Bí mật đàn 'khủng' Cooang Tac

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
10/01/2020 09:00 GMT+7

Đàn Cooang Tac của người Xê Đăng chỉ xuất hiện khi chim chóc, thú rừng kéo đến quấy phá khiến vụ mùa thất bát. Và nó sẽ biến mất khi người Xê Đăng cúng lễ mừng được mùa...

Nước suối “đánh” đàn

Tầng 3 của Bảo tàng Đà Nẵng tuy chật hẹp nhưng vẫn dành một khu vực chừng 20 m2 cho dàn đàn Cooang Tac. Bộ đàn này dài khoảng 10 m, rộng chừng 2 m, với 52 ống đàn bằng tre, tương ứng với các nốt khác nhau. Thoạt nhìn, người xem rất khó hình dung Cooang Tac là dàn đàn của người Xê Đăng sinh sống tại vùng cao Trà My (Quảng Nam), bởi trông nó như một... khung cửi.
Bí mật đàn “khủng” Cooang Tac

“Khi cho dòng nước chảy qua, cả dàn đàn hoạt động như khung cửi

Ảnh: Hoàng Sơn

Bà Trương Thế Liên, Phó trưởng phòng Sưu tầm - trưng bày và bảo quản, kể năm 1991 khi còn là một sinh viên thực tập tại Bảo tàng Đà Nẵng, bà đã thấy một người đàn ông Xê Đăng gùi hàng trăm ống tre, nứa từ vùng cao về bảo tàng rồi ngày ngày cặm cụi gọt đẽo. Ông tỉ mẩn phục dựng từng chi tiết đàn, ròng rã 1 tháng trời mới xong. “Khi cho dòng nước chảy qua, cả dàn đàn hoạt động như khung cửi. Âm thanh vang lên. Tôi có cảm giác như mình đứng giữa đại ngàn hùng vĩ với dòng âm thanh “tung, toang” đầy mê hoặc”, bà Liên nhớ lại.
Theo tài liệu của nhạc sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc Trương Đình Quang lưu giữ tại Bảo tàng Đà Nẵng, đàn Cooang Tac được làm bằng tre, nứa, mây và các loại dây leo. Kích thước của đàn không cố định, tùy thuộc vào làn điệu hoặc do nhạc phẩm mà nối dài hoặc thu ngắn. Thêm âm thì phải thêm ống đàn. Một dàn đàn hoàn chỉnh, nhiều làn điệu có thể đến 120 ống, dài 60 m. Đàn phát âm nhờ những thanh gỗ hoặc thanh tre đặc ruột do lực kéo của dàn đàn mà gõ vào những ống nứa với kích thước khác nhau, được khoét, gọt có cao độ khác nhau.
Bí mật đàn “khủng” Cooang Tac

Cooang Tac - loại nhạc khí được “đánh” bởi nhạc công là… dòng nước chảy

Lực đánh đàn được người nghệ nhân thiết kế từ một bộ khung dao động. Trên khung này, một đầu buộc hòn đá lớn, đầu kia mắc vào máng nước. Khi nước suối chảy vào máng sẽ kéo khung gỗ này trượt khỏi vị trí ban đầu. Rồi máng nước sẽ nghiêng, nước chảy hết ra ngoài, hòn đá ở đầu dây đằng kia kéo cả khung dao động về lại vị trí cũ, kể cả máng nước.
“Mỗi ống nứa là 1 âm. Cả dàn đàn với nhiều cung bậc, sắp xếp phối hòa âm hợp lý, cho phép nghệ nhân sáng tác và điều khiển dàn đàn với nhiều màu vẻ”, nhạc sĩ Trương Đình Quang nhận xét. Việc chọn lọc, cắt gọt từng ống nứa, gõ chúng, lắng nghe âm phát ra, chỉnh âm dần dần, sắp xếp vào dàn đàn… là quá trình cho phép người thiết kế Cooang Tac trút vào đó trọn vẹn tâm hồn nghệ sĩ.
Bí mật đàn “khủng” Cooang Tac

Các ống tre đặc ruột (hoặc thanh gỗ) được đặt ngang sẽ gõ vào những ống tre được treo và khoét các lỗ nhằm tạo âm

