Bị lừa sinh con cho người nước ngoài: Cần có sự phối hợp giữa VN và các lãnh sự quán

11/03/2015 03:00 GMT+7

Xoay quanh nhiều ý kiến cho rằng pháp luật VN có lỗ hổng trong thủ tục đăng ký khai sinh đối với trẻ sinh ở VN có yếu tố nước ngoài, khiến người mẹ bị mất con, được phản ánh trong bài Bị lừa sinh con cho người nước ngoài đăng trên Báo Thanh Niên , PV Thanh Niên có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Vũ, Trưởng phòng Hộ tịch - quốc tịch, Sở Tư pháp TP.HCM về vấn đề này.

Xoay quanh nhiều ý kiến cho rằng pháp luật VN có lỗ hổng trong thủ tục đăng ký khai sinh đối với trẻ sinh ở VN có yếu tố nước ngoài, khiến người mẹ bị mất con, được phản ánh trong bài Bị lừa sinh con cho người nước ngoài đăng trên Báo Thanh Niên, PV Thanh Niên có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Vũ, Trưởng phòng Hộ tịch - quốc tịch, Sở Tư pháp TP.HCM về vấn đề này.

Bị lừa sinh con cho người nước ngoàiÔng Nguyễn Văn Vũ, Trưởng phòng Hộ tịch - quốc tịch, Sở Tư pháp TP.HCM - Ảnh: C.T.V
Ông Vũ nhìn nhận, em bé (có yếu tố nước ngoài) vẫn có thể cùng lúc có hai khai sinh mà VN không quản lý được.
* Nếu cha (mẹ) không muốn đăng ký khai sinh cho con tại Sở Tư pháp theo quy định thì họ vẫn đăng ký được tại các lãnh sự quán (LSQ), thưa ông?
- Có những trường hợp họ tự liên hệ với LSQ của nước họ tại VN để đăng ký khai sinh. Khi đó, chúng ta không quản lý được. Bởi, theo quy định của nước họ, có thể những trường hợp đó vẫn được cấp giấy khai sinh. Do đó, LSQ vẫn cấp giấy khai sinh bình thường.
Theo tôi biết, ở một số nước, khi người bố đến LSQ, cung cấp đầy đủ giấy xác định cha (mẹ) - con, giấy nhìn nhận cha (mẹ) - con thì LSQ sẽ cấp giấy khai sinh, đồng thời cấp luôn hộ chiếu cho em bé. Đây là quy định của nước họ, mình không can thiệp được.
* Nếu chúng ta không quản lý được thì có thể phát sinh trường hợp một em bé có hai giấy khai sinh?
- Cũng không ngoại trừ khả năng này và chỉ khi nào có tranh chấp thì may ra chúng ta mới biết. Thông thường, thủ tục bắt buộc khi đăng ký khai sinh ở VN là phải có giấy chứng sinh của bé. Còn ở nước ngoài có bắt buộc hay không thì tùy từng nước. Nếu người cha đã đăng ký khai sinh cho bé tại cơ quan lãnh sự rồi, khi qua sở tư pháp, cha (mẹ) bé nếu đáp ứng đầy đủ quy định, thủ tục thì chúng tôi vẫn phải cấp giấy khai sinh cho họ mà sở tư pháp không biết rằng em bé đó đã được cấp khai sinh tại cơ quan LSQ rồi.
* Sở Tư pháp TP.HCM đã nhận được phản ánh nào giống như trường hợp Thanh Niên phản ánh?
- Từ trước đến nay chưa có.
* Vậy nay đã có trường hợp cụ thể, ông có định đề xuất gì để việc quản lý chặt chẽ hơn không?
- Đây là “cái vướng” mà Bộ Tư pháp cần làm việc với các cơ quan lãnh sự, về phương diện ngoại giao.
Pháp luật mình có quy định về đăng ký khai sinh thì pháp luật các nước khác cũng có quy định của họ, bởi đó là vấn đề bảo hộ công dân của từng nước. Pháp luật của nước mình quy định phải đăng ký khai sinh tại nơi cư trú của người mẹ, nhưng với một số nước, để nhìn nhận con, khi người bố có những chứng cứ chứng minh thì cơ quan lãnh sự vẫn cho phép cấp giấy khai sinh theo quy định pháp luật của nước họ.
Vì vậy, nên chăng Bộ Tư pháp và các LSQ ngồi lại với nhau, cùng thảo luận, rằng nếu có trường hợp, cha đến LSQ để làm thủ tục đăng ký khai sinh cho bé thì các LSQ có thể gửi công văn đến sở tư pháp trao đổi lại, xem việc đăng ký khai sinh cho em bé trong trường hợp này có phù hợp không, em bé đã được đăng ký khai sinh tại sở tư pháp chưa. Như vậy, quyền lợi của người mẹ và em bé được đảm bảo hơn.
Tốt hơn, nên có sự thống nhất quy định nước làm giấy khai sinh phải là nơi cư trú của người mẹ. Nếu người cha (nước ngoài) tự đến LSQ đăng ký khai sinh thì LSQ phải có sự trao đổi với sở tư pháp.
Quy định ở VN là mỗi sự kiện hộ tịch thì chỉ đăng ký một lần nên hy vọng rằng Bộ Tư pháp sẽ nghiên cứu để đưa ra giải pháp hợp lý.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.