sự và pháp luật có liên quan. Luật BVMT quy định việc bồi thường có thể thực hiện thông qua thỏa thuận hoặc có trọng tài, hoặc kiện ra tòa. Tôi nghĩ việc thỏa thuận là hoàn toàn có thể thực hiện được và cơ quan nhà nước có thể đóng vai trò trọng tài. Công ty Vedan có trách nhiệm và khi có ý định làm ăn lâu dài tại VN thì nên bồi thường cho người dân qua hình thức trọng tài, đó là hình thức hợp lý, hợp tình.

* Thưa ông, hiện nay việc xác định mức độ thiệt hại do ô nhiễm gây ra (trực tiếp đối với người dân) dường như chưa được đặt vấn đề nghiêm túc. Cho nên mới có chuyện từng có cả "làng ung thư" do chất thải của một nhà máy nhưng trách nhiệm bồi thường của chủ thể rất mờ nhạt?

- Hiện nay quy định mang tính nguyên tắc về xử phạt đối với đơn vị gây ô nhiễm tương đối đầy đủ và đang được hoàn thiện. Tuy nhiên, khi đi vào triển khai thực hiện vẫn còn những vướng mắc. Về nguyên tắc, chỉ có thể quy trách nhiệm bồi thường khi có đủ chứng cứ. Việc chứng minh này trong nhiều trường hợp không đơn giản. Do vậy, trong mọi trường hợp cơ quan nhà nước các cấp vẫn đang phải đứng ra giải quyết hậu quả. Như chuyện ở Thạch Sơn (Phú Thọ) đấy, Bộ TN-MT đã phối hợp với UBND tỉnh Phú Thọ và các tổ chức liên quan thực hiện các biện pháp khắc phục ô nhiễm, hỗ trợ chữa bệnh cho người dân theo chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, hỗ trợ người nghèo. Trong khi hệ thống pháp luật quy định về trách nhiệm bồi thường dân sự do ô nhiễm môi trường gây ra đang được bổ sung hoàn thiện thì Nhà nước phải đứng ra làm việc đó. Nhưng sẽ phải hướng tới việc thực hiện một trong những nguyên tắc quy định trong Luật BVMT là người gây ô nhiễm có trách nhiệm khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại và phục hồi môi trường.

* Nhưng phải xây dựng các tiêu chí xác định thiệt hại như thế nào để không phải tranh cãi, để căn cứ các tiêu chí ấy, người dân có thể khởi kiện dân sự một cơ sở gây ô nhiễm, thưa ông?

- Luật BVMT đã quy định những nguyên tắc chung về xác định và bồi thường thiệt hại về môi trường, tài sản, sức khỏe của con người. Tuy vậy, cần ban hành văn bản hướng dẫn, tiêu chuẩn, tiêu chí, quy trình, thủ tục... để thực hiện các nguyên tắc đó, cũng như cần bảo đảm phương tiện hoạt động và nguồn nhân lực.

* Thưa ông, có một điều khoản trong Luật BVMT là Chính phủ hướng dẫn việc xác định thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường để làm căn cứ bồi thường thiệt hại, tại sao từ năm 2005 đến giờ chưa làm được việc này?

- Như tôi đã nói, mảng quy định pháp lý về xử phạt và bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực môi trường cần phải bổ sung và đấy chính là một điểm quan trọng chúng ta sẽ phải làm. Đồng thời cần kiện toàn hoạt động tư pháp trong lĩnh vực này. Chúng ta phải làm sớm vì với tình hình ô nhiễm như hiện nay, sẽ ngày càng phát sinh nhiều khiếu kiện về ô nhiễm môi trường. Mức độ gia tăng khiếu kiện về môi trường rất cao, chỉ sau khiếu kiện về đất đai.

* Ủy ban KHCN và MT có kiến nghị giám sát tối cao ở Quốc hội về vấn đề gây ô nhiễm môi trường và các chính sách pháp luật liên quan không?

- Quốc hội và các đại biểu Quốc hội rất quan tâm vấn đề BVMT tại các kỳ họp Quốc hội. Gần đây, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cần tiến hành giám sát tối cao về vấn đề môi trường. Tuy nhiên, mỗi kỳ họp, mỗi năm Quốc hội chỉ có thể thực hiện giám sát tối cao đối với một số nội dung nhất định. Trong khi đó, các cơ quan của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu cũng thường xuyên giám sát nội dung này theo nhiệm vụ. Tới đây ủy ban chúng tôi sẽ kiến nghị Quốc hội xem xét, quyết định.

Qua trao đổi hôm nay với Báo Thanh Niên, tôi thấy rõ hơn sự cần thiết hoàn thiện văn bản pháp luật, cơ chế, quy trình, thủ tục về bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra. Ủy ban chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan hữu quan để chủ động triển khai nội dung này. Việc xử lý vi phạm, trong đó có việc bồi thường thiệt hại sẽ có tác dụng răn đe, cảnh báo hành vi của mọi tổ chức, cá nhân; qua đó nâng cao tính nghiêm minh, khả thi của pháp luật.

An Nguyên
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.