Cúng Yàng để xin… dựng đàn

Ước mơ “đánh đàn” cho du khách nghe

 
Dàn đàn Cooang Tac đang trưng bày tại Bảo tàng Đà Nẵng là một trong những hiện vật hiếm hoi còn giữ được. Bà Trương Thế Liên cho hay bảo tàng quá chật hẹp nên nhiều năm qua không thể có… nguồn nước cho dàn đàn hoạt động. “Chúng tôi hy vọng, khi bảo tàng chuyển về số 42 Bạch Đằng, dàn đàn sẽ có cơ hội được đưa ra ngoài, trình diễn cho du khách thưởng thức”, bà Liên nói.
Những người từng có cơ hội nghe qua Cooang Tac đều ngạc nhiên trước âm thanh đặc biệt. Âm cao thì nghe như đàn Tơ Rưng được đánh từ que gõ. Âm trầm thì lại như đàn K’lông Put khi dùng hơi lùa của tay vỗ. Bởi hình dáng, âm thanh độc đáo và cách thức hoạt động kỳ lạ ấy, theo nhà nghiên cứu Trương Đình Quang, trong lần đầu tiên ra mắt cư dân phía nam tại Triển lãm văn hóa các dân tộc VN hồi tháng 4.1987 ở TP.HCM, Cooang Tac đã gây chú ý cao độ. Dàn đàn ấy do nghệ nhân tên Piu thiết kế, dài 10,4 m, gồm 52 ống đàn.
Bí mật đàn “khủng” Cooang Tac

Khung dàn tạo dao động trông giống khung cửi này sẽ tạo nên “bộ xương” cho Cooang Tac

Theo yêu cầu sáng tạo làn điệu, đàn có những ống treo dọc tự đập vào nhau để hòa âm kéo dài. Có ống tự do đung đưa tạo âm vang, rộng dài. Có ống đứng tại chỗ nhằm hãm tiếng, giảm âm. Có ống với thanh gỗ giữ trên ngọn hoặc dưới gốc tạo âm chắc, vang vừa phải… “Với một dòng nước nhỏ chảy đều đặn vào máng, âm thanh của Cooang Tac nhặt khoan và dàn trải như một bản nhạc với nhiều bè. Khi thì đối đáp nhau, khi thì đuổi theo nhau, khi thì giai điệu và chồng âm nhiều dạng. Dòng nước đổ mạnh hơn, âm thanh sẽ trở nên dồn dập, tiết tấu khẩn trương”, nhạc sĩ Trương Đình Quang mô tả.
Theo ông Nguyễn Văn Sơn, cán bộ Bảo tàng Quảng Nam, khi đàn Cooang Tac được dòng nước “đánh” lên thì tương ứng với các nốt nhạc. Là người đi điền dã nhiều, ông Sơn may mắn được nghe dàn đàn do bố của ông Hồ Văn Thập (trú xã Trà Cang, huyện Nam Trà My) chế tác vang lên giữa núi rừng. “Ban đầu, dàn đàn này dùng để xua đuổi chim chóc, con vật về phá mùa màng. Đàn chỉ xuất hiện vào những năm mất mùa, do tin rằng thần linh không lo cho cuộc sống của họ. Và họ phải làm đàn. Gần 10 năm trước tại xã Trà Cang vẫn còn làm đàn Cooang Tac”, ông Sơn nhớ lại.
Người Xê Đăng quần cư tại các nóc, canh tác trên một rẫy cạn và thường hùn sức làm Cooang Tac mỗi khi mất mùa. “Năm nào mất mùa, đến tháng 3 - 4 khi gieo lúa rẫy, người dân sẽ làm đàn. Quá trình làm phải xin keo, cúng Yàng bằng một con gà. Yàng “đồng ý” mới được làm”, ông Sơn chia sẻ. Đến khoảng tháng 9 - 10, sau khi ăn lễ mừng lúa mới, người dân sẽ bỏ dàn đàn. Càng không bị mất mùa, Cooang Tac càng ít “xuất hiện”. Nhưng ông Sơn đang nghĩ về giá trị của hiện vật trong đời sống tộc người Xê Đăng và lo một ngày Cooang Tac thất truyền.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.